Sign In

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, vận dụng tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện nay

10:22 12/04/2024
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng lãnh đạo nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với vô vàn khó khăn, thử thách, trong đó những tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân – phong kiến là một vấn đề vô cùng phức tạp. Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới” nhằm tuyên truyền, giáo dục nhân dân xây dựng lối sống tiến bộ, văn minh, bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu.



Cách đây 77 năm, vào tháng 3/1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm sau đó được Ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản về mục đích, nội dung, phương pháp xây dựng đời sống mới của cộng đồng dân cư đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách ngắn gọn, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện.

Tác phẩm "Đời sống mới" ra đời trong một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được chính quyền, nhưng những tàn dư văn hóa thực dân - phong kiến lạc hậu, tệ nạn xã hội lan tràn khắp nơi, trình độ dân trí thấp kém do hậu quả từ chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Thêm vào đó, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, từ cuối năm 1946 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại buộc phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ. Trước những khó khăn, thử thách chồng chất ấy, tác phẩm "Đời sống mới" ra đời như một làn gió mát lành thổi vào lòng dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quan trọng xây dựng nền móng cho công cuộc kháng chiến - kiến quốc thành công.

Ngoài lời tựa, Tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự từ I đến XIX, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo cách hỏi - đáp đơn giản, súc tích, rõ ràng.

Trước hết, trong phần đầu tiên của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục đích của thực hành đời sống mới đơn giản chỉ là: "Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn".(1) 

Phương châm thực hiện đời sống mới cũng được xác định rất dễ hiểu, đó là: "Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hi sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mỗi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc".(2)

Về đối tượng của thực hành đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đời sống mới có thể chia làm hai thứ. Một là đời sống riêng của từng người. Hai là đời sống chung của tập thể, của cộng đồng dân cư. Từ đó, nội dung của thực hành đời sống mới cũng được nêu ra một cách rất cụ thể, như đời sống mới đối với cá nhân, đời sống mới trong gia đình, đời sống mới trong làng, đời sống mới trong trường học, đời sống mới trong bộ đội, đời sống mới trong công sở, đời sống mới trong xưởng máy.

Về cách thức thực hiện đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: "Trước hết phải tuyên truyền, giải thích và làm gương", "tốt nhất là miệng nói, tay làm", "nếu miệng mà tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích".(3)  

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh về phương pháp tổ chức thực hiện, đó là: "Lúc số đông quốc dân chưa hiểu, chưa làm đời sống mới, thì tuyệt đối không nên bắt buộc. (...) Đến khi đại đa số đồng bào đã theo đời sống mới, chỉ còn số rất ít không theo, khuyên mãi cũng không được, lúc đó có thể dùng cách cưỡng bức, bắt họ phải theo".(4)

Có thể nói, mặc dù trình bày rất ngắn gọn, cô đọng, song tác phẩm đã khái quát một cách đầy đủ nhất những vấn đề lý luận của phong trào xây dựng đời sống mới. Văn phong hỏi - đáp gần gũi, cùng với những ví dụ minh họa dễ hiểu đã giúp cho những vấn đề lý luận trở nên vô cùng đơn giản, dễ dàng để quần chúng tiếp thu và thực hành.

Ngày nay nhìn lại, có thể thấy giá trị thực tiễn to lớn của tác phẩm “Đời sống mới” trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. 

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhờ thực hành đời sống mới mà Đảng và Nhà nước ta đã phát huy được sức mạnh của cả dân tộc, không những cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, mà còn tạo cơ sở vững chắc để củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng chính nhờ công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (thực chất là sự tiếp tục triển khai tác phẩm “Đời sống mới” trong bối cảnh mới) mà miền Bắc đã chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, thực hiện tốt vai trò hậu phương lớn, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta vẫn đặc biệt quan tâm đến việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành đời sống mới, đề ra chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng xã hội Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh. Phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chính là một trong bốn nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Tháng 11/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong đó đã đề ra các nội dung cụ thể nhằm góp phần không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Phương thức thực hiện của phong trào là Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó gắn từng nội dung của Cuộc vận động với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Nhìn một cách khái quát, có thể thấy rõ, phong trào này chính là bước phát triển nối tiếp của việc thực hành đời sống mới trước kia, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nội dung phong trào đã được triển khai sâu rộng, được các cấp, các ngành vận dụng sáng tạo, người dân tự giác thực hiện nghiêm túc. Có thể khái quát một số kết quả chính của phong trào như sau:

Một là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy truyền thống, tương thân tương ái.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường đã được duy trì và nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự đã được áp dụng và nhân rộng ở nhiều nơi như: “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Hàng rào an ninh”, “Tổ tự quản”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, “Xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa”... đã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở nhiều địa phương. 

