Sign In

Giá trị tư tưởng trường tồn trong các tác phẩm kinh điển của Các Mác

09:20 12/04/2024
Các Mác sinh ngày 05 tháng 5 năm 1818 ở thành phố Trier, một thành phố của Đức thời Trung cổ, ông mất ngày 14 tháng 3 năm 1884 ở một ngôi làng nhỏ cách thủ đô Luân Đôn (Anh) 15km. C. Mác đã gần như dành trọn cả cuộc đời để nghiên cứu triết học, kinh tế chính trị học, luận giải nhiều mối quan hệ xã hội dưới góc nhìn duy vật biện chứng. Những tư tưởng của C. Mác được thể hiện trong một loạt các tác phẩm lý luận, phần nhiều là những tác phẩm dưới dạng bút chiến để chống lại các quan điểm triết học duy vật tầm thường và triết học duy tâm đang trói buộc xã hội lúc bấy giờ.



Mùa hè năm 1843, Các Mác viết tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen – Lời nói đầu. Tác phẩm này bao gồm 39 tờ dưới dạng viết tay. Đây là tác phẩm đánh dấu rõ nét sự chuyển biến thế giới quan duy tâm sang duy vật của C. Mác. Trong tác phẩm này, C. Mác nêu quan điểm thế giới quan duy vật biện chứng về vấn đề nguồn gốc, bản chất của tôn giáo. Phê phán các quan điểm triết học sai lầm của những người theo chủ nghĩa Hêghen “có một học phái lấy sự đê hèn ngày qua để bào chữa cho sự đê hèn của ngày hôm nay, tuyên bố mọi tiếng kêu của nông nô chống lại roi vọt là làm loạn”(1). Qua tác phẩm này ông phê phán nhà nước Phổ, xã hội Phổ “phải đánh vào những trật tự của nước Đức. Nhất định phải đánh! Những trật tự ấy thấp hơn tầm lịch sử, thấp hơn mọi sự phê phán nhưng vẫn là đối tượng của sự phê phán”(2). Phê phán triết học pháp quyền của Ph. Hêghen, C. Mác khẳng định “việc phê phán triết học Đức về nhà nước và pháp quyền, cái triết học đã được trình bày một cách nhất quán, phong phú nhất và hoàn chỉnh nhất trong các tác phẩm của Hêghen, vừa là một sự phân tích phê phán đối với nhà nước ấy, vừa là một sự phủ định kiên quyết nhất đối với toàn bộ hình thức đã tồn tại từ trước đến nay của ý thức chính trị và ý thức pháp quyền của Đức”(3). Những quan điểm C. Mác nêu lên trong tác phẩm chính là tuyên ngôn về sự đoạn tuyệt với quan điểm, tư tưởng của Hêghen. 

Năm 1801, C. Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học với luận án Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit (Démocrite) và triết học tự nhiên của Êpiquơ (Épicure) tại trường Đại học Tổng hợp Jena, 03 năm sau đó ông viết tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học 1844. Trong tác phẩm Bản thảo kinh tế - triết học 1844, C.Mác nêu bật và làm rõ 05 vấn đề lớn: vấn đề tiền công, lợi nhuận tư bản, địa tô; lao động bị tha hóa; quan niệm về chủ nghĩa cộng sản; quan niệm giữa con người với giới tự nhiên; quan hệ cá nhân với xã hội. C.Mác đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề lao động bị tha hóa, ông cho rằng vấn đề lao động bị tha hóa biểu hiện cụ thể bằng sự: tha hóa của công nhân đối với sản phẩm lao động “người công nhân sản xuất càng nhiều của cải, sức mạnh và khối lượng của anh ta càng tăng thì anh ta càng nghèo”(4); tha hóa trong hành vi lao động “lao động là cái gì đấy bên ngoài đối với người công nhân, không thuộc bản chất của anh ta; trong lao động của anh ta, anh ta không khẳng định mình mà phủ định mình…đó không phải là sự thỏa mãn nhu cầu lao động, mà chỉ là một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu khác chứ không phải nhu cầu lao động”(5); biến đổi đời sống có tính loài của con người thành phương tiện để duy trì đời sống cá nhân. Những luận điểm của C.Mác rất đanh thép, đấu tranh trực diện vào giới tư sản. Mặc dù đây là tác phẩm còn tồn tại dưới dạng bản thảo và vào thời kỳ đầu của quá trình hình thành học thuyết, song tác phẩm vẫn có những giá trị lý luận to lớn, là bước khởi đầu cho quá trình nghiên cứu của C. Mác về toàn bộ sự ra đời, vận động và biến đổi của chủ nghĩa tư bản. 

