Hội LHPN thành phố Bắc Ninh tổ chức truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe cho hội viên, phụ nữ phường Vệ An (tháng 4/2023)
Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 18 khóa bồi dưỡng, 50 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận những chủ trương, chính sách, pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em cho 20.620 lượt (100%), vượt chỉ tiêu cán bộ Hội các cấp về nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em… Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện và 100 % Chủ tịch Hội LHPN cơ sở đạt chuẩn chức danh. Mạng lưới hội viên nòng cốt ngày càng phát triển, trên cơ sở đó, kịp thời định hướng, tuyên truyền và chủ động đề xuất, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Đến nay, đã có 381.569 lượt hội viên phụ nữ (chỉ tiêu là 200.000 người) được cung cấp các kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục kỹ năng làm cha, mẹ; khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới thông qua các lớp tập huấn, hội thi, in ấn, cấp phát tờ rơi, tài liệu hỏi đáp.... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của hội viên, phụ nữ, cộng đồng về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các vấn đề liên quan đã có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực.
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Ngày hội Phụ nữ với pháp luật”, “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”; trang bị kiến thức cho gần 5.000 hội viên, phụ nữ, trẻ em về giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ 1.326 hội viên, phụ nữ, trẻ em gái (chỉ tiêu là 1.000 người) thuộc đối tượng mắc tệ nạn xã hội, hết thời hạn tù giam trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, phụ nữ mắc HIV/AIDS, phụ nữ bị bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại tình dục... Qua đó, giúp cho phụ nữ và cộng đồng nâng cao nhận thức và có kiến thức, kỹ năng trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức xã hội, phòng chống bạo lực gia đình... nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện có 279.069 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, học sinh (chỉ tiêu 100.000) được tiếp cận các kiến thức về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em... kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cách đề phòng trừ dịch bệnh sau thiên tai, giữ gìn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường…
Tích cực tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và nhân dân về các chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình; truyền thống tốt đẹp của con người và gia đình Việt Nam; kiến thức về hôn nhân gia đình; kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa và các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng bạo lực nghiêm trọng xảy ra mà đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong những năm qua đã có 418 phụ nữ và 22 trẻ em bị bạo lực gia đình và xâm hại được các cấp, các ngành chức năng lên tiếng và bảo vệ, đồng thời kịp thời xử lý các hành vị vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng, nghiêm minh. Qua đó đưa hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái được kịp thời, thực chất và hiệu quả.
Chỉ đạo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Các cấp Hội tập trung rà soát các mô hình hiện có, thành lập các mô hình mới để phát triển, xây dựng thành mô hình truyền thông lồng ghép như: 145 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, 419 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 35 mô hình “Làng quê an toàn/Khu phố an toàn”, 43 “Khu dân cư không rác thải”, 182 “Làng 3 sạch/Khu phố 3 sạch”, 07 câu lạc bộ không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em, 04 câu lạc bộ “Phụ nữ kinh doanh sản xuất thực phẩm an toàn”, 453 câu lạc bộ phụ nữ hát Dân ca Quan họ; 279 câu lạc bộ Bóng chuyền hơi nữ, 204 câu lạc bộ dưỡng sinh, zumba, dân vũ… ở 100% xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho hàng chục nghìn hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia luyện tập.
Việc triển khai Đề án đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tạo sự lan tỏa rộng rãi đến hội viên, phụ nữ và nhân dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án còn bộc lộ một số tồn tại: Các vấn đề xã hội nảy sinh đã và đang tác động lớn đến gia đình như khi phụ nữ vắng nhà đi làm ăn xa, ly hôn trong các gia đình trẻ có xu hướng tăng, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội… còn xảy ra ở một số địa phương.
Trong thời gian tới, nhằm tập trung hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi hành vi thông qua các mô hình, điển hình đã được xây dựng; phát huy tính chủ động của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan; nghiên cứu tham mưu đề xuất chính sách cụ thể. Tỉnh Bắc Ninh giao Hội LHPN tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Đề án nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Tập trung các hoạt động theo 08 mục tiêu và hướng tới đối tượng đích của Đề án (Phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi. Cán bộ Hội Phụ nữ và các cơ quan triển khai Đề án ở các cấp; trong đó, chú trọng các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa bàn trọng điểm của các vấn đề xã hội), cụ thể:
(1) Tổ chức các hoạt động, sự kiện truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội tại cộng đồng, ưu tiên theo chủ đề lựa chọn hàng năm, thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
(2) Tăng cường thời lượng và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Khuyến khích sáng tác các chương trình và tác phẩm văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể thao thực hiện truyền thông theo các mục tiêu Đề án. Phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các điển hình, mô hình rèn luyện, thay đổi hành vi hiệu quả trong giải quyết các vấn đề xã hội.
(3) Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia thực hiện Đề án.
(4) Xây dựng các tài liệu tập huấn, sản phẩm truyền thông đa dạng, đặc thù theo chủ đề can thiệp. Tư liệu hóa mô hình, cách làm hiệu quả trong từng nội dung can thiệp của Đề án.
(5) Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động của Đề án.
(6) Tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện Đề án, chia sẻ kinh nghiệm, đôn đốc hỗ trợ các đơn vị khó khăn.
(7) Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án. Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ.
(8) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo định kỳ và đột xuất; hàng năm, trước ngày 10/11 gửi báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Hội LHPN tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban điều hành Đề án Trung ương theo quy định./.