Cách đây 60 năm, Đảng bộ, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp phần làm nên Chiến thắng Bình Giã, một chiến công hiển hách của miền Nam thành đồng, một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Nếu như phong trào “Đồng Khởi” (1959-1960) là sự kiện mở đầu cho thời kỳ chuyển lên đấu tranh vũ trang thì chiến thắng Bình Giã là cột mốc đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bằng quân sự, đẩy Mỹ - ngụy vào thế bị động, sa lầy trên chiến trường miền Nam, buộc Mỹ phải rút quân về nước năm 1973 và tiếp tục chứng kiến chính quyền Sài Gòn sụp đổ nhanh chóng vào mùa Xuân năm 1975 như một hệ quả tất yếu.
|
Tượng đài chiến thắng Bình Giã |
Chiến thắng Bình Giã đã làm rạng rỡ thêm trang sử kháng chiến của vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”. 60 năm trôi qua, Chiến thắng Bình Giã mãi luôn là niềm tự hào của Đảng bộ, dân và quân Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn sức mạnh cổ vũ Nhân dân tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bình Giã - “Ấp chiến lược kiểu mẫu”
Sau phong trào Đồng khởi ở miền Nam, đế quốc Mỹ lúng túng về chiến lược. Tháng 5/1961, chính quyền John Kennedy công bố Kế hoạch Staley-Taylor, thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt, quyết bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Công thức của chiến lược Chiến tranh đặc biệt là ngụy quân cộng với vũ khí Mỹ, đặt dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ. Biện pháp trung tâm là xây dựng ấp chiến lược nhằm cắt đứt mối liên kết giữa người dân và du kích.
Tại Bà Rịa, cùng với việc xây dựng hàng loạt ấp chiến lược kiểu mẫu ở Long Đất, ngụy quyền cho xây dựng “Ấp chiến lược kiểu mẫu” tại Bình Giã. Tháng 3/1963, ngụy quyền thiết lập quận lỵ và chi khu Đức Thạnh tại Ngãi Giao; địch tăng cường bắt lính, xây dựng, mở rộng hàng loạt đồn bót, ráo riết chuẩn bị kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược.
Phá ấp chiến lược
Sự kiện Ấp Bắc đầu năm 1963 mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam, đẩy kế hoạch Staley-Taylor đi đến phá sản. Cuối năm 1963, phong trào cách mạng ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, từng mảng lớn ấp chiến lược do địch lập nên đã bị ta phá; nhiều ấp chiến lược trở thành căn cứ cách mạng, vùng tự do của ta ngày càng được mở rộng.
Tại Bà Rịa, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục về chống, phá ấp chiến lược, đầu năm 1964, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Đại đội 440 với quân số, vũ khí được tách từ Đại đội 445 và nguồn bổ sung từ bộ đội huyện; thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về chống, phá ấp chiến lược, lực lượng vũ trang tỉnh và các huyện mở đợt cao điểm liên tục tấn công địch.
Bình Giã - Điểm quyết chiến
Cuối năm 1964, vùng giải phóng của tỉnh được mở rộng, thực lực cách mạng của các huyện, thị dần lớn mạnh. Các đơn vị hậu cần, quân dân y của tỉnh được củng cố, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho các đơn vị vũ trang và Nhân dân vùng giải phóng. Trong thế suy yếu và bị động, địch tập trung lực lượng co cụm giữ các chi khu, tỉnh lỵ và các trục giao thông quan trọng; đồng thời, tăng cường phòng thủ chi khu Đức Thạnh và ấp chiến lược Bình Giã.
Xã Bình Giã nằm trên hương lộ 327, giáp với chi khu Đức Thạnh, cách TX.Bà Rịa khoảng 18 km về hướng Bắc. Bình Giã là khu gia binh của lực lượng thủy quân lục chiến và lính biệt động ngụy. Nếu Bình Giã bị diệt, Chi khu Đức Thạnh, Đường số 2 bị uy hiếp, Bà Rịa bị chia cắt khỏi Long Khánh và Đường số 1, khu vực phòng ngự có tầm chiến lược của địch sẽ mất hiệu lực. Địch xây dựng Bình Giã thành ấp chiến lược kiểu mẫu với hệ thống phòng thủ kiên cố, có hào giao thông, ô, ụ chiến đấu, hàng rào kẽm gai, chông, mìn dày đặc bao quanh, bên ngoài là hàng rào tự nhiên bằng tre gai kiên cố. Mỹ-ngụy coi ấp chiến lược Bình Giã là “bất khả xâm phạm”.
Những lần tấn công ấp chiến lược Bình Giã của lực lượng vũ trang tỉnh để thử sức và thăm dò phản ứng của địch, Bộ Chỉ huy Miền đã đi đến quyết định chọn Bình Giã làm điểm quyết chiến và thực hiện phương thức tác chiến mới “đánh điểm, diệt viện” nhằm tiêu diệt quân chủ lực ngụy, đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” ở quy mô cấp chiến dịch.
