
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà ăn tập thể của công nhân nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá Hà Nội, ngày 26-1-1961. Ảnh tư liệu
Sinh thời, thông qua báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hình thành mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ngay dưới chế độ thực dân - phong kiến, từ năm 1919 đến trước khi cách mạng thành công, trên nhiều tờ báo như L’Humanité, Le Populaire, La Vie Ouvrière, Le Paria… Người đã viết nhiều bài báo tố cáo tội ác tham nhũng, ăn hối lộ, mua quan bán chức của Chính phủ thực dân, của các quan cai trị và những kẻ có quyền. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, một trong số đó là mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Chỉ trong chưa đầy một tháng sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, Người viết nhiều bài đăng trên Báo Cứu quốc chỉ rõ một trong những khuyết điểm lớn nhất lúc bấy giờ là hủ hóa, tức là “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn. Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”; “Khi nắm được chút quyền hành trong tay là hay lạm dụng, và “dĩ công vi tư”… Đầu năm 1946, chỉ trong khoảng 20 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng bốn bài trên Báo Cứu Quốc liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Điển hình là Báo Cứu Quốc số 135, ngày 07-01-1946 đăng lời phát biểu của Bác trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá, trong đó Người nhấn mạnh “làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu”. Báo Cứu Quốc số 147, ngày 21-01-1946 đăng bài “Trả lời các nhà báo nước ngoài” của Bác, trong đó có nói đến “đảng viên của Đảng sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”. Như vậy, Người đã đặt kẻ tham ô ngang hàng với kẻ phản quốc, hai loại người này đều không được đứng trong hàng ngũ của Đảng... Với chính tâm “không dính líu gì với vòng danh lợi”, Bác muốn dùng sức mạnh báo chí như một vũ khí sắc bén trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng. Từ tâm sáng, lòng trong, không gợn quyền lực, danh lợi, Người dùng ngòi bút chống tham nhũng tuy nhẹ nhàng nhưng sắc nhọn, rộng và sâu, khiến người đọc cảm nhận chống tham nhũng không có “vùng cấm” như cách nói ngày nay. Ngày 01-6-1949, Người viết bài báo Thế nào là liêm, bút danh Lê Quyết Thắng đăng Báo Cứu quốc, chỉ rõ “những người có quyền - cấp cao quyền to, cấp thấp quyền nhỏ - mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Từ đó, Bác đòi hỏi “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì”. Ngòi bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tiêu cực, tham nhũng trên báo chí vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho những người làm báo hôm nay tiếp tục rèn bút sắc, tâm sáng, lòng trong trên trận tuyến đầy cam go, thử thách này. Học tập và làm theo Bác, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đặc biệt, cũng như mọi cán bộ, đảng viên, bản lĩnh nhà báo là phải biết tránh xa vòng danh lợi, cám dỗ, luôn sẵn sàng bảo vệ cái đúng, cái tốt, lên án mọi sự dối trá, lừa lọc, tiêu cực, tham nhũng. Từ đó, với quyền lực và sứ mệnh của báo chí, các nhà báo phải tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, khích lệ cái đẹp, cái đúng, việc tử tế, gương “người tốt, việc tốt”, phê phán, đấu tranh quyết liệt với cái xấu, sai phạm, góp phần đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và đóng góp đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.
L.T (t/h)