DN đối mặt với nhiều khó khăn
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Thế Tuấn thông tin, những kiến nghị của DN thời gian qua đã cơ bản được các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết. Qua đó đóng góp nhất định vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh liên tục tăng; đưa Bắc Giang từ nhóm các địa phương có chất lượng điều hành trung bình lên nhóm khá trên bảng xếp hạng trong cả nước.
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Khái quát tình hình KT-XH của tỉnh, đồng chí nhấn mạnh, bên cạnh kết quả nổi bật thì trong 5 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng; thị trường tiêu thụ hàng hóa từng bước phục hồi nhưng còn chậm.
Việc thực hiện các thủ tục liên quan đến một số DN còn mất nhiều thời gian, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì vậy, những tháng cuối năm 2024 và những năm tới đặt ra yêu cầu: Tỉnh càng phải điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt kết quả cao trong thực hiện các mục tiêu năm 2024.
Đại diện DN tại Yên Thế kiến nghị về thủ tục giao đất
Thông qua hội nghị này, UBND tỉnh sẽ lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN để có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những trở ngại mà DN đang phải đối mặt. Hiện nay, đa số DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là các gói tín dụng ưu đãi. Nguyên nhân là do các DN chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế; nhiều phương án sản xuất, kinh doanh không khả thi; một số DN không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm có tính thanh khoản kém, có những tài sản còn vướng mắc pháp lý, chưa có giấy chứng nhận, vướng quy hoạch treo hoặc tranh chấp, không đủ điều kiện cho vay.
Một số DN thực hiện dự án khu dân cư (KDC), khu đô thị (KĐT) trên địa bàn tỉnh còn nợ tiền sử dụng đất (đã quá thời hạn nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế).
Đồng chí Nguyễn Cường phát biểu tại hội nghị
Ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang nêu, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) chưa được thông thoáng. Nhiều lần DN gửi hồ sơ đến hạn lại trả lại hồ sơ, có việc rất bất hợp lý. Tới đây, Hội sẽ làm việc cụ thể với Hiệp hội DN tỉnh để cùng tháo gỡ và đề nghị lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo sâu sát hơn.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh Bảo Minh Bắc Giang (Yên Thế) cho biết, DN được chấp thuận đầu tư từ năm 2021, đến nay vẫn chưa được giao đất để sản xuất. Dự án đã phải gia hạn một lần, việc chậm giao đất do đất của DN có sự chồng lấn với dự án khác. DN đã kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị.
Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang cho rằng, việc phối hợp, giải quyết TTHC của cơ quan chức năng còn có biểu hiện đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Rõ nhất là một DN nước ngoài đầu tư tại Cụm công nghiệp Việt Nhật do đơn vị là chủ đầu tư, khi làm các thủ tục bị chậm, hồ sơ trả đi, trả lại nhiều lần, DN đã kiến nghị, đề xuất từng cơ quan liên quan song vẫn không giải quyết kịp thời. Vì vậy, DN phải chịu thiệt hại nặng. Có hồ sơ về đất đai, chủ sở hữu tài sản liên quan đến một DN Hàn Quốc sau thời gian dài vẫn không thực hiện được do quan điểm giải quyết giữa các cơ quan chuyên môn chưa thống nhất. Do đó, DN đã lắp đặt máy, tuyển dụng công nhân song chưa thể vận hành.
Các đại biểu dự hội nghị
Ngoài ra, có DN còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ hàng hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ khiến tổng cầu thế giới suy giảm, nhất là những thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… Tác động này ảnh hưởng cả đầu vào và đầu ra của nhiều DN, khiến đơn hàng sụt giảm, cạnh tranh gia tăng.
Rà soát, bãi bỏ thủ tục không cần thiết
Nắm bắt thực tế từ các DN, đồng chí Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh thông tin thêm, nhiều DN gặp khó trong giải quyết các TTHC về đầu tư, đất đai, xây dựng. Có một số quy định không rõ ràng, sở ngành đã có văn bản gửi xin ý kiến T.Ư nhưng vẫn không nhận được văn bản trả lời.
Đại diện DN tại Việt Yên đề xuất hướng dẫn thủ tục mở rộng ngành nghề kinh doanh
Cơ quan chủ trì thẩm định đôi khi thiếu chính kiến trong giải quyết một số TTHC cụ thể, chỉ cần một đơn vị có văn bản không đồng ý nhưng việc đồng ý đó không thỏa đáng, chưa đúng theo quy định pháp luật hoặc chưa được làm rõ nhưng cơ quan chủ trì thẩm định vẫn ra văn bản trả lời không đồng ý thực hiện TTHC đó mà không làm rõ việc không đồng ý đó đúng hay sai.
Bên cạnh các công chức nhiệt tình, mẫn cán vẫn có một bộ phận công chức chưa nghiên cứu sâu văn bản và các quy định của pháp luật, làm việc cầm chừng, hướng dẫn không đầy đủ, rõ ràng cho DN, thậm chí có hiện tượng gây khó khăn.
Để khắc phục các bất cập, vướng mắc nêu trên, các đại biểu đề nghị thực hiện nghiêm công tác giải quyết TTHC; rà soát công bố bổ sung các thủ tục liên quan tới DN, nhà đầu tư.
Quang cảnh hội nghị
Trên cơ sở ý kiến đề xuất và nắm bắt tình hình thực tế, kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, giai đoạn vừa qua, KT-XH của tỉnh có sự bứt phá, trong đó có đóng góp lớn của các DN trong tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, sự bất ổn của một số quốc gia đã tác động đến sản xuất, kinh doanh của DN. Nhiều ngành hàng đang gặp khó khăn. Thị trường BĐS trầm lắng, nhiều chính sách điều chỉnh mới liên quan đến BĐS. Nhiều quy định mới của luật tác động rất lớn đến DN. Trước những khó khăn của DN, đồng chí mong muốn DN chia sẻ với địa phương trong bối cảnh liên tục cập nhật quy định mới như hiện nay.
Đồng chí cũng chỉ rõ, vẫn còn một số cán bộ sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ giải quyết công việc. Tới đây, tỉnh tập trung chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ công chức, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ.
Đồng chí thông tin, mấy năm gần đây, sau nhiều năm đầu tư, Bắc Giang có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đặc biệt là hệ thống giao thông. Không gian đô thị đang mở rộng. Môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng; thêm nhiều khu, cụm công nghiệp mới hình thành trong thời gian tới. Đây là điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư cũng là điều kiện cho DN phát triển. Về các vướng mắc của DN, đồng chí yêu cầu các sở, ngành rà soát, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm. Tiếp tục rà soát, bãi bỏ thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
Liên quan đến quy định của T.Ư còn bất cập, tỉnh tổng hợp lại đề xuất lên cấp trên xem xét điều chỉnh. Các ý kiến của DN nước ngoài, đồng chí yêu cầu các ngành liên quan tiếp cận, giải đáp từng nội dung. Về vốn tín dụng, đồng chí giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo ngân hàng thương mại tăng cường tiếp cận DN, hướng dẫn, tạo điều kiện giải ngân vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Về đất đai, xây dựng, đồng chí giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp tháo gỡ vướng mắc, quan tâm giải quyết trường hợp DN tại Hiệp Hòa đã xây dựng xong nhà xưởng mà chưa đưa nhà máy vào hoạt động được. Đồng chí yêu cầu các ngành chủ động hướng dẫn quy định của pháp luật cho DN theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, bảo đảm các quy định được thực hiện nghiêm.
Theo Baobacgiang.vn