Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sụt giảm trong quý I/2023
Chỉ số IIP của tỉnh Bắc Ninh trong tháng 3/2023 ước tính tăng 1,36% so với tháng trước nhưng giảm 32,69% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP của Bắc Ninh giảm 18,67% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,79%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng và hơi nước giảm 2,21%; riêng ngành cung cấp, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng +10,16%.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành trọng điểm của tỉnh giảm nhiều nhất (giảm 19,9% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước). Theo Cục Thống kê, sản xuất không đạt được như kỳ vọng do nguyên vật liệu khan hiếm, giá cao, hợp đồng các đơn hàng giảm đã kìm hãm lượng hàng hóa sản xuất.
Một số sản phẩm chủ yếu trong Quý I/2023 vẫn duy trì được lượng sản xuất tăng so với cùng kỳ: dược phẩm có chứa Vitamin tăng 27%; bê tông trộn sẵn tăng 11,5%; tủ bằng gỗ (trừ tủ bếp) tăng 33,2%... Tuy nhiên một số sản phẩm có mức sản xuất giảm như: sắt, thép dùng trong xây dựng giảm 37,2%; điện thoại thông minh giảm 24,3%; linh kiện điện tử giảm 21,5%; pin điện thoại các loại giảm 30,5%...
Bình quân quý I năm 2023, CPI tăng 3,67% so với bình quân cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao thứ 3 và cao hơn mức tăng chung trong vòng 5 năm gần đây. Đạt được kết quả này là do các ngành chức năng đã thực hiện tốt các biện pháp cân đối cung cầu, tổ chức các chương trình bình ổn giá; đồng thời công tác kiểm tra, giám sát thị trường chặt chẽ đã hạn chế việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa, thao túng thị trường; cộng thêm giá xăng dầu giữ được ổn định, gần đây nhiều kỳ được điều chỉnh giảm.
Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 8,5%; trong đó khu vực nhà nước giảm 6,2%; ngoài nhà nước giảm 3,1%; khu vực FDI giảm 9,4%./.
Nguyễn Thị Mai, Văn phòng Tỉnh ủy