BBK - Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bắc Kạn có vai trò rất quan trọng, là lực lượng nòng cốt, cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân, tạo đồng thuận trong người dân về các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Tiếng “tù và” thổi trên núi cao
Những người uy tín trên vùng cao của tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Bằng sự uy tín và ảnh hưởng của mình, trong những năm qua họ đã thực sự trở thành "điểm tựa" và "cầu nối" tin cậy, vững chắc cho bà con các dân tộc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, họ là những tấm gương tiêu biểu đã tích cực truyền bá tri thức, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài và chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Các chế độ chính sách đối với đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Người có uy tín được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ hội, tết cổ truyền, khi bị ốm đau, gặp hoàn cảnh khó khăn, được cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cung cấp các loại báo, tạp chí; biểu dương khen thưởng; dự các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.284 người có uy tín, ở 1.292 thôn, tổ dân phố với thành phần rất đa dạng, bao gồm: Cán bộ, công chức nghỉ hưu, các chức sắc tôn giáo, trí thức, nhà giáo, trưởng thôn, bí thư chi bộ...
Đa số người có uy tín được bầu chọn có trình độ hoặc hiểu biết về lĩnh vực xã hội, luôn gương mẫu chấp hành và có tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, quần chúng Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú. Phạm vi ảnh hưởng của cá nhân người uy tín không chỉ trong một dòng họ, một nhóm cộng đồng dân tộc, mà còn có thể ảnh hưởng trong toàn thôn, xã, đến cấp huyện, tỉnh.
Người uy tín được người dân ví như "tiếng tù và thổi trên núi cao". Thanh âm ấy vượt qua những quãng đường xa, địa hình cách trở, đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động Nhân dân. Họ cũng như ngọn đuốc sáng soi đường giúp đồng bào các dân tộc trên vùng cao vượt qua bóng tối đói nghèo, lạc hậu.
Đến thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh (Ba Bể), người dân ai cũng biết đến trưởng thôn trẻ uy tín Bàn Văn Dất. Với cương vị được giao, anh Dất luôn phối hợp với chi bộ, Ban Công tác Mặt trận vận động Nhân dân hiến đất, mở đường, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, anh đã phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền địa phương vận động hơn 24 hộ có đất và tài sản trên đất thuộc diện thu hồi, trong đó có 04 hộ phải di dời nhà ở. Qua tuyên truyền vận động, các hộ dân phối hợp thực hiện tốt công tác thống kê, giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công đảm bảo đúng thời gian quy định.
Chính anh cũng là người gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Hằng năm, từ chăn nuôi lợn thịt, gia đình anh xuất bán khoảng 8 tạ lợn hơi. Gia đình anh chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng dưa hấu cho thu hoạch 2 tấn/vụ, trồng khoai môn, đào chín sớm, nuôi gà thả vườn... đem lại tổng thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm.
|
Năm 2023, anh Bàn Văn Dất được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2022 |
Một tấm gương người uy tín tiêu biểu nữa là bà Lê Thị Hà, người có uy tín ở thôn Pùng Chằm, xã Mỹ Phương (Ba Bể). Bà Hà luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đã vận động được 03 hộ dân hiến 400m2 đất để thực hiện Dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn. Riêng gia đình bà hiến 4.500m2 đất. Ngoài ra, bà còn vận động người dân góp công xây dựng được 02 cây cầu vượt lũ giúp bà con đi lại thuận tiện trong mùa mưa bão.
Ông Triệu Khải Ngân, là người có uy tín ở thôn Bản Chù, xã Chu Hương (Ba Bể). Sau khi sáp nhập thôn Bản Chù và Nà Cà ông tiếp tục được bầu là người có uy tín, trưởng thôn. Với cương vị được giao, ông đã phối hợp vận động Nhân dân tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo bằng cách chuyển đất 1 vụ thành 2 vụ, tận dụng đất để trồng các loại cây nông sản. Hiện nay người dân trong thôn đã chuyển toàn bộ 7ha đất lúa 1 vụ lên 2 vụ cho năng suất cao; 100% số hộ trong thôn đã tận dụng đất để trồng đỗ tương. Bản thân ông Ngân và gia đình đã trồng 5.000m2 chè cành, vận động 05 hộ trồng được 6.000m2 chè cành, 10 hộ trong thôn tham gia tổ trồng bí thơm và đã cho thu nhập cao. Bản Chù hiện đã có 08 hộ xây được nhà kiên cố và không còn hộ đói. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đã huy động Nhân dân đóng góp 150 triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn; vận động Nhân dân đóng góp 170 triệu đồng và hiến đất mở 640m đường nội thôn khu Nà Cà; hiến đất lúa nước 6.000m2 làm tuyến đường Nà Đông - Nà On theo Chương trình 135...
Cùng với trưởng thôn trẻ uy tín Bàn Văn Dất, bà Lê Thị Hà, ông Triệu Khải Ngân, còn rất nhiều những tấm gương điển hình uy tín tiêu biểu khác đang gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt vai trò trong thôn, bản và được Nhân dân tin tưởng kỳ vọng.
Phát huy vai trò “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân
Là người có uy tín, ông Phùng Kim Bình, Tổ trưởng tổ 2, phường Xuất Hóa (thành phố Bắc Kạn) luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để làm gương cho người dân phát triển kinh tế, hăng say lao động, ông đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, tạo dựng một cuộc sống đầy đủ, no ấm. Bên cạnh đó, ông thường xuyên giúp đỡ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Gia đình ông hiện có 1.000m2 ruộng và 6ha rừng chủ yếu trồng keo, mỡ, quế; 0,3ha cam, quýt... hằng năm cho thu nhập khá.
Tổ 2, phường Xuất Hóa có 87 hộ dân với 375 nhân khẩu, 96% là đồng bào dân tộc Dao, bà con sinh sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Nhờ sự vận động của tổ trưởng, đến nay nhiều gia đình đã tích cực trồng quế, mỡ… để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời ông Bình còn vận động Nhân dân tích cực thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động nhằm từng bước nâng cao đời sống mọi mặt.
Thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xuất hiện nhiều gương điển hình như: Bà Vi Thị Điều, người có uy tín ở thôn Nà Nghè, xã Mỹ Phương (Ba Bể) vận động Nhân dân thành lập HTX chè Mỹ Phương, sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao; ông Triệu Văn Quang, người có uy tín thôn Slam Vè, xã Nhạn Môn (Pác Nặm) tích cực vận động bà con trong thôn hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn; vận động 11 hộ hiến đất mở 2,3km đường; ông Nguyễn Duy Quyến, người có uy tín thôn Tân Hoan, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thôn đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Bế Ngọc Thuấn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh:
Trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có uy tín. Đồng thời, tiếp tục rà soát, lựa chọn, công nhận người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những đóng góp quan trọng, người có uy tín được ví như những "cánh tay nối dài", rọi những ngọn đuốc sáng "soi đường" trên vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; là những hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng dân cư, là "cầu nối" vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.