Sign In

Hoạt động đoàn trong các khu, cụm công nghiệp: Đổi mới để tăng sức hút

09:13 06/09/2023
BẮC GIANG - Thanh niên công nhân là lực lượng chủ yếu trong các doanh nghiệp (DN) tại các khu, cụm công nghiệp. Đây là nguồn lực rất lớn để thành lập tổ chức đoàn, hội, tập hợp đoàn viên, hội viên, phát huy sức mạnh đoàn kết, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Tuy nhiên, số DN thành lập cơ sở đoàn, hội ở khu vực này đạt thấp.

Những năm gần đây, số lượng DN ngoài nhà nước đầu tư vào địa bàn tỉnh ngày càng tăng với quy mô sản xuất lớn, thu hút nhiều lao động trẻ trong và ngoài tỉnh. Việc phát triển tổ chức đoàn, hội trong các DN được T.Ư Đoàn Thanh niên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo. 

Đại diện Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh trao quyết định thành lập Câu lạc bộ Thể thao Công ty TNHH Luxshare-ICT (Vân Trung) và Chi đoàn Công ty TNHH Youngone Bắc Giang (huyện Việt Yên).

Đại diện Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh trao quyết định thành lập Câu lạc bộ Thể thao Công ty TNHH Luxshare-ICT (Vân Trung) và Chi đoàn Công ty TNHH Youngone Bắc Giang (huyện Việt Yên).

Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 165-NQ/TU ngày 21/9/2021 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ tập hợp thanh niên trong tổ chức đoàn đạt ít nhất 65%; phấn đấu thành lập tổ chức đoàn, hội tại các KCN.

Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Nghị quyết ra đời phù hợp với Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển tổ chức đoàn, hội trong các DN ngoài nhà nước. Với lợi thế các khu công nghiệp tỉnh có khoảng 170 nghìn công nhân, trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 18- 30) chiếm hơn 71%, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn tập trung triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động. 

Toàn tỉnh có 19 chi đoàn, 21 chi hội DN và 52 câu lạc bộ thanh niên công nhân đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút 9,1 nghìn đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân tham gia sinh hoạt.

Kết quả, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 14 chi đoàn, chi hội ngoài quốc doanh và 26 câu lạc bộ thanh niên công nhân, nâng tổng số lên 19 chi đoàn, 21 chi hội DN và 52 câu lạc bộ thanh niên công nhân đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút 9,1 nghìn đoàn viên, hội viên, thanh niên công nhân tham gia sinh hoạt”.

Mặc dù vậy, tổ chức đoàn, hội được thành lập và tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên trong tổ chức đoàn mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa tương xứng với quy mô lao động trẻ và số lượng DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nhiều DN cho rằng không cần thiết thành lập thêm tổ chức đoàn thanh niên khi đã có tổ chức công đoàn trong DN. Trong khi đó người lao động phải chạy theo các chỉ tiêu năng suất, chất lượng, ít có điều kiện tham gia phong trào. Năm 2022, sau nhiều nỗ lực mới thuyết phục được 2 DN thành lập tổ chức đoàn, còn lại phần lớn đều đưa ra lý do từ chối.

Chị Trịnh Thị Thanh Vân, Phó trưởng Ban Phong trào (Tỉnh đoàn) cho hay vận động thành lập đã khó, giữ vững hoạt động của tổ chức đoàn trong DN cũng không dễ dàng. Tháng 4/2023 đã có một chi đoàn ở DN xin giải thể. Công ty TNHH Crystal Martin, KCN Quang Châu (Việt Yên) thành lập Chi đoàn thanh niên vào tháng 5/2022 với 41 đoàn viên. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều lao động phải nghỉ việc trong đó có một số đoàn viên; Ban Chấp hành Chi đoàn từ 5 người giảm còn 2 người. Vì vậy, Chi đoàn gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 165 của BTV Tỉnh ủy, bên cạnh kết quả đạt được, những khó khăn trong công tác tập hợp đoàn viên, phát triển tổ chức đoàn, hội trong các KCN đã được các sở, ban, ngành nhận diện. Hiện nay, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như một số ngành liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đồng hành với công nhân. 

Cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, con em công nhân chưa đáp ứng yêu cầu. Tỉnh đoàn, Đoàn Khối DN tỉnh chưa bố trí được cán bộ phụ trách riêng về công tác tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức đoàn, hội trong khu, cụm công nghiệp. Nguồn cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội tại các khu, cụm công nghiệp thiếu, chưa bố trí nhân lực, thiếu cơ chế chính sách cho công tác tập hợp, đoàn kết công nhân vào các tổ chức đoàn, hội.