Chiến dịch Bình Giã được mở trên địa bàn rộng gần 500km2, thuộc các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và Bình Thuận. Hướng chủ yếu nằm trên tỉnh Bà Rịa. Hai hướng thứ yếu và phối hợp là Nhơn Trạch-Long Thành và Hoài Đức, Tánh Linh cách Sài Gòn khoảng 70km về phía Đông. Qua nghiên cứu, Bộ chỉ huy Miền quyết định lấy ấp chiến lược Bình Giã làm điểm khơi ngòi, mở màn chiến dịch.
Trước khi chiến dịch diễn ra, kho vũ khí ở căn cứ Hắc Dịch tiếp nhận hơn 800 tấn vũ khí để cung cấp cho bộ đội chủ lực và các địa phương. Tỉnh ủy Bà Rịa triển khai kế hoạch phục vụ chiến dịch cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện với tinh thần hết sức khẩn trương và bảo đảm bí mật. Đồng bào trong tỉnh sử dụng nhiều phương tiện đưa lương thực và nhu yếu phẩm cho bộ đội. Lúa gạo từ các nơi được bí mật chuyển về các kho dựng tạm ven lộ 2. Máy xay lúa ở Long Phước hoạt động ngày đêm suốt cả tháng trời. Công nhân cao su sử dụng xe hơi, máy cày của sở vận chuyển lượng thực, khí tài cho bộ đội. Hàng ngàn thanh niên nam nữ các xã hăng hái xung phong đi dân công tải đạn, khiêng cáng thương binh. Đến cuối tháng 11/1964, Ban Quân nhu khu E phối hợp với địa phương chuẩn bị khoảng 417 tấn gạo, bảo đảm đủ cho chiến dịch với tiêu chuẩn 1 lít gạo/người/ngày. Tại các khu căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha, bà con đồng bào dân tộc ngày đêm khẩn trương đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho bộ đội.
Căn cứ khu I (xã Bình Châu) được hậu cần miền chọn làm nơi xây dựng bệnh viện K76A để phục vụ cho Chiến dịch Bình Giã. Quân y miền đã điều 3 đội phẫu thuật tăng cường cho tỉnh Bà Rịa để tổ chức hai đội phẫu thuật dã chiến. Cơ quan của tỉnh dời về Đông lộ 2 (Sông Ray), nhường căn cứ Hắc Dịch cho các đơn vị về chuẩn bị chiến dịch. Bệnh xá của tỉnh được tăng cường thêm một đội phẫu thuật của quân y miền để tổ chức thành bệnh viện dã chiến mang phiên hiệu K76B.
Sự hiệp đồng chặt chẽ về chiến dịch và chiến lược sẵn sàng cho thời khắc tiếng kèn xung trận mở màn Chiến dịch Bình Giã.
|
Quân ta bắn rơi trực thăng của địch tại Chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu |
Đòn liên hoàn sấm sét, chiến thắng vang dội
Ngày 20/11/1964, trên địa bàn Bà Rịa, đội hình chiến dịch Bình Giã hình thành, quy mô chiến dịch tương đương cấp sư đoàn với khoảng 7.000 quân tham gia. Đêm 02/12/1964, quân ta nổ súng tiến công Bình Giã, mở màn chiến dịch. Chiến dịch diễn ra quyết liệt tại khu vực ấp chiến lược Bình Giã. Trước sự tấn công của quân ta, địch phản ứng quyết liệt. Trong tình thế ngặt nghèo, ta sử dụng đại liên và ba-zô-ka phá hủy cổng ấp chiến lược, mở đường cho bộ đội tiến công. Chỉ sau ít phút chiến đấu, bộ đội đã đánh tan tác 1 trung đội bảo an, đánh chiếm làng 2, làng 3, diệt 60 tên địch. Địch cho 15 máy bay lên thẳng H41B có 8 máy bay chiến đấu hộ tống tiểu đoàn 38 biệt động quân từ Phú Mỹ đổ xuống Đức Thạnh đánh ép vào Đại đội 445 nhưng đều bị đánh tan tác. Sau 4 ngày bám trụ kiên cường, Đại đội 445 được lệnh rút ra ngoài. Để giải tỏa áp lực của ta tại Bình Giã và Đức Thạnh, địch mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33” để giải tỏa Tỉnh lộ 2 nhưng bị Trung đoàn Q762 tiêu diệt gọn. Trong khi chiến dịch diễn ra quyết liệt, đêm 22/12/1964, chuyến tàu thứ 2 chở hơn 70 tấn vũ khí cập bến Lộc An an toàn, chi viện kịp thời cho đợt 2 chiến dịch.
