Các đại biểu dự tại hàng chục điểm cầu trong và ngoài nước, trong đó có 12 điểm cầu tại Hoa Kỳ. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, sở, ngành của tỉnh, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh.
Đề xuất tháo gỡ về giá cước vận chuyển, chiếu xạ
Mở đầu hội nghị, đồng chí Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Bắc Giang có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng.
Một số sản phẩm đang được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm như: Chè Bản Ven và sản phẩm chế biến từ gạo (mỳ gạo Chũ) với sản lượng hàng chục nghìn tấn; cây có múi (cam, bưởi) với sản lượng mỗi năm đạt gần 90 nghìn tấn quả; cây lâm nghiệp với sản lượng đạt hơn 600 nghìn m3 gỗ/năm và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
|
Các đại biểu đồng chủ trì hội nghị. |
Đặc biệt, Bắc Giang có vùng vải thiều lớn nhất cả nước. Nhiều năm qua, tỉnh nhất quán quan điểm: Lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải sinh trưởng phát triển tốt, dự báo sản lượng đạt hơn 180.000 tấn (sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn; chính vụ 120.000 tấn). Vải dự kiến xuất khẩu sang Hoa Kỳ với 17 mã số vùng trồng (được Hoa Kỳ cấp mã số), diện tích là 205 ha, sản lượng đạt 1.500 tấn.
|
Đồng chí Trần Quang Tấn giới thiệu tiềm năng thị trường nông sản của Bắc Giang. |
Tỉnh Bắc Giang xác định Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn. Vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường này còn một số khó khăn về chi phí vận chuyển; công nghệ bảo quản vải thiều bằng đường biển. Đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) quan tâm và có những định hướng giúp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang ở Hoa Kỳ.
Quan tâm giới thiệu, mời gọi và kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ và các doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ có hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông sản. Bắc Giang sẽ cung cấp, giới thiệu các doanh nghiệp trên địa bàn đáp ứng các yêu cầu. Đề nghị Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội giúp Bắc Giang chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Hà Nội…
|
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu phát biểu. |
Thảo luận tại đây, đại diện doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ nêu, hiện vải thiều Bắc Giang vào Hoa Kỳ giá thành cao do cước vận chuyển cao. Vì thế khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường này. Bên cạnh đó, chất lượng, mã sản phẩm chưa đồng đều nên chưa tạo được bộ sản phẩm riêng có.
Về chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội, đại diện Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thông tin, hiện đơn vị đã làm việc với DN phía Hoa Kỳ để hiệu chuẩn các thông số theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đơn vị phấn đấu đầu tháng 6 sẽ có đầy đủ trang, thiết bị, chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tiềm năng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang vào Hoa Kỳ lớn. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm đến Hoa Kỳ còn nhiều khó khăn do khoảng cách địa lý, công nghệ bảo quản. Về phía Thương vụ, đơn vị luôn nỗ lực quảng bá sản phẩm Bắc Giang tại các sự kiện do Thương vụ phối hợp tổ chức.
Để xuất khẩu vải thiều thành công, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Hoa Kỳ, gỡ khó về giá cước. Đồng thời lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiêu thụ vải thiều
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển KT-XH, Bắc Giang đặc biệt coi trọng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch xuất, nhập khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những giải pháp xuất khẩu hàng hóa cụ thể, đặc biệt đối với các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
|
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Hoa Kỳ là thị trường lớn, tiềm năng; hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc có thể xuất khẩu vào nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vì vậy, Bắc Giang đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất để phục vụ thị trường này.
Hai năm qua, dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Trong điều kiện khó khăn, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng.
Tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm với các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa. Hội nghị hôm nay là cơ hội rất lớn để các DN của tỉnh Bắc Giang hợp tác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh vào Hoa Kỳ. Các ý kiến tại hội nghị đều có chung quan điểm là đồng hành với tỉnh Bắc Giang thực hiện mục tiêu trên.
UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cụ thể hóa từng nhóm vấn đề như: Tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng quả vải thiều; các điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào Hoa Kỳ; kết nối trong hoạt động xuất khẩu; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN.
Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các DN trong và ngoài nước đến Bắc Giang đầu tư sản xuất, hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu vải thiều. Những kiến nghị của DN đều được giải quyết kịp thời.
|
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Đồng chí Phan Thế Tuấn giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận các kiến nghị, góp ý của DN trong hoạt động xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Thường xuyên phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ để nắm chắc thị trường, các quy định của Chính phủ Hoa Kỳ về hoạt động xuất, nhập khẩu, kịp thời hướng dẫn DN thực hiện.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đơn vị chiếu xạ, các cơ sở đóng gói chuẩn bị kỹ các điều kiện chuẩn hóa, an toàn phục vụ xuất khẩu vải thiều.
Các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên quản lý chặt chẽ mã vùng trồng vải thiều, mã số cơ sở đóng gói tại địa phương; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện hỗ trợ thu hoạch vải thiều, khắc phục tất cả tồn tại của những năm trước, bảo đảm tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023 thành công.
Cùng ngày, tại điểm cầu Bắc Giang đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ.
Nhóm PVKT