|
Trung tá Phạm Tài Kết được Bộ Công an vinh danh tấm gương tiêu biểu trong học tập Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. |
Trung tá Phạm Tài Kết (SN 1985), quê ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Vào ngành Công an từ năm 2002, sau quá trình học tập, anh nhận công tác tại Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.
Là điều tra viên, anh được giao nhiệm vụ điều tra nhiều vụ án. 5 năm qua, Trung tá Kết đã thụ lý điều tra 15 vụ với 27 bị can. Có thể nhắc đến một số vụ án nổi bật như: Vụ án Lê Thị Kim Thoa hơn 10 năm mua bán trái phép hóa đơn cho nhiều DN ở 30 tỉnh, TP trên cả nước, gây thất thu ngân sách hơn 10 tỷ đồng; vụ án Nguyễn Văn Cẩn mua bán trái phép hóa đơn, đề nghị truy tố 5 bị can, thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng; vụ án Lưu Văn Ba tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; vụ án Đặng Thị Việt Hà lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một quỹ tín dụng nhân dân hơn 40 tỷ đồng…
Theo Trung tá Phạm Tài Kết, đã làm điều tra thì khâu hỏi cung bị can là khó nhất. Vận dụng Sáu lời dạy của Bác đối với lực lượng công an nhân dân, anh luôn kiên trì, bình tĩnh, cương quyết, khôn khéo trong quá trình thực hiện nghiệp vụ. Đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ án mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Anh được cấp trên giao hỏi cung bị can cầm đầu trong vụ án này.
Đối tượng tên A mới ngoài 30 tuổi, từng có tiền án về tội “Gây rối trật tự công cộng”, bị Cục Cảnh sát hình sự di lý từ Trại tạm giam Bộ Công an về Bắc Giang. Theo điều tra, A từng có hai năm sang Campuchia làm thuê cho các sới bạc (đá gà). Tại đây A thấy có thể mua được nhiều súng trôi nổi ngoài xã hội.
Trở về Việt Nam, biết nhiều “giang hồ” có nhu cầu mua súng, đạn nên A đã liên lạc với một người ở Campuchia cung cấp vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. 4 khẩu súng, trong đó có 3 súng là vũ khí quân dụng, tiểu liên AK, lựu đạn và đạn là tang vật thu được từ A.
|
Trung tá Phạm Tài Kết (bên phải) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp. |
Ngày đầu tiên gặp đối tượng để hỏi cung, Trung tá Kết bất ngờ khi vừa tiếp cận, A đã ngẩng lên nhìn chằm chằm vào anh và thản nhiên nói: “Anh có hỏi cung em đến khi hết hạn tạm giam em cũng không khai”. “Hơn 20 năm làm điều tra, tôi chưa gặp đối tượng nào “xương” thế này, mới gặp lần đầu đã phủ đầu điều tra viên như vậy. Nhận thấy nếu đối tượng "cương" mà điều tra viên cũng "cương" thì chắc khó thành công”, Trung tá Kết kể.
Phải mất đến ba đêm suy nghĩ phương án hỏi cung, anh mới quyết định gặp đối tượng lần thứ hai. Bên cạnh nghiên cứu rất kỹ về đặc điểm nhân thân, sở trường, sở đoản, gia đình, vợ con…, lần gặp này anh vào tay không, không cây bút, không tờ giấy, không hỏi về hành vi phạm tội, không đề cập đến các vụ án mà dùng tình cảm để thuyết phục, cảm hóa.