Đợt 2 chiến dịch mở màn đêm 27/12/1964, bộ đội ta chiếm toàn bộ ấp chiến lược Bình Giã. Lực lượng địch ở chi khu Đức Thạnh bị pháo kích mạnh, thương vong nặng. Trước tình thế nguy cấp, ngày 01/01/1965, địch mở cuộc hành quân với 2.000 tên, gồm 1 chiến đoàn thủy quân lục chiến, 1 chiến đoàn dù, càn quét, giải tỏa khu vực này. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định giãn đội hình ra khỏi khu vực trọng điểm, chặn đánh các cánh quân địch. Trên các hướng phối hợp và thứ yếu, ta diệt địch, phá nhiều ấp chiến lược. Ngày 03/01/1965, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh kết thúc đợt 2 chiến dịch, đồng thời kết thúc chiến dịch tiến công Bình Giã.
Sau hơn một tháng chiến đấu kiên cường, bộ đội chủ lực Miền cùng quân dân Bà Rịa loại khỏi vòng chiến đấu 1.755 tên địch, trong đó có 60 tên cố vấn Mỹ, 40 sĩ quan ngụy, bắt sống 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn cháy và làm bị thương 56 máy bay, thu 1.000 súng các loại, 100 máy truyền tin và nhiều tấn quân trang, quân dụng. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta đã tiêu diệt được cấp tiểu đoàn địch, kể cả đơn vị sừng sỏ thuộc lực lượng tổng trù bị chủ lực của giặc.
Chiến dịch Bình Giã - Độc đáo nghệ thuật Quân sự Việt Nam
Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch giành thắng lợi lớn nhất của quân và dân ta trong những năm chống Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy, là trận đánh mà số lượng quân Mỹ - ngụy tham gia với mức kỷ lục. Số lượng máy bay, xe cơ giới địch bị tiêu diệt lớn. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, quân giải phóng loại khỏi vòng chiến đấu nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, đặc biệt ta đã đánh bại chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của địch.
Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã là kết quả của sự phối hợp giữa bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương, sự hiệp đồng chặt chẽ của ba mũi giáp công (quân sự - chính trị - binh vận), đánh dấu một bước nhảy vọt về trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã thực hiện thành công “đánh điểm diệt viện” trong Chiến dịch Biên Giới, thì trong cuộc chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường miền Nam, Bình Giã là chiến dịch đầu tiên chúng ta đã thực hiện thành công nghệ thuật quân sự này với một kẻ địch mạnh hơn nhiều lần. Nếu Chiến thắng Ấp Bắc mở ra khả năng có thể đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” thì với Chiến dịch Bình Giã, về cơ bản chúng ta đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược chiến tranh này. Với những nét đặc sắc đó, Chiến thắng Bình Giã xứng đáng là một chiến công hiển hách của miền Nam thành đồng, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Đảng bộ, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu tự hào góp phần làm nên Chiến thắng Bình Giã
Đảng bộ, dân và quân Bà Rịa - Vũng Tàu tự hào đã ghi tên mình vào Chiến thắng Bình Giã vang dội, góp phần vào trang sử hào hùng của Cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phát huy truyền thống cách mạng của miền Đông gian lao mà anh dũng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng tỉnh nhà. Vai trò, vị thế của Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng được thể hiện rõ trong tiến trình phát triển của đất nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định là một cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, với quy mô kinh tế (GRDP) luôn nằm trong nhóm các tỉnh thành cao nhất nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, GRDP bình quân trên đầu người cao nhất cả nước, đóng góp ngân sách cho quốc gia thuộc nhóm cao nhất cả nước; Bà Rịa - Vũng Tàu là 1 trong 4 tỉnh, thành thực hiện chính sách miễn giảm và hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp; chất lượng đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được bảo đảm.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã, tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh về độc lập dân tộc, ôn lại bài học, tầm vóc, giá trị lịch sử của Chiến dịch Bình Giã và truyền thống đấu tranh cách mạng của cả nước và quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu, phát huy những thành tựu trong công cuộc đổi mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, khát vọng lớn, hướng tới trở thành địa phương phát triển trong nhóm dẫn đầu của cả nước, trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của Nhân dân, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thùy Linh
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập II (1954-1975), NXB Chính trị Quốc gia, năm 2000.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Chiến dịch Bình Giã một mốc lịch sử đáng ghi nhớ, NXB Chính trị quốc gia.
3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu với chiến thắng Bình Giã, Xí nghiệp In 27/7, năm 2004.
4. Bộ Quốc phòng (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) (tập III Đánh thắng chiến tranh đặc biệt), NXB Chính trị Quốc gia, năm 2013.
5. Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ, Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), NXB Chính trị Quốc gia, năm 2003.