Nông dân huyện Gia Bình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
Huyện đã tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chỉ đạo với phòng, ban chức năng có liên quan tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn với mục tiêu 100% các xã - thị trấn trong huyện có tổ thu gom và xây dựng bãi tập kết rác thu gom rác thải sinh hoạt. Tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch cho nông thôn; xây dựng nghĩa trang nhân dân và các khu chôn cất tập trung, xây dựng khu tập kết rác thải cho các xã – thị trấn; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, hầm bioga. Các tổ chức hội, đoàn thể của huyện và các địa phương đều tích cực triển khai các phong trào nhằm nâng cao ý thức BVMT của người dân như: Phong trào "5 không, 3 sạch”, “ Đường hoa phụ nữ” do Hội Phụ nữ phát động và là nòng cốt thực hiện, "Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên… đã thu hút và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Toàn huyện hiện có 93 tổ vệ sinh môi trường với 120 lao động và 900 xe chở rác ba bánh đến 88 điểm tập kết. Quy trình thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tổ VSMT vận chuyển về vị trí tập trung của thôn, sau đó xe ô tô chuyên dụng đến thu gom vận chuyển về khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của huyện. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Gia Bình được xây dựng tại địa bàn xã Cao Đức, có công xuất xử lý khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt, 60 m3 nước thải 1/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 55 tỷ đồng. Đến nay, 100% số hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 90,2% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn; số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh là 80,2%.
Rác thải sinh hoạt sau khi được phân loại, sẽ thu gom về các bãi chôn lấp của các thôn và xử lý bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO, với số điểm được xử lý là 58 điểm; thể tích rác được xử lý ước khoảng 10.551 m3 với phương pháp là đảo rác, đánh đống và phun, rắc vi sinh bản địa IMO để xử lý. Lượng rác thải sinh hoạt sau xử lý cơ bản đã giảm về thể tích so với thể tích ban đầu chưa xử lý, đặc biệt giảm hẳn mùi hôi thối, ruồi muỗi tại các điểm tập kết, trung chuyển, bãi chôn lấp được xử lý.
Việc triển khai thực hiện mô hình phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình; xử lý rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết, trung chuyển trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả. Theo kết quả tổng hợp hiện trên địa bàn huyện có khoảng 20.027 hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ (đạt 61,97 % tổng số hộ; theo mục tiêu Nghị quyết số 01 là từ 50- 70 % hộ thực hiện).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường của huyện Gia Bình còn một số tồn tại, hạn chế đó là hiện nay diện tích ao hồ trong khu dân cư dần bị thu hẹp, nguồn nước dần bị ô nhiễm; tình trạng xả chất thải sản xuất, chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý còn diễn ra; việc triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Đại Bái chưa đảm bảo tiến độ; khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Gia Bình hoạt động đôi lúc chưa ổn định.
Để tiếp tục thực hiện có hiện quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 -2025,Gia Bình tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường; duy trì, thực hiện tốt các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường;… gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường; đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên,...
Thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong việc bảo vệ môi trường (cơ chế đặc thù (khoán chi) cho các đơn vị cấp xã chủ động thực hiện việc thu gom, phân loại, xử lý đối với toàn bộ lượng rác thải hữu cơ phát sinh hàng ngày trên địa bàn,; từng bước thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý, khắc phục, cải tạo môi trường”, “người hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải trả tiền” từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng hài hòa với môi trường và phát triển bền vững.
Thứ ba: Tăng cường đầu tư, thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ trong công tác bảo vệ môi trường, như: Tiếp tục hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; bố trí kinh phí thực hiện các dự án, công trình: Xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung; từng bước đầu tư nạo vét, cải tạo, xây dựng kè, xử lý môi trường nước tại các ao, hồ đang bị ô nhiễm; hạn chế việc chăn nuôi trong khu dân cư; yêu cầu các cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi phải đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trước khi hoạt động; khuyến khích, hỗ trợ cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi đảm bảo môi trường,…
Thứ tư: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và đảm bảo số lượng cán bộ về bảo vệ môi trường; tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải trên địa bàn; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng và thực hiện hương ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý quy hoạch, gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường của địa phương; tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra các khu vực đã được quy hoạch theo lộ trình cụ thể;…
Thứ năm: Có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tôn vinh mô hình, gương điển hình về bảo vệ môi trường; phê phán các hành vi, thói quen gây ô nhiễm môi trường. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín tại địa phường trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường./.