Với quy mô phát triển công nghiệp của tỉnh, BTV Tỉnh ủy luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt khẳng định việc thành lập các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có tổ chức đoàn, hội cho nhóm lao động trẻ là nhiệm vụ cấp thiết. Thực tế tại nhiều DN đã thành lập tổ chức đoàn như: Tổng Công ty may Bắc Giang LGG, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Công ty TNHH Youngone Bắc Giang, KCN Đình Trám (Việt Yên), các phong trào thi đua lao động, sản xuất diễn ra sôi nổi; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức định kỳ góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với BTV Tỉnh ủy dự thảo Đề án tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên và các tổ chức chính trị - xã hội tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 

Theo đồng chí Thân Văn Nghiệp, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, tổ chức đoàn, hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng sức hút để chủ DN và lao động trẻ nhận thấy lợi ích và tham gia. Các cấp bộ đoàn tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với các địa phương có công nhân ở trọ nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động cả về bề nổi (giao lưu văn hóa, thể thao…) và chiều sâu (kết nối, hỗ trợ, chia sẻ việc làm, chăm sóc sức khoẻ…), phù hợp với nhu cầu, đời sống của lao động trẻ.

Tháo gỡ những khó khăn trên, lãnh đạo Tỉnh đoàn cho biết đơn vị đang nghiên cứu một số nhóm giải pháp như xây dựng phần mềm với tên gọi “Công nhân Bắc Giang”. Phần mềm này thường xuyên cập nhật thông tin về việc làm, tuyển dụng lao động, sức khoẻ, đời sống, nhà trọ, các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao, chương trình mua sắm giảm giá, các địa chỉ ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tư vấn pháp luật, giải đáp 24/7.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn đề xuất BTV Tỉnh ủy cho phép thành lập Trung tâm Công nhân; hợp đồng cán bộ chuyên trách theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP và tập trung phát triển mạng lưới cộng tác viên. Xây dựng tuyến phố tổ chức sự kiện dành cho công nhân, định kỳ hằng tháng diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, giao lưu kết nối. Hướng dẫn các cơ sở đoàn tổ chức các phong trào thi đua gắn với hoạt động sản xuất tại DN. Với các giải pháp trên, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thành lập ít nhất 60 chi đoàn, chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm tại các khu, cụm công nghiệp, thu hút khoảng 10 nghìn công nhân và lao động trẻ.

Đồng chí Nguyễn Thị Hương, Bí thư Huyện đoàn Yên Dũng:

Tổ chức các chương trình thiết thực với công nhân

Huyện Yên Dũng hiện có hơn 600 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh, trong đó có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động ổn định với lĩnh vực chủ yếu là gia công, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất hàng may mặc, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động. Qua rà soát có khoảng 3 nghìn công nhân quê ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Lào Cai, Yên Bái thuê trọ.

Tính đến nay, đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt tỷ lệ 95,8%, tuy nhiên chưa có tổ chức chi đoàn, chi hội liên hiệp thanh niên trong doanh nghiệp. Trên địa bàn đã thành lập được 6 câu lạc bộ và 1 chi đoàn nhà trọ thanh niên công nhân tại các xã có khu, cụm công nghiệp gồm: Nội Hoàng 5 CLB, 1 chi đoàn; Yên Lư 1 CLB nhà trọ. Thành viên của các CLB nhà trọ và đoàn viên chi đoàn là công nhân thuộc các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng lao động hiện có và quy mô phát triển công nghiệp của huyện.

Sau khi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các đơn vị, Huyện đoàn Yên Dũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, cập nhật thông tin về số lượng doanh nghiệp và công nhân lao động đang lưu trú trên địa bàn. Từ đó xây dựng kế hoạch tiếp cận, tuyên truyền vận động thành lập tổ chức đoàn, hội, các mô hình câu lạc bộ dành cho lao động trẻ. Huyện đoàn xác định giải pháp thu hút đoàn viên, hội viên từ những hoạt động quy mô nhỏ và vừa tại doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công nhân thuê trọ. 

Các hoạt động tăng sự gắn kết, giao lưu giữa cán bộ đoàn cơ sở với đoàn viên, thanh niên địa phương và thanh niên công nhân. Có thể kể đến một số hoạt động sẽ được phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể triển khai như: “Ngày hội thanh niên công nhân”, “thanh niên công nhân với văn hóa giao thông”, “thanh niên công nhân với kiến thức bảo hiểm xã hội”, “thanh niên công nhân với sức khỏe sinh sản”, “thanh niên công nhân với hàng Việt”… 

Các hoạt động trên đều có chung mục đích hướng về người lao động với những lợi ích thiết thực; không ép buộc, tạo tâm lý thoải mái, khích lệ công nhân và lao động trẻ tự nguyện, chủ động tham gia vào các hoạt động,nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.

Mai Toan (ghi)

Bài, ảnh: Hải Vân


Tag:

File đính kèm