Sign In

Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

18:40 13/10/2023
Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13-10-1903, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Mễ Tràng, xã Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nay thuộc phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sinh ra trên vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân mất nước, đồng chí Lương Khánh Thiện đã sớm hình thành tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đã trực tiếp lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện lao động. Tháng 4-1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ Cộng sản ở Hải Phòng và được phân công phụ trách phong trào công nhân nhà máy chai ở Hải Phòng. Tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là học sinh, chưa hề được trang bị lý luận và phương pháp cách mạng, nhưng với tinh thần tự học, tự rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí Lương Khánh Thiện đã trở thành người lãnh đạo có năng lực, uy tín và sáng tạo của Đảng. Bất kỳ ở đâu, dù với những người công nhân ở Hải Phòng hay ở Nam Định, đồng chí luôn là người cán bộ gần gũi, được quần chúng tin yêu và cảm phục. Với bản tính cởi mở, nói đi đôi với làm, đồng chí đã thuyết phục, tập hợp quần chúng và trở thành tấm gương của quần chúng về tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Vì vậy, những cơ sở cách mạng do đồng chí xây dựng dù bị kẻ địch khủng bố, đàn áp ác liệt, nhưng không bao giờ bị dập tắt.
Tháng 6-1929, đồng chí bị địch bắt, xử đồng chí mức án khổ sai chung thân và đưa đi đày biệt xứ ở Nhà tù Côn Đảo. Trong những năm tháng bị địch đày ải, giam cầm, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với những người cộng sản đã thực hiện tinh thần “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Với những kiến thức bổ ích về lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin được nghiền ngẫm, soi rọi đã giúp cho đồng chí sau khi được ra tù vận dụng vào hoạt động thực tiễn cách mạng một cách hiệu quả, sáng tạo.
Tháng 9-1936, được trả tự do, đồng chí Lương Khánh Thiện tiếp tục tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1936, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng với một số cựu tù chính trị thành lập ra “Ủy ban sáng kiến”, thực chất là tái lập Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hà Nội. Tháng 3-1937, tại Hội nghị Xứ ủy lâm thời, đồng chí được bầu vào Thường vụ Xứ ủy; được cử làm Bí thư lâm thời Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên cương vị mới, đồng chí đã lãnh đạo khôi phục, củng cố, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, lập lại các tổ chức cơ sở Đảng và phát động phong trào đấu tranh sôi nổi ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định… góp phần tạo nên cao trào đấu tranh dân chủ giai đoạn 1936-1939.
Cũng trong giai đoạn này, đồng chí đã chỉ đạo Xứ ủy Bắc Kỳ đẩy mạnh công tác công vận, nông vận và phát triển đảng viên mới, làm cho phong trào cách mạng được triển khai rộng khắp trong các nhà máy, các vùng nông thôn; số lượng đảng viên tăng lên, lực lượng của Đảng lan rộng trên các địa bàn trọng yếu; nhiều hình thức tổ chức và đấu tranh cách mạng chưa từng có ở giai đoạn trước đã xuất hiện tạo nên khí thế cách mạng rất sôi nổi, làm cho uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng tăng lên.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương trở mặt, đàn áp phong trào cách mạng. Dự báo tình hình cách mạng sẽ có bước chuyển quan trọng, lãnh đạo Đảng đã phân công đồng chí Lương Khánh Thiện lên Phú Thọ chuẩn bị địa bàn, xây dựng cơ sở cho Đảng rút vào hoạt động bí mật. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, nhiều chi bộ đảng, cơ sở cách mạng ở Phú Thọ được thành lập. Trên cơ sở đó, thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí ra quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Phú Thọ. Đây là bước chuẩn bị quan trọng về địa bàn hoạt động của Đảng, đồng thời làm tiền đề cho Đảng xây dựng An toàn khu và căn cứ địa cho Tổng khởi nghĩa sau này. Cuối tháng 9, đầu tháng 10-1940, đồng chí Lương Khánh Thiện được điều động về làm Bí thư khu B, gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, trực tiếp phụ trách Thành ủy Hải Phòng. Với nhiều hoạt động tích cực, sâu sát và sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí Lương Khánh Thiện đã có đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng Bắc Kỳ, tạo bước phát triển mạnh mẽ, thống nhất cho phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời chuẩn bị tốt lực lượng cho cách mạng trong giai đoạn sau này.
Tháng 1-1941, đồng chí bị mật thám Pháp bắt. Biết đồng chí là lãnh đạo cao cấp của Đảng, kẻ địch dùng đủ mọi thủ đoạn, đòn roi tra tấn, nhưng không khuất phục được khí tiết của người cộng sản kiên cường. Tòa án thực dân Pháp đã kết án tử hình và đưa đồng chí đi xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng ngày 1-9-1941. Hy sinh lúc 38 tuổi đời, song những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam vẫn luôn còn mãi, được các thế hệ đi sau kế thừa, phát huy và khắc ghi trong lòng dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Lương Khánh Thiện, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân. Đồng chí là hình tượng cao cả, đẹp đẽ của người cộng sản Việt Nam yêu nước, sáng tạo, anh hùng bất khuất, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc ta. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện là dịp để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng kế thừa và phát huy những giá trị cao đẹp của các thế hệ đi trước, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh, văn minh và hạnh phúc.

L.T (t/h)

Tag:

File đính kèm