Sign In

Nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong giai đoạn hiện nay - Thực trạng và giải pháp

09:40 26/09/2024
Phản biện xã hội có vai trò hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc. Qua đó, Mặt trận thực hiện tốt hơn chức năng đại diện,“Làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”. Nhờ sự thể chế hóa và luật hóa về vai trò này ngày càng cụ thể, trong những năm qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt những kết quả quan trọng.

Vai trò của Phản biện xã hội 

Phản biện xã hội - mà lâu nay được thể hiện dưới hình thức Nhân dân, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thảo luận đóng góp ý kiến, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về các vấn đề quốc kế dân sinh - là một trong những biện pháp để mở rộng dân chủ và tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay đã luôn luôn coi trọng ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của mình. Trong giai đoạn hiện nay, như là một yêu cầu lôi cuốn Nhân dân tham gia mạnh mẽ hơn vào công việc Nhà nước, vấn đề này càng được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm lớn. Tại văn kiện Đại hội lần thứ X chỉ rõ: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”, “Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”, "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội", "Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ".

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Đổi mới"

 

Việc phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận các cấp, thực hiện chức năng tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Nhờ sự thể chế hóa và luật hóa ngày càng cụ thể, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận ngày càng được tăng cường, đạt được những kết quả nhất định. Thông qua phản biện, Mặt trận đã thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi nhận: “Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội; tích cực tham gia xây dựng pháp luật, góp ý đối với các dự thảo văn kiện, tham gia chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh".

Thực tiễn hoạt động phản biện xã hội 

Trong những năm qua, công tác phản biện xã hội luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan đối với hoạt động phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận các cấp. Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, được xem là hoạt động đột phá của Mặt trận để thực hiện nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua công tác tổ chức phản biện xã hội, Mặt trận các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện. Kết quả nổi bật trong hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận trong thời gian qua đã tổ chức được 617 đợt phản biện xã hội (trong đó: cấp tỉnh tổ chức được 08 đợt; cấp huyện tổ chức được 57 đợt; cấp xã tổ chức được 552 đợt). Nội dung phản biện xã hội gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiêu biểu tại cấp tỉnh đã tổ chức phản biện thành công: “Đề án thành lập Trung tâm nghề cá của tỉnh gắn với ngư trường Đông Nam Bộ tại đảo Gò Găng, thành phố Vũng Tàu”; "Tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo Dự án ổn định dân cư cấp bách ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc"; “Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Nâng cao sự phồn vinh – hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”... Cấp huyện: Phản biện Đề án quản lý, thu phí sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn 04 phường Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Phú Mỹ, Tân Phước của thị xã Phú Mỹ; “Đồ án thiết kế đô thị Khu Dân cư dịch vụ Đô thị hiện hữu thuộc trung tâm Côn Sơn”…; Cấp xã: MTTQ xã Lộc An, huyện Đất Đỏ tổ chức hội nghị phản biện “Kế hoạch kiểm tra, xử lý công tác vệ sinh môi trường khu vực bờ kè biển”; MTTQ xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức tổ chức hội nghị phản biện về “chương trình tiếp tục duy trì và phát huy các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao... 

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn những khó khăn tồn tại, hạn chế cần nhất định như việc lựa chọn nội dung phản biện xã hội ở một số nơi còn dàn trải, mới chỉ tập trung triển khai thực hiện các chương trình đã ký kết, chưa mạnh dạn tổ chức phản biện những vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân; một số địa phương, nhất là cơ sở còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung chủ yếu mang tính chất góp ý văn bản mà chưa tổ chức được hội nghị. Có nơi nội dung phản biện xã hội còn chưa hướng vào những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm, bức xúc; việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị tại các đợt tổ chức phản biện xã hội có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức.