Cuộc hỏi cung hôm ấy như một cuộc nói chuyện bình thường. “Hôm nay tôi vào đây gặp anh, tôi không quan tâm đến hành vi phạm tội, bởi việc anh làm chắc chắn có anh biết, trời biết, đất biết. Tôi đã về nhà anh rồi, anh có bốn con nhỉ, các cháu học có tốt không, vợ anh làm công nhân lại một mình nuôi con chắc vất vả lắm nhỉ”; “Anh có 4 con, cháu bé nhất mới được vài tháng tuổi. Con anh không có tội tình gì mà phải nghe những lời bình phẩm không hay của bạn bè về cha mình. Rồi còn vợ anh nữa, cô ấy còn quá trẻ, vất vả đi làm công nhân lo cho gia đình anh, lo cho các con anh, cô ấy cũng không có tội tình gì mà phải vò võ một mình nuôi con, chăn đơn gối chiếc…”.
Rồi anh nhẹ nhàng nói tiếp: “Nghe nói bố anh là Bộ đội Cụ Hồ…”. Nhắc đến đây, Trung tá Kết thấy gương mặt A trùng xuống. A lí nhí nói: “Vâng, bố em là bộ đội chống Mỹ, ông chiến đấu trong chiến trường ác liệt lắm, bao gian nan, đầy thương tích”.
Thấy đối tượng có vẻ hợp tác, anh gợi ý tiếp: “Anh cứ ngẫm nghĩ mà xem, anh phải cảm ơn bố mẹ. Bố mẹ anh sinh ra anh lành lặn, cho anh hình hài cao lớn, đẹp trai thế này, chắc ngày bé ông bà tự hào về anh lắm”; “Bố anh chắc nhiều huân huy chương lắm nhỉ”; “Vâng huân huy chương treo đầy tường nhà. Bố em còn là đảng viên, hay được thôn và xã mời đi nói chuyện”; “Anh bảo người nhà phô tô huân huy chương, nộp cho cơ quan tố tụng, nếu có tội anh sẽ được xử nhẹ hơn những người khác đấy. Pháp luật quy định rồi, nếu thành khẩn khai báo còn được hưởng sự khoan hồng”.
|
Trung tá Phạm Tài Kết lập nhiều chiến công trong điều tra phá án. |
Cứ thế, Trung tá Kết thủ thỉ vừa phân tích tình cảm gia đình, vừa giải thích pháp luật cho đối tượng: “Anh thừa hiểu trong luật tội này quy định chỉ 1 đến 5 năm. Nếu anh có các tình tiết như tôi nói ở trên sẽ được giảm nhẹ nhiều đấy”; “Anh có tội thì là có tội với Nhà nước, anh không có tội với tôi. Tôi với anh không có vấn đề gì với nhau cả. Xong việc tôi và anh có thể thoải mái chuyện trò như hai người bạn”.
Trung tá Kết nói với A: “Có những bước ngoặt nhấn người ta xuống bùn đen, nhưng cũng có những bước ngoặt kéo người ta lại với đời. Có thể lần này anh vào đây là cơ hội tốt cho anh trở thành người lương thiện. Anh nên suy nghĩ, cân nhắc làm điều gì có lợi tốt nhất cho mình, cho bố mẹ, cho gia đình thì làm”.
Cuối cùng A dịu giọng: "Em biết anh tình cảm ngay từ đầu nhưng có nhiều cái em chưa hiểu ra. Đúng là được anh phân tích em thấy mình có lỗi với bố mẹ, với vợ con, với gia đình. Bố mẹ em khổ vì em nhiều quá".
Cuối cùng A vừa rớt nước mắt, vừa lặng lẽ ngồi viết “Bản tường trình”. Nhiệm vụ hỏi cung bị can của điều tra viên Phạm Tài Kết hoàn thành.
Ai cũng có những ưu, nhược điểm quan trọng là mình nắm rõ được những ưu nhược điểm đó để khai thác. Kinh nghiệm quý này được Trung tá, đội trưởng Phạm Tài Kết truyền lại cho những đồng nghiệp đi sau, cũng là đề tài luận văn Thạc sĩ ở Học viện An ninh Nhân dân mà anh vừa bảo vệ thành công, được đánh giá đạt xuất sắc.
Bài, ảnh: Tuấn Minh