Vận chuyển vũ khí, lương thực thực phẩm vào chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)
Năm 1970, thanh niên Nguyễn Viết Thắng lên đường nhập ngũ. Sau khi được huấn luyện tại Trường Đào tạo lái xe 255, Tổng cục Hậu cần, ông được chuyển vào Đoàn xe vận tải 559. Những con đường chạy qua, những địa danh từng đến, những vui buồn, nhớ mong, chờ đợi, những mất mát, hy sinh… đều là ký ức, ông nâng niu, trân trọng suốt cuộc đời.
Ông Thắng chia sẻ: Đường Trường Sơn ngày ấy là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Để ngăn chặn quân ta hành quân, tiếp viện, địch rải đầy bom, mìn, chất độc hóa học. Thời tiết nơi đây khắc nghiệt vô cùng, mùa mưa kéo dài khiến đường đi lầy lội, mùa khô thì nắng cháy da, cháy thịt. Trên những cung đường vận chuyển pháo vào chiến trường, có những lúc khoảng cách giữa cái sống và cái chết rất mong manh. Đường dốc, hẹp, cua gấp, một bên núi cao, một bên vực thẳm, nhiều đoạn sạt lở, chỉ cần không vững tay lái là xe và người có thể văng xuống vực sâu.
Đầu năm 1975, tôi trở thành Tiểu đội phó lái xe của Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn pháo binh 675, Quân đoàn 3. Sau một thời gian bí mật mở đường, chúng tôi vận chuyển pháo vào trận địa tỉnh Đắk Lắk. Rạng sáng 10-3-1975, pháo của đơn vị tôi được lệnh nổ súng bắn vào thị xã Buôn Ma Thuột. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi nhận nhiệm vụ vào thị xã vận chuyển chiến lợi phẩm về hậu cứ. Hơn 5 giờ chiều, xe của tôi có thêm một thợ quân khí cùng 5 xe khác bắt đầu hành quân vào thị xã. Khi đến khu pháo binh của địch (vừa bị quân ta tiêu diệt), tôi lùi xe để móc khẩu 105 đang nghếch nòng lên trời. Đồng chí thợ quân khí ra hiệu dừng xe và quay tầm hạ nòng pháo về tư thế hành quân. Nòng pháo vừa hạ xuống bất ngờ có một tiếng nổ chát chúa kèm theo ánh lửa lóe sáng từ nòng pháo. Theo phản xạ, tôi nằm sấp ngay cạnh bánh xe. Một lát sau chúng tôi được thông báo: Địch gài lựu đạn nổ tức thì trong nòng pháo, phải kiểm tra hết sức cẩn thận trước khi móc pháo vào xe. Sau đó chúng tôi thận trọng kiểm tra những khẩu pháo còn lại. Khoảng 4 giờ sáng ngày 11-3, chúng tôi bắt đầu rời khu pháo binh của địch. Lúc này trong thị xã Buôn Ma Thuột tiếng súng ngày càng nhiều, nghe rõ hơn cả là tiếng pháo trên xe tăng bắn và đạn B40, B41 nổ. Chúng tôi được lệnh phải ra khỏi thị xã trước khi trời sáng để lực lượng bộ binh chiến đấu.
Tốc độ trở lại bìa rừng rất chậm vì kéo nhiều khẩu pháo. Nhìn lên trời, tôi thấy 6 chiếc máy bay A-37 chia thành 2 tốp ném bom dọc con đường xe quân ta chạy. Bụi đất đá và cành cây mù mịt. Tiếng mảnh bom đạn rít vù vù, mùi khét lẹt. Nằm dưới suối cạn, chúng tôi bảo nhau: “Trận này có lẽ không về đơn vị được”. Đúng lúc đó phía sau thùng xe của tôi bốc lửa. Hai chúng tôi lao lên thùng xe dập lửa. Lên buồng lái nổ máy, cho xe đi. Tôi thấy tay lái rất nặng và đầu xe cứ quẹo sang bên phải mặc dù tôi đã hết sức đánh tay lái sang trái. Nhảy xuống xe, tôi thấy lốp xe bánh trước bên phải bị mảnh bom to gần bằng chiếc dép cao su găm vào, xẹp lép. Tôi bảo đồng chí thợ quân khí: Xe không có lốp dự phòng, đồng chí giúp tôi cùng lái khỏi nơi này. Tôi lên xe ngồi vào ghế lái. Đồng chí thợ quân khí đứng ở bậc lên xuống bên trái phụ giúp tôi kéo vành tay lái về bên trái. Cứ thế chúng tôi tiến lên từng đoạn lại phải dừng nghỉ và bỏ lại phía sau những đoạn đường mệt nhọc không thể nào quên. Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, máy bay địch vẫn ném bom xuống cánh rừng chúng tôi đang đi. Khi quân ta giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, chúng tôi tiếp tục hành quân “thần tốc”, vận chuyển pháo vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, giải phóng Sài Gòn.
Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ tại Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng Hải quân, năm 2003, Thượng tá Nguyễn Viết Thắng nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước. Ông tích cực tham gia công tác địa phương, từ cấp ủy Chi bộ thôn Bất Phí đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhân Hòa (nay là phường Nhân Hòa). Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng 2; Huy hiệu Quân kỳ quyết thắng; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh.
Phong Vân