Giải pháp nâng cao hoạt động phản biện xã hội trong thời gian tới 

Để nâng cao chất lượng phản biện xã hội của Mặt trận, cần phải thực hiện đồng bộ  một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất là nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về phản biện xã hội: Mặt trận cần phải có sự quan tâm thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp từ việc tiếp tục triển khai, tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả của các cấp Mặt trận các quy định về phản biện xã hội, kết quả, tác dụng của phản biện xã hội đến việc tổ chức hội nghị, hội thảo, nhằm rút kinh nghiệm, làm rõ những vướng mắc, bất cập, từ đó nâng cao nhận thức về phản biện xã hội. Tiếp tục quán triệt, triển khai các văn bản, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trưng ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền về các quy định cũng như kết quả, tác dụng, cách làm hay, sáng tạo về phản biện xã hội để người dân thấy được ý nghĩa của phản biện xã hội, tích cực phản ánh, cung cấp thông tin với Mặt trận, đoàn thể. Phát huy vai trò chủ trì của Mặt trận các cấp trong xây dựng và tổ chức thực hiện phản biện xã hội, lựa chọn nội dung mà nhân dân đang bức xúc, các cấp và cả xã hội đang quan tâm để phản biện xã hội. Kết hợp nhiệm vụ lắng nghe ý kiến nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật với nhiệm vụ phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; lựa chọn thực hiện có hiệu quả 3 hình thức phản biện xã hội (tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản được phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản được phản biện xã hội) để đưa ra các ý kiến phản biện sắc sảo, sát thực, góp phần tăng đồng thuận xã hội, ổn định và phát triển.

Thứ hai là kết hợp góp ý với phản biện xã hội trong việc tham gia xây dựng hoàn thiện các chủ trương, chính sách ở địa phương:

Coi trọng việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc, xem đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Cần phải công bố công khai quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để nhân dân, các tổ chức có liên quan có điều kiện trao đổi, bàn bạc, tham gia ý kiến ngay từ đầu khi hoạch định các chủ trương, chính sách. Chủ động xem xét những nội dung, vấn đề bức xúc, mang tính cấp thiết giải quyết vấn đề an sinh - xã hội, đời sống trực tiếp của người dân hoặc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân để kiến nghị phù hợp. Công khai công tác phản biện xã hội, phối hợp chặt chẽ với báo, đài cơ quan truyền thông đang tuyên truyền và thực hiện việc tổng hợp thông tin, kiến nghị báo cáo tham mưu đề xuất đến cơ quan thẩm quyền kịp thời. Huy động sự tham gia của các thành viên, các cá nhân tiêu biểu, các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn, Tổ tư vấn của Mặt trận, lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên là những chuyên gia trên các lĩnh vực, đồng thời xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và nhân sự để bảo đảm cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có đủ năng lực để tham gia, góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật.

Thứ ba là cơ chế, tiếp thu, giải trình:

Chú trọng công tác theo dõi các quy định về cơ chế tiếp thu, phản hồi ý kiến, kiến nghị phản biện xã hội của Mặt trận. Định kỳ nghe báo cáo kết quả trả lời những ý kiến kiến nghị sau phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết quan trọng của tỉnh, địa phương. Trong trường hợp các cơ quan, tổ chức này đã được đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn không tiếp thu, không phản hồi ý kiến phản biện, thì cần có văn bản gửi cơ quan cấp trên của cơ quan này hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để thông báo ý kiến phản biện và việc tiếp thu hay không tiếp thu của cơ quan được phản biện, đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan này.

Thứ tư về nhân sự trong phản biện:

Mặt trận Tổ quốc các cấp bố trí cán bộ có năng lực phù hợp để thực hiện công tác phản biện xã hội; phát huy tối đa tiềm năng của các cá nhân là nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, học giả nghiên cứu, đồng thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, tập hợp dư luận xã hội. Đây là nguồn thông tin, tư liệu vô cùng phong phú về cả lý luận và nhu cầu thực tiễn để có cơ sở phản biện.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và ngày càng cao. Để đảm bảo cho hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận ngày càng được phát huy hiệu quả cần phải công khai các thông tin liên quan đến nội dung, chương trình, đối tượng, phạm vi phản biện của Mặt trận đến người dân, góp phần thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng và Nhân dân. Củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. 

Bùi Tá Nhựt
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh


Tài liệu tham khảo:
1. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015
2. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trưng ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội 
3. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 16/8/2021. 
4. Báo cáo chính trị trình Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
5. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI, VII.
6. Văn kiện Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ VI, VII
7. Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
8. Bài viết của Đ/c Phạm Thị Hồng, Tiến sĩ, Phó Trưởng ban, Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

 

Tag:

File đính kèm