1. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả hệ thống chính trị vào cuộc thực thi quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời luôn thống nhất trong lãnh đạo tổ chức thực hiện, nhằm góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Chủ trương đó không phải là khẩu hiệu suông, càng không phải là việc “đấu đá, triệt hạ phe cánh” như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, các đối tượng chống phá lại đơm đặt, dựng chuyện và xuyên tạc rằng: “Ở Việt Nam quyền lực nhà nước không thuộc về nhân dân”.

Sự thật lịch sử và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam đã bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, chống phá đó.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, thiết lập nên những thiết chế căn bản đầu tiên của một nhà nước dân chủ nhân dân-khởi đầu của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Điều 1 của Hiến pháp năm 1946 khẳng định tính chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Trong suốt quá trình cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân tổ chức, xây dựng hệ thống quyền lực ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhấn mạnh và thực hành tư tưởng: “Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân/ Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên/ Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Như vậy, có thể thấy, từ những văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước và người đứng đầu Nhà nước ta đã xác nhận, hệ thống chính trị XHCN nước ta luôn khẳng định chủ thể thật sự, chủ thể đích thực và chủ thể tối cao của Nhà nước và của tất cả quyền lực nhà nước là nhân dân. Điều này có nghĩa rằng, ở Việt Nam, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân và cho dù bất cứ cơ quan, cá nhân nào nắm giữ thì quyền lực nhà nước cũng đều có nguồn gốc từ sự ủy quyền của nhân dân. Không có thứ quyền lực nhà nước nào có nguồn gốc tự thân, nằm ngoài sự trao quyền, ủy quyền của nhân dân.

2. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và quyền lực nhà nước, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng hiện thực hóa chủ trương “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội. Đảng thực thi quyền lực chính trị của các giai tầng xã hội mà mình đại diện bằng cách tác động vào Nhà nước, để thông qua Nhà nước hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của các giai tầng xã hội.

Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo thực hiện lĩnh vực này. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.

Hiến pháp năm 2013 hiến định: “1) Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; 2) Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện những quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2). Về hình thức: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). Để bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

Những năm qua, trong đời sống chính trị-pháp lý ở Việt Nam, việc kiểm soát quyền lực nhà nước đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội được quan tâm tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra phục vụ quản lý nhà nước trong bộ máy hành pháp đã được đẩy mạnh, góp phần không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước mà còn trực tiếp đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhất là vai trò, quyền làm chủ của nhân dân đã được bảo đảm thực thi thực chất, đầy đủ theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”. Công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng đã được kết hợp chặt chẽ với việc thực thi các cơ chế thanh tra, kiểm soát bằng pháp luật. Công tác phòng, chống tham nhũng, chống tha hóa quyền lực được tiến hành đồng bộ, bài bản, ngày càng hiệu quả. Việc xử lý các hành vi, đối tượng tham nhũng bảo đảm nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn, có lý, có tình, kết hợp “xây” và “chống”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, làm gì; không còn tư tưởng “hạ cánh an toàn”, làm bước nào chắc bước đó, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, kỷ luật Đảng trước, kỷ luật hành chính, hình sự sau; bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ.

Với bước đi có lộ trình, phù hợp và kiên quyết, Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua đó, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, trong đó, có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, điều đó cho thấy, sự quyết tâm của Đảng đối với xử lý tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quyền lực nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân.

3. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là kết quả thực hành tư tưởng pháp quyền xã hội chủ nghĩa sáng suốt và rõ ràng, được định hướng bởi lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt, được Nhà nước Việt Nam hiện thực hóa trong các chính sách và luật pháp; được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thực thi hiệu lực và hiệu quả; được nhân dân và các đoàn thể chính trị-xã hội trực tiếp giám sát, tham gia, quản lý bằng những cơ chế, chính sách phù hợp.

Như vậy, cả lịch sử hình thành nhà nước, xây dựng, hiến định những tư tưởng pháp quyền XHCN đầu tiên đến quá trình tổ chức hiện thực hóa, thực thi trong đời sống chính trị, xã hội và pháp lý; cùng với sự bổ sung, phát triển ở những giai đoạn tiếp theo cho thấy, ở Việt Nam quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự tiếp nối mà còn là một sự bổ sung, phát triển và khẳng định sự kiên định nhất về chủ trương, đường lối thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân, hoàn toàn không có sự xa rời và đối nghịch với tư tưởng pháp quyền XHCN mà Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng đã đề ra, đó là xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Những luận điệu và thủ đoạn phản ánh sai lệch về quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay đều xuất phát từ những tổ chức, cá nhân chống cộng cực đoan, chống chủ nghĩa xã hội và cơ hội về chính trị. Động cơ và mục đích chính trị của họ cũng không ngoài mục đích phủ nhận thành quả của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong gần 80 năm qua. Mưu đồ sâu xa là lợi dụng bàn luận về những vấn đề dân chủ của đất nước, lợi dụng việc góp ý vào chủ trương, đường lối, chính sách, nhất là văn kiện của các kỳ đại hội Đảng để xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc xây dựng chế độ và Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.

Những quan điểm, thái độ và hành động chính trị phản động, thù địch đó tất yếu sẽ bị thất bại, không chỉ bởi tất cả quyền lực của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay đã thuộc về nhân dân, mà còn bởi sự nhận thức chính trị của nhân dân Việt Nam hiện nay đã phát triển hơn hẳn những giai đoạn trước; đồng thời nhờ vào chính những thành quả cách mạng to lớn mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy trong thời kỳ mới.

Đại tá PHẠM ĐỨC ĐẠT, Phó trưởng phòng Thông tin khoa học quân sự, Học viện Chính trị

Theo qdnd.vn