Sign In

Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố Bắc Ninh

13:51 23/08/2023
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 12/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển thành phố Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2024”, Ban Thường vụ Thành ủy Bắc Ninh đã lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân với chủ đề "Đền ơn đáp nghĩa" nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023)

Các cấp ủy, chính quyền thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn, sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn như: Canh hát Quan họ đêm Rằm; các chương trình nghệ thuật gắn với tổ chức hoạt động văn hóa đường phố trình diễn Nghi lễ - trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp, chương trình Festival "Về miền Quan họ - 2023", Liên hoan ca, múa, nhạc thành phố lần thứ VII; chương trình “Vinh danh tặng danh hiệu nghệ sĩ nghệ nhân thơ giỏi trong lĩnh vực văn hóa - kinh tế trên địa bàn thành phố năm 2022"... Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”; tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2021 đạt 94,05%năm 2022 đạt 95,3%, tỷ lệ khu phố văn hóa năm 2021 đạt 95,6%năm 2022 đạt 92,982. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 08/6/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về "Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030"; xây dựng Đề án "Phục dựng phiên chợ Âm Dương trong lễ hội khu Xuân Ô A, phường Võ Cường giai đoạn 2022-2026", tổ chức lễ hội và triển khai nội dung thử nghiệm tổ chức không gian phiên chợ Âm Dương vào ngày mùng 04 và 05 tháng Giêng năm Nhâm Dần - 2022 và năm Quý Mão - 2023 đạt hiệu quả, nhận được phản hồi tích cực và thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và tham gia các hoạt động tại phiên chợ. Xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 07 Nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ gốc: Đương Xá (Vạn An); Viêm Xá (Hòa Long); Niềm Xá (Kinh Bắc); Hòa Đình Bồ Sơn (Võ Cường); Thị Cầu; Thanh Sơn (Vũ Ninh), một số địa phương có làng Quan họ gốc đã quy hoạch quỹ đất xây dựng Nhà chứa Quan họ như: Khắc Niệm, Kinh Bắc, Vũ Ninh, Võ Cường, Vạn An... Khảo sát, đề nghị tỉnh hỗ trợ, tu bổ chống xuống cấp đối với 28 di tích với tổng kinh phí 14,8 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa từ nguồn vốn xã hội hóa, nhân dân đóng góp theo quy định với kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa khu phố trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; thành phố có 114/114 Nhà văn hóa khu phố, 19/19 phường đã quy hoạch được quỹ đất xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 07 Trung tâm Văn hoá - Thể thao phường có trụ sở riêng và phát huy hoạt động hiệu quả.

 Đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, phát triển thể thao mũi nhọn, thành tích cao; 78/114 nhà văn hóa khu phố có gắn với sân thể thao, 32/114 khu phố dành quỹ đất quy hoạch riêng cho sân thể thao trên địa bàn, trong đó có 19 sân bóng đá, 17 sân bóng chuyền hơi và cầu lông... Đã lắp đặt 1.361 thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời tại 346 vườn hoa, nhà văn hoá khu phố, cùng với 405 sân chơi, điểm luyện tập TDTT; ban hành và triển khai Kế hoạch “Phát triển phong trào thể dục thể thao quân chúng và tập trung phát triển thể thao thành tích cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được chú trọng, giữ vững đơn vị dẫn đầu phong trào giáo dục của tỉnh. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; toàn thành phố có 77 trường (trong đó, có 66 trường công lập và 11 trường tư thục). Thu hút, tạo điều kiện thành các trường tư thục chuẩn quốc tế, chất lượng cao, như: Trường Quốc tế Him Lam; trường TH, THCS và THPT FPT… Cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 90,9% (70/77 trường, trong đó: 27/32 trường Mầm non, 23/23 trường Tiểu học, 20/22 trường THCS). Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục nâng lên; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 97%; năm học 2022-2023 xếp thứ Nhất tỉnh cả về số lượng và chất lượng giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì; có 2 năm liên tiếp (năm học 2020-2021 và 2021-2022) dẫn đầu tỉnh trong các kỳ thi học sinh giỏi, năm học 2022-2023 xếp thứ ba toàn tỉnh. Việc dạy và học ngoại ngữ tiếp tục được duy trì Phong trào xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động y tế; rà soát, thống kê, quản lý 417 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn; trong đó, có 167 cơ sở hành nghề y, 34 cơ sở hành nghề y học cổ truyền, 122 cơ sở hành nghề dược cơ sở thẩm mỹ, xoa bóp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chương trình tiêm chủng, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em được chú trọng; 97,23% người dân có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn dưới 7,6%. Chú trọng công tác phòng, chống dịch, bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 được kiểm soát, không để lây lan trên diện rộng. Công tác quản lý an toàn thực phẩm được tăng cường, trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn. Triển khai thí điểm mô hình "Chợ an toàn thực phẩm” tại chợ Nam Sơn. Công tác dân số được quan tâm; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức 1%.

Công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện sâu rộng, có hiệu quả. Chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội... được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 75%. Công tác giảm nghèo bền vững được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,37%; Thành phố hiện có 03 phường Suối Hoa, Ninh Xá, Vân Dương không còn hộ nghèo.

Trong thời gian tới, để tiếp tục xây dựng con người thành phố văn hiến, thanh lịch, phát triển toàn diện, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh – Kinh Bắc, là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của thành phố; hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 02/6/2020 của Thành ủy về “Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; các cấp ủy, chính quyền thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội; trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; đầu tư, quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, nhà chứa Quan họ, trung tâm văn hóa thể thao phường, thiết bị luyện tập thể dục thể thao... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

(2) Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng; phát triển thể thao mũi nhọn, thành tích cao. Tạo điều kiện phát triển thể thao giải trí, thể thao đường phố và các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao, các trung tâm tập luyện hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu luyện tập của người dân và thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao.

(3). Tiếp tục phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập; đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; tăng cường xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các trường tư thục, trường học đạt tiêu chuẩn quốc tế...

(4) Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế; chất lượng  chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân và công tác y tế dự phòng. Quan tâm thu hút đầu tư xây dựng các bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tư nhân, dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao; phát triển mô hình bác sĩ gia đình.... Tiếp tục lập, quản lý hồ sơ sức khỏe người dân; hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Quản lý chặt chẽ việc hành nghề y, dược ngoài công lập. Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thành phố Bắc Ninh không còn thực phẩm không an toàn.

(5) Đẩy mạnh các hoạt động an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo. Làm tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; bảo vệ quyền trẻ em, quan tâm hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nghiên cứu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người dân./.

Tag:

File đính kèm