Sign In

Bút ký triết học – Tác phẩm bút chiến của Lênin bảo vệ và phát triển học thuyết của C.Mác, Ph.Ăngghen

10:39 30/05/2024
Bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nội dung nhiệm vụ cốt lõi của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa là một nhiệm vụ của người đảng viên, vừa là một thực tiễn gay gắt đặt ra, đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng ta hiện nay. Các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện ồ ạt tấn công vào Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc nghiên cứu, luận giải và làm sáng tỏ những giá trị tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một cách tốt, hiệu quả nhất để giúp cán bộ, đảng viên góp phần bảo vệ và đấu tranh phản bác lại các luận điểm sai trái, thù địch. Trong toàn bộ sự nghiệp của cách mạng, V.I. Lênin đã giành một sự quan tâm rất lớn cho việc viết bút chiến, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, tác phẩm Bút ký triết học là một trong những tác phẩm xuất sắc để bảo vệ học thuyết của C. Mác, Ph. Ăngghen.

V.I.Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo


Từ khi Chủ nghĩa Mác ra đời đã gặp phải sự chống phá quyết liệt của các nhà tư tưởng tư sản. Căn nguyên sâu xa việc chống phá chính là sự đối lập tư tưởng giữa chủ nghĩa Mác với tư tưởng tư sản. Sự đối lập tư tưởng mấu chốt ở quan điểm của  C.Mác muốn xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chính là xóa cái nguồn gốc của mọi áp bức bất công, trong khi các nhà tư tưởng tư sản muốn duy trì chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, muốn thiết lập một kiến trúc thượng tầng trên cơ sở đó và duy trì việc áp bức, bóc lột. 

Thời kỳ C. Mác và Ph. Ăngghen còn sống, việc chống học thuyết chủ nghĩa Mác tập trung vào chống C. Mác và Ph.Ăngghen. Nhà nước Phổ phải vội vàng đóng cửa tờ Báo Mới tỉnh Ranh, cơ quan của phái dân chủ do C. Mác làm Tổng Biên tập nhằm ngăn chặn những tư tưởng tiến bộ đến với đông đảo công chúng, cực đoan hơn là họ trục xuất C. Mác ra khỏi nước Đức, buộc một trí thức tiến bộ, một nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp cần lao phải sống lưu vong suốt đời ở nước ngoài. 

Khi C.Mác và Ph. Ăngghen mất, bọn phản bội, cơ hội trong Quốc tế II trỗi dậy đả kích, chống phá; lãnh tụ Quốc tế II thiếu vững vàng trong việc đánh giá chủ nghĩa tư bản, nhất là khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc. Việc chống phá học thuyết lại núp dưới một hình thức khác tinh vi hơn đó là sự giải thích sai lệch những quan điểm, tư tưởng của các ông. 

Tại nước Nga, ngay sau cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công, các nhà tư tưởng dưới danh nghĩa “dân chủ xã hội”, “chủ nghĩa Mác chân chính” đã bằng nhiều thủ đoạn cố tình tìm cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác. Đại diện tiêu biểu cho những người chống chủ nghĩa Mác lúc bấy giờ là Plekhanốp, nhà triết học nổi tiếng, người đã từng cùng V.I. Lênin sáng lập báo Tia lửa và sau trở thành người lãnh đạo phái Menshevik chống những người cách mạng thuộc phái Bolshevik do Lênin lãnh đạo; Mikhailốpxki, một đại diện tiêu biểu của phái dân túy Nga, thậm chí còn cho rằng C.Mác không hề có tác phẩm nào về chủ nghĩa duy vật lịch sử, tức là tước đoạt gần như toàn bộ giá trị và đóng góp của C. Mác cho lịch sử. Khi Mikhailốpxki nêu luận điểm này, nhiều người cho là đúng, vì trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng C. Mác không viết một tác phẩm, một bài viết nào có tựa đề là “chủ nghĩa duy vật lịch sử”.  V.I. Lênin trong tác phẩm: “Những người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao? đã thẳng thắn khẳng định Mikhailốpxki  không hiểu gì về bộ Tư bản, khi trong lời tựa C. Mác đã khẳng định “quan điểm của tôi là ở chỗ tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(1), đây chính là sự khẳng định rất rõ quan điểm duy vật lịch sử của C.Mác;  Cau-Xky lãnh đạo của Quốc tế II lúc bấy giờ cũng tìm mọi cách xuyên tạc những quan điểm cách mạng của C.Mác và Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã viết tác phẩm Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau – Xky, chỉ mặt những tên phản bội, những kẻ “thừa nhận chủ nghĩa Mác ngoài miệng” bằng  nhận định xác đáng “Người ta dùng những lời ngụy biện trắng trợn để chút bỏ hết tinh thần sinh động, cách mạng của chủ nghĩa Mác; trong chủ nghĩa Mác, người ta thừa nhận tất cả mọi cái, chỉ trừ những phương sách đấu tranh cách mạng, trừ việc tuyên truyền và và chuẩn bị cho những phương sách đấu tranh đó, việc giáo dục quần chúng theo đúng hướng đó”(2).

