Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn tại phiên thảo luận Tổ 13.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về thủ tục tố tụng, biện pháp giám sát, giáo dục, thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng đặc thù áp dụng đối với người chưa thành niên nhằm tạo cơ chế pháp lý bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp vì đây là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung só với Luật hiện hành để hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất, đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội; hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung chính, bố cục và sự cần thiết của 2 Dự án Luật trên nhằm thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Đảng; khắc phục những hạn chế qua triển khai thi hành pháp luật hiện hành, làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh có hiệu quả các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về người chưa thành niên và phòng, chống tội phạm vị thành niên, tội phạm mua bán người. Đồng thời, các đại biểu cũng làm rõ thêm nhiều nội dung về: Phạm vi áp dụng; cách thức tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân của tội phạm mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên; mở rộng cơ hội và hỗ trợ cho người chưa thành niên thi hành xong hình phạt được tái hòa nhập cộng đồng.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia thảo luận tại Tổ 13.
Góp ý kiến vào Dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung cụ thể trong bốn loại hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội để đảm bảo thể chế hóa được yêu cầu về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên.
Về vấn đề quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam, đại biểu Trần Thị Vân tán thành với Dự thảoLluật và các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc giam giữ người chưa thành niên tại trại giam riêng. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, nếu mà sau khi thông qua luật thực hiện ngay thì các điều kiện về cơ sở vật chất như là xây trại giam hay các điều kiện cơ sở vật chất trong trại giam chưa đáp ứng được ngay. Đại biểu đề nghị nếu như nội dung này được thông qua cần quy định hiệu lực nội dung này lùi lại để có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất trại giam đủ các điều kiện.
Góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cần giải thích rõ ràng, đầy đủ hơn về khái niệm “nạn nhân” tại khoản 5, Điều 2 vì nạn nhân của các hành vi mua bán người hiện nay rất đa dạng nhưng tại dự thảo luật chỉ thống kê nạn nhân là người bị xâm hại bởi 4 hành vi gồm: mua bán người, bóc lột tình dục, nô lệ tình dục, cưỡng bức lao động là chưa đầy đủ. Thực tế hiện nay, có cả tình trạng mua bán khi còn là bào thai. Việc làm rõ hơn khái niệm “nạn nhân” giúp việc xác định, xử lý, phòng chống mua bán người hiệu quả hơn.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng: Hiện nay ở Việt Nam có 7 đạo luật điều chỉnh trực tiếp những vấn đề liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành tồn tại một số hạn chế như là thủ tục tố tụng hình sự được thiết kế dành cho người lớn dành cho người trưởng thành nhưng lại dùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên dẫn đến các thủ tục chưa thật sự thân thiện và phù hợp với độ tuổi cũng như sự phát triển của người chưa thành niên. Vì vậy, việc nghiên cứu cơ chế pháp lý đặc thù thông qua một đạo luật chuyên biệt như là dự án luật này là hoàn toàn cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà tham gia thảo luận tại Tổ 13.
Đại biểu đồng ý với quy định người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự để thực hiện mục đích giáo dục người chưa thành niên hơn là trừng phạt. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không nên mở rộng các trường hợp được xử lý chuyển hướng nhằm bảo đảm trật tự xã hội vì hiện nay tình trạng phạm tội của trẻ chưa thành niên ngày càng gia tăng về số vụ và mức độ nghiêm trọng.
Liên quan tới hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại (Điều 38), đại biểu Trần Thị Vân kiến nghị bổ sung 1 khoản vào Điều 38 quy định: “Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn trong thời gian tham gia vào quá trình tố tụng hình sự liên quan đến vụ mua bán người”. Vì trên thực tế, người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự liên quan đến mua bán người thường phải di chuyển nhiều, nhiều trường hợp di chuyển gặp khó khăn, gây áp lực tài chính và có thể khiến nạn nhân ngần ngại.
Góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng về khái niệm nạn nhân tại Khoản 5, Điều 2 quy định nạn nhân là người bị xâm hại bởi hành vi quy định tại các Khoản 1,2,3,4 điều này và được cơ quan có thẩm quyền xác định. Quy định trên là chưa rõ ràng và và và chưa phù hợp và có thể sẽ bỏ sót nạn nhân bởi cụm từ xâm hại là chưa rõ nghĩa. Đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc chỉnh sửa theo hướng phù hợp với các Công ước Asian về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thì theo đó thì nạn nhân là bất kì người nào là đối tượng của hành vi buôn bán người mà không xét đến việc có bị xâm hại hay không. Bên cạnh đó, cần xác định đúng khái niệm nạn nhân của tội phạm mua bán người. Nếu phụ nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài và có con thì đứa bé có nên được coi là nạn nhân hay không, bởi nếu đứa trẻ đó không phải là nạn nhân thì sẽ không được hưởng các chế độ hỗ trợ theo pháp luật. Còn nếu mà bổ sung đối tượng này là nạn nhân thì phải quy định cụ thể trong dự thảo Luật để tránh gây tranh cãi và khó thực hiện.
Vân Giang