Sign In

Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”

16:22 05/06/2024

Chiều 5- 6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay".

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, các  đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hiện nay, hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng, cho đến đào tạo nội bộ ngay trong các cơ quan báo chí - truyền thông. Trên cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông chủ lực, đều là các trường đại học, học viện công lập,... Ngoài ra còn có các cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo- là những lĩnh vực gần với đào tạo báo chí.

Thời gian qua, nhìn chung các trường đào tạo báo chí - truyền thông đều có sự đổi mới về tư duy đào tạo, chú trọng thiết kế nội dung và chương trình theo hướng bám sát yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, nhu cầu của thực tiễn xã hội và đặc biệt chú trọng đến việc lồng ghép các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cần có của người làm báo chí - truyền thông hiện đại.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý, bài bản, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đáp ứng yêu cầu cụ thể của chuyên ngành đào tạo. Chương trình chi tiết các ngành đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên được bổ sung. điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng hiện đại, hệ thống, bảo đảm tính cân đối giữa lý luận và thực tiễn; giữa kỹ năng, nhiệm vụ chuyên môn với phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp. Việc thực hành, thực tế nghề nghiệp cho người học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ngày càng được chú trọng, nhằm bổ sung cập nhật kiến thức mới, kỹ năng thực hành báo chí, xuất bản, truyền thông hiện đại.

TS Nguyễn Tiến Vụ, Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh tham luận.

Công tác tổ chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng chặt chẽ, được chuyên nghiệp hóa, tin học hóa; chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đưa các công nghệ báo chí - truyền thông mới vào thực hành sử dụng; đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại, tăng cường tính tích cực, chủ động của người học; kết hợp học tập và nghiên cứu khoa học, sinh hoạt ngoại khóa nhằm bồi dưỡng tri thức, rèn luyện kỹ năng, phẩm chất cho người học, v.v..., qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông thế hệ mới, có phẩm chất chính trị vững vàng, thành thạo về kỹ năng, tinh thông về nghiệp vụ, thích ứng ngày càng tốt hơn và nhanh hơn với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Tuy nhiên, công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay cũng đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Thực tiễn trên cho thấy, việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.

Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 62 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông trên cả nước. Các tham luận tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của chuyển đổi số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay; phân tích thực trạng chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, xuất bản, cơ quản quản lý báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương; đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân , rút ra  những bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí, xuất bản trong thời gian qua; làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển đổi số báo chí, xuất bản cũng như các cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới và đưa ra các định hướng, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm thúc đẩy công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, từng bước xây dựng nền báo chí truyền thông “chuyên nghiệp nhân văn - hiện đại".

Các đại biểu dự Hội thảo.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo người làm báo Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược chuyển đổi số.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh những người làm báo trên cả nước đang hướng tới chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1924 - 21/6/2024), đồng thời góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Vụ, Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh tham luận với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ quan báo chí địa phương đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số”.

D.H

Tag:

File đính kèm