Đồng chí Thân Văn Nghiệp, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Đề án thành lập đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thời gian thực hiện thí điểm ở hai xã Đồng Tâm (Yên Thế) và Phúc Sơn (Tân Yên). Đơn cử như về cơ cấu tổ chức, trước đây mỗi thôn, tổ dân phố có thể thành lập nhiều tổ DVCĐ thì nay chỉ thành lập một tổ do đảng ủy xã, thị trấn ra quyết định. Thành phần tham gia ngoài các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, các hội, đoàn thể ở thôn còn mở rộng thêm một số thành viên như tổ trưởng tổ liên gia, tổ công nghệ cộng đồng và những người dân nhiệt tình, tâm huyết tại khu dân cư”.
|
Các thành viên Tổ DVCĐ thôn Nguộn, xã Tự Lạn (Việt Yên) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. |
Bên cạnh đó, hoạt động của tổ cũng được quy định cụ thể, rõ ràng, không dàn trải, bao gồm 4 nhiệm vụ là: Tuyên truyền, phổ biến, vận động người thân, gia đình và người dân nơi cư trú thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường trên địa bàn dân cư; nắm và phản ánh tình hình, tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của người dân nơi cư trú đến cấp ủy, chính quyền; phối hợp với ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo".
Tổ DVCĐ hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Các thành viên trong tổ chủ động tuyên truyền, giám sát, nắm bắt và phản ánh những vấn đề liên quan đến cuộc sống dân sinh hằng ngày tại nơi cư trú hoặc báo cáo cụ thể những vấn đề phát sinh được người dân quan tâm thông qua các nhóm zalo.
Được biết, ngay sau khi có Kết luận của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Đề án, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có hướng dẫn thành lập và hoạt động của tổ DVCĐ ở thôn, bản, tổ dân phố. Căn cứ nội dung Đề án, các huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn lựa chọn thôn, bản, tổ dân phố để thực hiện thí điểm.
Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 2,2 nghìn tổ DVCĐ với hơn 25.250 thành viên. Các tổ hoạt động trên cơ sở tự nguyện với nhiệm vụ tuyên truyền, nắm bắt và phản ánh những vấn đề liên quan đến cuộc sống dân sinh hằng ngày tại nơi cư trú thông qua các nhóm zalo. |
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, đến thời điểm này, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập gần 2,2 nghìn tổ DVCĐ với hơn 25.250 thành viên tham gia.
Thay vì mỗi xã, phường, thị trấn lựa chọn một thôn thực hiện thí điểm theo như yêu cầu của Đề án, một số địa phương như: Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn... đã thành lập mô hình tổ DVCĐ tại 100% thôn, bản, tổ dân phố. Là một trong những địa phương triển khai nhân rộng mô hình ra toàn huyện, đồng chí Vũ Thị Yến, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lạng Giang cho biết: Các xã, thị trấn trong huyện đã ban hành quyết định thành lập tổ DVCĐ ở 261/261 thôn, tổ dân phố.
Quá trình thực hiện, BTV Huyện ủy giao các cơ quan, đơn vị trực thuộc Huyện ủy, UBND huyện trên lĩnh vực phụ trách trực tiếp phân công cán bộ chỉ đạo, theo dõi các tổ, đồng thời tham gia vào tổ hướng dẫn, giám sát của huyện. Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các phong trào thi đua tại địa phương, mới đây, huyện tổ chức tập huấn cho các đồng chí trưởng khối dân vận xã, tổ trưởng tổ DVCĐ.
Mô hình tổ DVCĐ sau khi thành lập, đi vào hoạt động bước đầu đã có tác động tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các nhiệm vụ ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ DVCĐ thôn Nguộn, xã Tự Lan (Việt Yên) chia sẻ: Thôn có hơn 200 hộ dân, trước khi thành lập, các đồng chí trong chi ủy, ban quản lý thôn rà soát các hộ có sử dụng điện thoại thông minh để lập nhóm zalo. Dịp này, thực hiện tháng cao điểm vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội thông qua nhóm zalo của tổ, các thành viên hằng ngày đều cập nhật thông tin, đôn đốc nhắc nhở các hộ dân quan tâm hưởng ứng.
Từ thực tế triển khai thí điểm trước đó cho thấy, ưu điểm dễ nhận thấy nhất khi thực hiện mô hình là giúp lãnh đạo xã, thôn hằng ngày nắm được nhiều thông tin hữu ích cũng như tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân ở mọi lĩnh vực. Thông qua việc tham gia vào nhóm zalo của tổ DVCĐ cũng giúp tăng cường kết nối giữa các hộ ở từng khu dân cư.
Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh uỷ sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các tổ DVCĐ thực hiện tốt quy chế hoạt động. Bên cạnh đó, đề nghị các huyện ủy, thành ủy tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ theo hướng “cầm tay chỉ việc”; khuyến khích tổ chức các hội nghị chuyên đề để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình. Quan tâm làm tốt việc đánh giá, xếp loại tổ DVCĐ. Trên cơ sở đó lựa chọn, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ .
Bài, ảnh: Vân Anh