Ông Nguyễn Mạnh Duật sinh ngày 16-3-1945. Ngày 1-5-1966, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam khi đang làm Bí thư chi đoàn xã Lãng Ngâm, sau đó ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ, được biên chế về đơn vị D3, E36, F308 chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Qua năm tháng chiến đấu, được giao nhiều nhiệm vụ, ông thấy mình được rèn luyện và trưởng thành hơn. Tháng 7 năm 1969, ông được tín nhiệm cử làm Bí thư chi bộ, Chính trị viên đại đội mũi nhọn C11, D3, E36. Ngày 19-7-1969, ông chỉ huy đơn vị chiến đấu ở quận Duy Xuyên (Quảng Nam), bị sức ép, bị địch bắt và cầm tù. Ông bị đưa đi giam ở nhà lao Đà Nẵng sau đày ra nhà tù Phú Quốc.
Vào tù, với ông Duật cũng như nhiều chiến sĩ cách mạng khác lại là một cuộc chiến mới, cuộc chiến giữa những người tay không tấc sắt với chế độ nhà tù dã man, tàn bạo. Nhưng cuộc chiến này vẫn luôn có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng hiện hữu ở mọi nơi, mọi lúc, nơi phòng nhì, trong chuồng cọp, xà lim, khám tối và ngay cả trong những giờ phút chịu đựng những cực hình tra tấn tàn bạo nhất, nơi pháp trường, trước họng súng quân thù hay những cuộc thủ tiêu bí mật…
Sau 5 tháng bị đày ra nhà tù Phú Quốc, giữa nanh vuốt kẻ thù, ông Duật móc nối liên lạc với tổ chức đảng trong tù (do đồng chí Phùng Đức Thuận, quê xã Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương là Bí thư). Ông Duật cho biết: “Việc tập hợp những người nhiệt huyết trong tổ chức Đảng trong tù tuân thủ những nguyên tắc hết sức chặt chẽ, đặt vấn đề “tin cậy” lên hàng đầu. Để được “tin cậy”, ngoài những tiêu chuẩn như lý lịch, quá trình chiến đấu thì điều quan trọng hơn cả là bước giao nhiệm vụ và thử thách bằng những hành động cụ thể. Có 5 bước phục hồi sinh hoạt Đảng (ở mỗi phân khu, mỗi trại có thể khác đi) nhưng điều chắc chắn là phải đảm bảo đủ độ tin cậy mới “xứng đáng” được phục hồi sinh hoạt. Vì vậy mà hầu hết các trại giam tù ở Phú Quốc chỉ làm nhiệm vụ phục hồi sinh hoạt cho các đồng chí đảng viên, đoàn viên ở bên ngoài là chính, việc kết nạp mới rất ít, trừ những trường hợp đặc biệt…”.
Trước khi bị bắt, ông Duật là Thiếu úy, Chính trị viên đại đội, Bí thư chi bộ đơn vị chủ lực ở chiến trường nên khi bị đày ra Phú Quốc, nhiều đồng chí biết đã giới thiệu ông với những người làm tổ chức Đảng trong tù. Tổ chức Đảng cử người đến xác minh hỏi ông trước ở đơn vị nào, làm chức vụ gì, có ai biết ông là đảng viên không? Có ai biết thì nói tên, thậm chí là phải chỉ mặt người biết ông (vì trong tù thường không dùng tên thật). Xác minh xong, ông được thử thách bằng những hành động cụ thể. Đó là vào sáng ngày mồng 1 Tết âm lịch năm 1970, tại sân nhà lao, địch tổ chức điểm danh. Trước 1.000 tù binh, ông bị cai ngục lôi ra đánh, toàn thân loang máu đỏ, chúng hất cát ở sân vào người ngất lịm đi. Lý do là khi nhập trại C4, ông có gặp ông Nguyễn Bá Đạt (xã Song Giang, huyện Gia Bình, cùng đơn vị bị bắt trước đó) - Phó bí thư Đảng uỷ nhà lao, hoạt động bị lộ, bị đày đi biệt giam, bị tra tấn rất tàn bạo, trong đó có ép ván, treo người... Khi ông Đạt ra khỏi khu biệt giam về trại C4, 2 người đứng bên hàng rào thép gai trao đổi tình hình thì bị giám thị để ý và đem ra tra tấn. Khi tỉnh lại, ông thấy mình nằm trong chuồng cọp, 7 ngày sau chúng trả về trại C4. Sau đợt tra tấn này, ông được Đảng uỷ phân khu C4 cho chắp nối (phục hồi) sinh hoạt. Lễ chắp nối diễn ra đơn giản, gồm 3 người: ông Phùng Đức Thuận Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Bá Đạt làm chứng và ông, dùng pin đen vẽ hình tượng búa liềm trên bức tường phòng giam, đứng lên làm lễ tuyên thệ: “Tôi tên là Nguyễn Mạnh Duật, tên trong tù là Nguyễn Văn Tuyển bị bắt giam ở trại C4 nhà tù Phú Quốc xin được chắp nối sinh hoạt để tiếp tục làm nhiệm vụ của người đảng viên, xin thề trung thành tuyệt đối với Đảng, sẵn sàng chịu mọi cực hình tra tấn của địch, quyết không chịu đầu hàng. Xin thề”.