Tháng 4 năm 1845, Các Mác và Ph. Ăngghen gặp nhau tại Brucxen (Bỉ), hai ông cùng nhau viết tác phẩm Hệ tư tưởng Đức. Đây là tác phẩm viết chung đầu tiên của Ph. Ăngghen và Các Mác. Cả C.Mác và Ph. Ăngghen đều nhận thấy nền triết học Đức bị tri phối bởi tôn giáo, bởi nhà nước. Triết học Đức đã trói buộc xã hội vào một trật tự phi hiện thực, một thế giới quan phiến diện, phản khoa học, phục vụ cho tầng lớp thống trị. Điều này đã thôi thúc C.Mác và Ph. Ăngghen tìm một thế giới quan mới cho giai cập công nhân, chỉ rõ và vạch ra con đường đấu tranh để giải phóng giai cấp khỏi mọi xiềng xích của bóc lột. Tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” ra đời đã vạch trần, phê phán những quan điểm có tính chất siêu hình, duy tâm của các nhà tư tưởng Đức như: Hêghen, Phoiơbắc, B.Bauơ, Stiếcnơ, Hétxơ…Phê phán quan điểm triết học của Phoiơbắc, C. Mác và Ph. Ăngghen viết “khi Phoiơbắc là nhà duy vật thì ông không bao giờ đề cập đến lịch sử; còn khi ông xem xét đến lịch sử thì ông không phải là nhà duy vật.”(6) C. Mác và Ph. Ăngghen kịch liệt phê phán những quan điểm sai lầm của phái Hêghen, cả phái Hêghen trẻ và phái Hêghen già thông qua việc chỉ ra những quan điểm sai lầm của đại diện các trường phái này mà tiêu biểu là B.Bauơ, Stiếcnơ “không thể đập tan được mọi hình thái và sản phẩm của ý thức bằng sự phê phán tinh thần…mà chỉ bằng việc lật đổ một cách thực tiễn những quan hệ xã hội hiện thực đã sản sinh ra tất cả những điều nhảm nhí duy tâm đó; rằng không phải sự phê phán mà cách mạng mới là động lực của lịch sử, của tôn giáo, của triết học và của mọi lý luận khác.”(7) Không chỉ phê phán các nhà tư tưởng Đức, C.Mác và Ph. Ăngghen qua tác phẩm Hệ tư tưởng Đức còn khẳng định quan điểm cụ thể duy vật về lịch sử, chỉ rõ điểm xuất phát của quan điểm duy vật lịch sử là con người hiện thực “những tiền đề xuất phát của chúng tôi, không phải những tiền đề tùy tiện, không phải là giáo điều; đó là những tiền đề hiện thực mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ”(8). Với quan điểm này, C.Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ vấn đề học thuyết của các ông là vấn đề con người và hơn thế nữa mục đích lớn nhất của học thuyết C.Mác và Ph. Ăngghen là giải quyết vấn đề con người, cải tạo thế giới hiện thực. C.Mác và Ph. Ăngghen kịch liệt phê phán các nhà triết học Đức khi rời xa vấn đề có tính nguyên tắc trong nghiên cứu triết học này, tức là rời xa con người hiện thực “hoàn toàn trái với triết học Đức là triết học từ trên trời đi xuống đất, ở đây chúng ta từ dưới đất đi lên trời, tức là chúng ta không xuất phát từ những điều mà con người nói, tưởng tượng, hình dung, chúng ta cũng không xuất phát từ những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng, trong biểu tượng của người khác, để từ đó mà đi tới những con người bằng xương, bằng thịt; không, chúng ta xuất phát từ những con người đang hành động hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của họ mà chúng ta mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy"(9). Hệ tư tưởng Đức đánh dấu sự ra đời một “thế giới quan mới” đó chính là quan niệm duy vật về lịch sử - một cuộc cách mạng vĩ đại trên lĩnh vực triết học của C. Mác và Ph.Ăngghen.

Cuối năm 1847 đến đầu năm 1848, C. Mác và Ph.Ăngghen viết chung bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trên cơ sở tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản của Ph.Ăngghen. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thực hiện nhiệm vụ chính trị công khai quan điểm, mục đích của những người cộng sản để đập tan sự chống phá, xuyên tạc về chủ nghĩa cộng sản “những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”(10). Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trình bày sáng rõ chủ nghĩa Mác, khẳng định sự vận động và phát triển của xã hội loài người diễn ra theo quy luật khách quan và lịch sử tất yếu sẽ cho ra đời một xã hội mới – xã hội cộng sản. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trở thành ngọn cờ lý luận của toàn thể giai cấp công nhân trên thế giới, là tiền đề tư tưởng cho sự ra đời và đấu tranh có tính tự giác của phong trào công nhân thế giới.

Tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta được C.Mác viết vào đầu năm 1875, khi ông nhận được bản dự thảo Cương lĩnh(11) của Đảng Dân chủ xã hội Đức và Hội liên hiệp công nhân toàn Đức do Ph. Látxan – một trong những người sáng lập Hội liên hiệp công nhân toàn Đức gửi đến. Tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta là tác phẩm bút chiến chống chủ nghĩa cơ hội của C. Mác. Tác phẩm này là những phản biện của C.Mác về dự thảo Cương lĩnh Gôta. Những điều C.Mác chỉ ra đối với bản Cương lĩnh Gôta mặc dù phần lớn không được Đảng Dân chủ xã hội Đức tiếp nhận nhưng đó thực sự là những quan điểm tiến bộ và cách mạng của C.Mác.

Tác phẩm lớn nhất trong cuộc đời của C. Mác là Bộ Tư bản. Đây là tác phẩm C. Mác làm việc cật lực trong suốt 40 năm từ giữa thế kỷ XIX cho đến khi ông qua đời. Bộ Tư bản là một tác phẩm đồ sộ, dài hơn 4000 trang gồm 04 quyển: quyển I (quá trình sản xuất tư bản) được xuất bản bằng tiếng Đức lần đầu vào năm 1867, sau đó tác phẩm được dịch ra 14 thứ tiếng, tái bản 138 lần với hơn 5,6 triệu bản; quyển II (quá trình lưu thông); quyển III (toàn bộ quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa); quyển IV (phê phán lịch sử giá trị thặng dư). Bộ Tư bản là một công trình nghiên cứu công phu, đầy đủ nhất về sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, quá trình sản xuất của chủ nghĩa tư bản, sự tiêu vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản…Trong Bộ Tư bản, chủ nghĩa tư bản bị C.Mác bóc trần, bị phơi bày bản chất bóc lột trước công luận toàn thế giới. Cho đến hôm nay, các học giả tư bản tìm mọi lý lẽ để giải thích khác đi quá trình sản xuất giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản nhưng vẫn không làm thay đổi được bản chất của quá trình sản xuất đó mà C.Mác đã chỉ ra. Học thuyết giá trị thặng dư mãi vẫn là “hòn đá tảng” của chủ nghĩa Mác – Lênin, là bộ mặt thực của quá trình sản xuất trong chủ nghĩa tư bản.

Suốt cuộc đời của C.Mác, ông đã phục vụ toàn tâm, toàn ý cho hoạt động nghiên cứu, những nguyên lý có tính cách mạng và khoa học được ông phát hiện đã vạch ra một con đường đấu tranh cho giai cấp lao động, cho các dân tộc bị áp bức. C.Mác là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại, ông là một trong ba nhà lý thuyết kinh tế được đánh giá có ảnh hưởng nhất trong lịch sử(12). C.Mác đã chỉ ra bản chất, chỉ ra quy luật, chỉ ra khuynh hướng của tất cả các sự vận động nói chung của tự nhiên, xã hội và con người. Những lý giải của C.Mác được xây dựng và lập luận một cách chặt chẽ, thuyết phục dựa trên những thành tựu phát triển chung của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Cái cuối cùng và sâu xa nhất của học thuyết mà C.Mác là một trong những người đặt nền móng đầu tiên là hướng tới con người, vì con người. 

----------------------------------------

1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 1, tr. 572
2. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 1, tr. 572-573
3. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 1, tr. 579
4. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, tập 42, tr. 128 
5. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, tập 42, tr. 128, 129
6. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 3, tr. 64
7. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 3, tr. 54
8. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 3, tr. 28, 29
9. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 3, tr. 37,38
10. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995, tập 4, tr. 595
11. Đảng Dân chủ xã hội Đức và Hội liên hiệp công nhân toàn Đức dự kiến tổ chức đại hội hợp nhất tại thành phố Gotha, bang Thuringen, Đức. Cương lĩnh tại đại hội này vì thế được C. Mác gọi là Gotha (Gôta). C.Mác đã chỉ ra những sai lầm của bản cương lĩnh này.
12. A.Dam Smith (1723 – 1790) với tác phẩm Của cải của các dân tộc; Karl Marx (1818 – 1884) với tác phẩm Bộ Tư bản; John Maynard Keynes (1883-1946) với  Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ.

 

TS. Hồ Viết Hùng
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
 

Tag:

File đính kèm