Chiều 24-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với sự cần thiết được nêu trong các Tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Đồng thời, tham gia một số ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện 2 dự thảo Luật trên.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia thảo luận tại Tổ 13, chiều 24-5.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng việc bổ sung cảnh vệ đối với 3 chức danh gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của 3 chức danh này trong hệ thống chính trị của nước ta, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời phù hợp với Kết luận số 35 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị.
Về biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 11 Luật Cảnh vệ, được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Trần Thị Vân cho rằng: Trong thực tế các biện pháp và chế độ cảnh vệ này đã được thực hiện trong thời gian vừa qua nên việc luật hoá là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo rõ ràng, dễ theo dõi và thực hiện cần thiết kế riêng một Điều, trong đó quy định cả các biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ.
Về sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt được bổ sung tại Điều 20a sau Điều 20, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn mẫu giấy, quy trình, cách thức sử dụng; hoặc giao cho Bộ Công an ban hành quy trình, cách thức sử dụng quản lý Giấy Bảo vệ đặc biệt.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân viện dẫn: Tại khoản 15, Điều 5 dự thảo quy định: “15. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.” Đại biểu cho rằng cụm từ “báo cáo không kịp thời” chưa thực sự rõ ràng, sẽ rất khó khăn trong việc xác định hành vi. Đề nghị quy định cụ thể hơn như xác định thời gian phải báo cáo sau khi phát hiện việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.
Về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, tại điểm đ, khoản 1, Điều 24 dự thảo Luật quy định: “đ) Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.” Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, quy định trên nêu 2 trường hợp được nổ súng vào phương tiện cơ giới đường bộ nhưng lại “trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin” là chưa hợp lý, không đáp ứng thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đề nghị cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, người sử dụng vũ khí được cân nhắc có thể nổ súng hoặc không nổ súng, bảo đảm dừng được phương tiện nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người hoặc con tin trên xe. Vì trên thực tế người sử dụng vũ khí tốt có khả năng bắn tỉa, bắn trực tiếp vào kẻ đang điều khiển phương tiện hoặc bắn vào lốp xe để dừng phương tiện, bắt giữ đối tượng. Quy định như dự thảo Luật khiến cho người sử dụng vũ khí không được phép sử dụng vũ khí, mất cơ hội ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc bắt giữ tội phạm.
Vân Giang (biên tập)