Về sinh hoạt Đảng ở trong tù, ông Duật cho biết, trước năm 1970, Mỹ Nguỵ o ép dữ dội ở chiến trường cũng như ở các nhà tù, nên sinh hoạt Đảng trong tù phải hết sức bí mật, theo nguyên tắc đơn tuyến, có nghĩa đảng viên không biết chi uỷ, các tổ đảng không biết nhau. Năm 1971, 1972 ngoài chiến trường ta thắng lớn, nên lính cai ngục cũng lơi lỏng hơn, sinh hoạt Đảng cũng không theo đơn tuyến nữa, có lúc tập trung họp toàn chi bộ. Sau khi phục hồi sinh hoạt Đảng, ông được cấp uỷ giao nhiệm vụ: dạy văn hoá (toán, văn, sử); soạn lại Nghị quyết của TW Đảng về Nâng cao đạo đức Cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; phụ trách Tổ thơ Hương Sen gồm 5 đồng chí.
Ngày 2-2-1972, theo lệnh của Đảng bộ chuẩn bị viết báo cáo để họp phục vụ cho ngày thành lập Đảng trong tù cho chi bộ trại C5, ông lấy giấy cát tông ngâm xuống nước rồi là phẳng cắt nhỏ bằng 2 bao thuốc lá giắt vào cạp quần (giấu vào cổ áo nếu địch kiểm tra) và lấy mực cá để viết. Sau đó bị quân cảnh phát hiện. Chúng dùng gậy sầu đời đánh trực tiếp lên đầu ông nhiều nhát (nay vẫn còn vết sẹo) máu chảy chúng hất cát vào cho thấm máu rồi nhốt ông vào chuồng cọp 10 ngày. Giữa năm 1972 được bầu làm bí thư chi bộ phân khu C4, rồi chuyển sang phân khu D4 và C5. Cuối năm 1972, ông được bầu vào Ban chấp hành Liên chi bộ nhà lao, tiến hành lãnh đạo các phong trào đấu tranh, trong đó chỉ đạo đào hầm vượt ngục và đào thoát được 4 đồng chí trong điều kiện kiểm soát gắt.
Ngày 16-3-1973, ông Duật và các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được trao trả tự do theo tinh thần Hiệp định Paris. Sau đó, ông được trở về an dưỡng, được cử đi học bổ túc văn hóa cấp 3 và các lớp chính trị. Từ năm 1974 đến năm 1992, ông được cử làm cán bộ cơ sở của Tỉnh đội Hà Bắc (cũ), cán bộ Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Bắc; phái viên huyện ủy, kiêm Bí thư Đảng bộ xã Phú Nhiệm, huyện Lục Ngạn; Chánh văn phòng UBND huyện Thuận Thành, Trưởng phòng Công nghiệp huyện Thuận Thành, Giám đốc quốc doanh văn hóa huyện Thuận Thành. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia BCH Hội Cựu chiến binh xã Lãng Ngâm, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng Côn Đảo - Phú Quốc huyện Gia Lương (cũ) nhiều năm liền. Hiện nay, ông Duật đang sinh sống và rất tích cực tham gia các công tác xã hội tại địa phương cũng như các hoạt động của Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Gia Bình.
Thực tế khẳng định nguyên nhân hàng đầu cho mọi thắng lợi từ lớn đến nhỏ của các phong trào đấu tranh trong nhà tù đế quốc đều do sự lãnh đạo cuả Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh mà những người như ông Thuận, ông Đạt, ông Duật và nhiều quần chúng trung kiên khác đã đấu tranh kiên cường bất khuất, bảo vệ khí tiết cách mạng, giữ trọn lời thề danh dự, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tổ chức, đem lại thắng lợi cho tập thể, viết nên những trang sử hào hùng của một thời đấu tranh bất khuất kiên cường.
Phan Thị An Ngọc