Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã giúp “6 giảm” và “6 tăng”. Cụ thể, “6 giảm” là: Giảm đầu mối; giảm cấp trung gian; giảm số lượng lãnh đạo; giảm biên chế; giảm thủ tục hành chính; giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị. “6 tăng” là: Tăng về tính khoa học tổ chức; tăng về chất lượng cán bộ; tăng về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng sự đồng thuận xã hội. Sau hơn 5 năm triển khai, số lượng đầu mối cơ quan, đơn vị và biên chế của tỉnh đã giảm rõ rệt. Đến nay toàn tỉnh giảm 259 đầu mối cơ quan, đơn vị; giảm 271 lãnh đạo quản lý…
Song song với sắp xếp tổ chức bộ máy, tỉnh quyết liệt tinh giản 10% tổng số biên chế, gắn với từng bước cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quy trình công tác cán bộ được đặc biệt chú trọng đổi mới đồng bộ để tăng cường tính khách quan, minh bạch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân bổ lại biên chế các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, căn cứ vào đặc điểm, tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để đảm bảo tính tương đồng, phù hợp với thực tế. Theo đó, đến hết năm 2022, tổng số biên chế Khối Đảng, đoàn thể là 927 người, giảm 120 người; khối Nhà nước 45.898 người, giảm 5.020 người (toàn tỉnh giảm 5.140 biên chế, tương ứng 10,97%).
Đối với mạng lưới các đơn vị sự nghiệp, tỉnh sắp xếp lại theo nguyên tắc trên một địa bàn, với cùng một chức năng, nhiệm vụ, chỉ có một đơn vị thực hiện, hoạt động phải hiệu quả và phân loại, xây dựng lộ trình tự chủ, thực hiện đấu thầu, đặt hàng các nhiệm vụ phục vụ chính trị. Đồng thời, khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học - công nghệ; giải thể, nâng dần tự chủ, chuyển đổi mô hình, thực hiện cơ chế đặt hàng, mua hàng…
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 18, Bắc Ninh tinh giản được 10,97% biên chế so với năm 2015. Ảnh: Trung tâm Hành chính công huyện Tiên Du.
Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh sau khi hợp nhất từ Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh đầu năm 2019 có hơn 7.000 đảng viên, đang sinh hoạt tại 123 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc. Số lượng đảng viên, chi, đảng bộ tương đối nhiều, nhưng qua hơn 4 năm hoạt động cơ bản làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng cho đảng viên. Bên cạnh đó, Đảng bộ Khối phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên trong việc thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo công tác chuyên môn và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, góp phần đưa tỉnh ngày càng phát triển.
Thực hiện nhất thể hóa chức danh, đến nay tỉnh triển khai mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện 5/8 đơn vị. Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã 70/126 đơn vị. Hiện 8/8 huyện, thị, thành phố thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị;Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp và thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông… Bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố. Hiện, cấp xã có 13 chức danh; thôn, khu phố còn 3 chức danh. Trong đó, đẩy mạnh mô hình Bí thư kiêm Trưởng thôn, khu phố; Bí thư kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận; Trưởng thôn kiêm Trưởng Ban Công tác mặt trận…
Theo đánh giá, mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, khu phố bước đầu tinh giản được bộ máy ở cơ sở, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Mô hình này cũng khắc phục được tình trạng lâu nay có nhiều Trưởng thôn, khu phố không phải là đảng viên; đồng thời phát huy được tính năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ thôn, khu phố. Từ đó, có những chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, bảo đảm tính khách quan, phát huy hiệu quả, góp phần tiếp tục củng cố được niềm tin của nhân dân với Đảng và thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng.
Dù đạt nhiều kết quả, song việc thực hiện Nghị quyết số 18 vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động, quyết liệt, kết quả đạt chưa cao; các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức bộ máy, biên chế chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời nên còn khó khăn trong việc xác định số lượng đầu mối bên trong, biên chế của các cơ quan, đơn vị; một số mô hình thí điểm bộc lộ hạn chế, vướng mắc trong hoạt động…
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Phùng Đức Chiến, để Nghị quyết này đạt hiệu quả, bộ máy ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tỉnh luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nên thời gian tới bên cạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ quyết liệt tập trung trí tuệ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hợp lý, hiệu quả hơn và đặc biệt sẽ kiến nghị với các cấp, ngành ở Trung ương có những chỉ đạo cụ thể về tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở nhằm đảm bảo phù hợp, thiết thực hơn nữa với điều kiện của tỉnh để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tỉnh ngày càng đổi mới, phát triển./.
Xuân Bình