Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh trong phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, sáng ngày 24-5.
Trước hết, tôi đồng tình và đánh giá cao Báo cáo Giải trình, tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật Lưu trữ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này. Để góp phần hoàn thiện Dự án Luật, tôi xin có một số ý kiến nhằm đảm bảo tính thống nhất với Luật Giao dịch điện tử vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi lực thi hành từ ngày 1-7-2024, cụ thể như sau:
1. Về khái niệm “Tài liệu lưu trữ điện tử” (khoản 3 Điều 32 dự thảo Luật)
Đề nghị cân nhắc viết lại khái niệm về “tài liệu lưu trữ điện tử khác” để phù hợp với các khái niệm đã được giải thích trong Luật Giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử..., bảo đảm tính toàn vẹn. Cụ thể: “Tài liệu lưu trữ điện tử khác là thông điệp dữ liệu được lưu trữ bằng phương tiện điện tử, không bao gồm tài liệu được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số quy định tại khoản 2 Điều này ”.
2. Về lưu trữ tài liệu lưu trữ điện tử khác (Điều 37 dự thảo Luật)
Đề nghị cân nhắc, không quy định khoản 2 Điều 37 để bảo đảm tính thống nhất với Luật Giao dịch điện tử vì một số lý do:
Thứ nhất, về bản chất, lưu trữ “tài liệu lưu trữ điện tử khác” là lưu trữ thông điệp dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử tại Chương II đã quy định về thông điệp dữ liệu với các nội dung cụ thể về hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu, gửi nhận thông điệp dữ liệu... Như vậy, thông điệp dữ liệu tự bản thân nó đã “bảo đảm được tính xác thực lâu dài, thuận tiện cho quá trình quản lý, sử dụng và phát huy giá trị” khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Luật Giao dịch điện tử.
Thứ hai, khoản 3 Điều 13 Luật Giao dịch điện tử cũng đã dẫn chiếu đến quy định của pháp luật về lưu trữ đối với nội dung, thời hạn lưu trữ của thông điệp dữ liệu: “Nội dung, thời hạn lưu trữ đối với thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc lưu trữ thông điệp dữ liệu có giá trị như lưu trữ văn bản giấy.”.
3. Về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Chương VI dự thảo Luật)
- Đề nghị điều chỉnh điểm b khoản 1 Điều 53, từ “Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ” thành “Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ số” để bảo đảm tương thích về nội hàm giữa “tài liệu lưu trữ số” và “cơ sở tài liệu lưu trữ số”.
4. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xem xét đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong việc quy định về chuyển đổi giữa tài liệu lưu trữ giấy được chuyển đổi từ tài liệu lưu trữ số (Điều 29) và Quy định bản số hóa tài liệu (Điều 34) của Dự thảo Luật lưu trữ với Điều 12 về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dư liệu được quy định tại Luật Giao dịch điện tử. Vì tài liệu lưu trữ số là thông điệp dữ liệu. Nếu việc quy định về chuyển đổi trong 2 luật này mà không thống nhất thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ không biết tuân thủ theo quy định của Luật nào.
5. Về kho lưu lưu trữ số (Điều 35 dự thảo Luật)
Đề nghị quy định rõ hơn về điều kiện kỹ thuật tối thiểu đối với kho lưu trữ số. Hiện Điều 35 đang quy định mang tính khá nguyên tắc. Ví dụ tại khoản 3 quy định về phần mềm thì phần mềm này có phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nào không? Tại khoản 4 quy định về cấp độ thì mức tối thiểu của Kho lưu trữ số là cấp độ bao nhiêu?
6. Về hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ (Điều 53 dự thảo Luật)
Dịch vụ kinh doanh dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 53 còn quy định chung chung (mặc dù dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này). Tôi đề nghị, cần làm rõ hơn đối với điều kiện kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, vì điều kiện cho hạ tầng kỹ thuật (yêu cầu về hạ tầng nhà trạm, phần cứng, phần mềm, thiết bị lưu trữ,..) , nhân sự vận hành kỹ thuật, mức độ an toàn hệ thống đều cần có quy định mức tối thiểu.
Việc thực hiện đánh giá để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ sẽ phát sinh thêm bộ phận nhân sự có kinh nghiệm đánh giá chứng nhận, kiểm tra trong quá trình vận hành của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về nội dung “hạ tầng kỹ thuật phục vụ lưu trữ số”. Theo đó, cũng phát sinh thêm nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ đối với hệ thống công nghệ thông tin, an toàn thông tin của dịch vụ lưu trữ. Vì vậy, đề nghị cần đánh giá thêm tác động khi quy định nội dung này để đảm bảo tính khả thi khi thực thi Luật.
(*Đầu đề do Báo Bắc Ninh đặt)
Vân Giang (bt)