Năm là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thực hiện hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội với nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Tuy nhiên, từ việc tổng kết thực tiễn có thể thấy việc triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: 

- Ở một số địa phương, việc triển khai và thực hiện các văn bản chỉ đạo chưa kịp thời, chưa đầy đủ, một số nơi gặp khó khăn, lúng túng trong công tác tổ chức thực hiện. Nhiều nội dung của phong trào mới chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản, các cơ quan, tổ chức chưa tích cực vận động để người dân nắm vững các tiêu chí và triển khai thực hiện,

- Công tác truyền thông về thực hiện phong trào chưa đạt hiệu quả tích cực, tại một số địa phương còn xảy ra hiện tượng chạy theo chỉ tiêu, chạy theo thành tích, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư và xã hội. Việc đăng ký xây dựng gia đình, làng, thôn, ấp văn hóa ở một số nơi còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng; tình trạng bạo lực có dấu hiệu ngày càng phổ biến; một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một; các tiêu cực, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp…

- Vẫn còn hiện tượng chưa xác định được chủ thể "toàn dân" của phong trào, do đó còn có ban, ngành, đoàn thể coi phong trào là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, chưa chủ động trong việc thực hiện các nội dung tuyên truyền, vận động; công tác phối hợp trong triển khai thực hiện phong trào có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, chưa rõ nhiệm vụ được phân công cho từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngày nay nhìn lại giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đời sống mới”, có thể rút ra một số kinh nghiệm vận dụng cho công tác triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cụ thể như sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp nên biên soạn những tài liệu tuyên truyền nhỏ gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện giống như tác phẩm "Đời sống mới" của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền đến người dân bằng các hình thức khác nhau. Những nội dung thực hiện không nên chung chung, trừu tượng mà cần cụ thể hóa thành những công việc có thể dễ dàng thực hiện được hàng ngày như cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại... để ai cũng có thể hiểu, ai cũng có thể thực hiện. Công tác tuyên truyền cần tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục, tuyệt đối không được lơ là, chểnh mảng. Có như vậy thì phong trào mới thiết thực, mới có thể đi sâu vào đời sống người dân.

Thứ hai, phải chú ý chấn chỉnh việc xây dựng các điển hình tiên tiến (gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa..). Việc tuyên dương các điển hình tiên tiến nhất định phải thực chất, không chạy theo số lượng. Chấp nhận tuyên dương ít mà xứng đáng, còn hơn tuyên dương tràn lan mà chẳng hề có tác dụng lan tỏa, như một số đơn vị, địa phương hiện nay đang mắc phải. Rõ ràng, trong tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc làm sao các nội dung được triển khai một cách thiết thực nhất trong đời sống, chứ không phải chạy theo cái hình thức bên ngoài. Đây là điều rất quan trọng có thể dễ dàng rút ra khi nghiên cứu tác phẩm này.

Thứ ba, cần xây dựng một đội ngũ cán bộ hết lòng vì công việc, biết hi sinh lợi ích cá nhân vì tập thể. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh phương pháp triển khai phong trào là “trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương”.(5) Muốn làm gương thì trước hết phải có một đội ngũ cán bộ gương mẫu, miệng nói tay làm, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đây là một việc không hề dễ dàng, nhưng lại là nhân tố quyết định đến chất lượng của phong trào, do đó các cấp ủy Đảng cần phải hết sức chú ý.

Thứ tư, như trong tác phẩm "Đời sống mới" đã thể hiện, cách vận động người dân cần phải linh hoạt. Nếu đa số người dân chưa hiểu, chưa thực hiện thì cần phải cố gắng tuyên truyền, giải thích, lấy yếu tố tự nguyện làm đầu. Tuy nhiên, khi điều kiện cho phép thì cũng cần phải cứng rắn, có biện pháp cưỡng chế những hành vi lệch chuẩn, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Mềm mỏng nhưng không nhu nhược, chỉ có làm được như vậy thì việc triển khai phong trào mới có hiệu quả cao.

Tóm lại, tuy ra đời cách đây đã 77 năm, tuy nhiên những vấn đề mà tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang bị mai một, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tất cả các yếu tố đó đã và đang ngày ngày tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Việc tổ chức triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hiện nay tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song có nơi, có lúc vẫn chưa học tập và làm theo được hết các vấn đề mà Bác đã đề cập đến trong tác phẩm “Đời sống mới”. Chính vì vậy, nghiên cứu, quán triệt tác phẩm này cũng là một việc làm thiết thực để thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thời gian tới ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn nữa, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
-----------------------------------

1. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr 113.
2. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 113.
3. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 126.
4. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 126 - 127
5. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 125.

ThS. Trần Ngọc Sáng - Trường Chính trị tỉnh

Tag:

File đính kèm