Tình hình chống phá chủ nghĩa Mác rất phức tạp, V.I. Lênin một mặt viết các tác phẩm phản bác ngay những quan điểm sai trái, một mặt ghi chép cẩn thận, chú thích những điểm cần phải làm rõ trong một tập tài liệu riêng suốt hơn 20 năm (từ năm 1895 – 1916). Tập Bút ký này sau đó được xuất bản thành sách với tên gọi Bút ký triết học. 

Bút ký triết học là một tác phẩm bút chiến xuất sắc của V.I. Lênin, tác phẩm không chỉ bảo vệ những quan điểm tư tưởng tiến bộ C.Mác và Ph. Ăngghen mà còn bổ sung, luận giải và phát triển học thuyết trên những luận cứ thực tiễn của cách mạng Nga.

Nội dung cơ bản của tác phẩm Bút ký triết học là phép biện chứng duy vật, những quy luật và những phạm trù cơ bản của nó, lịch sử hình thành và ý nghĩa của chúng đối với khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

Phép biện chứng duy vật là khoa học lý luận về nhận thức, là cách thức, con đường nhận thức bản chất sự vật, hiện tượng. Phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác đã được C.Mác và Ph. Ăngghen trình bày trong tác phẩm Chống Đuy – rinh và Ph. Ăngghen làm rõ trong tác phẩm nổi tiếng Biện chứng của tự nhiên. Tuy nhiên, trong Bút ký triết học V.I. Lênin đã trình bày phép biện chứng một cách toàn diện và rõ ràng hơn, ông nêu 16 yếu tố của phép biện chứng duy vật và toàn bộ các quan niệm về phép biện chứng dựa trên cơ sở quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập “Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập”(3), ở một nghĩa cụ thể, phép biện chứng là sự nghiên cứu mâu thuẫn ngay trong bản chất của các đối tượng. V.I. Lênin lưu ý, phép biện chứng đòi hỏi rất khắt khe, nhiều yếu tố nên trong hoạt động thực tiễn của nhận thức sự vật, hiện tượng bằng phép biện chứng duy vật cũng là rất khó, dễ rơi vào con đường nhận thức sai lầm. Phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện có ranh giới vô cùng mong manh, nó chỉ được phân một cái điểm là tính khách quan, tức là dựa vào thực tiễn, bắt nguồn từ thực tiễn là biện chứng “Tính linh hoạt toàn diện, phổ biến của các khái niệm, tính linh hoạt đến mức đồng nhất các mặt đối lập đấy là thực chất. Tính linh hoạt áp dụng một cách khách quan, nghĩa là phản ánh toàn diện quá trình vật chất và sự thống nhất của quá trình đó, thì đó là phép biện chứng, là sự phản ánh chính xác sự phát triển vĩnh viễn của thế giới”(4)

Cùng với phép biện chứng duy vật, tác phẩm Bút ký triết học của V.I. Lênin còn trình bày một cách khoa học về lý luận nhận thức. Khẳng định lý luận nhận thức là một khoa học khi nó dựa trên cơ sở của phép biện chứng duy vật, biện chứng của thế giới khách quan quy định biện chứng của quá trình nhận thức. V.I. Lênin nêu lên những nội dung cụ thể của lý luận nhận thức: chỉ ra con đường của nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan là “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”(5); V.I. Lênin khẳng định nhận thức là một qusá trình, không nên hình dung chân lý dưới một dạng đứng im, chết cứng; quá trình nhận thức biện chứng luôn luôn vận động, luôn luôn nảy sinh mâu thuẫn, không chỉ quá trình nhận thức của nhân loại trên tiến trình lịch sử là biện chứng mà quá trình nhận thức của con người cá biệt cũng là biện chứng “Không chỉ sự chuyển hóa từ vật đến ý thức mà cả từ cảm giác đến tư tưởng cũng là biện chứng”(6).

Tác phẩm Bút ký triết học của V.I. Lênin khẳng định tính chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, là lý luận để nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời là tác phẩm bút chiến chống lại chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong Quốc tế II mưu toan phủ nhận chủ nghĩa Mác nói chung và triết học Mác nòi riêng. 

Một số vấn đề thực tiễn cán bộ, đảng viên cần quan tâm nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Một là, hiện nay các thế lực thù địch điên cuồng chống phá Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những cách phổ thông nhất, dân túy nhất như là bôi nhọ, xuyên tạc đời tư của những người sáng lập học thuyết, nhằm làm quần chúng nhân dân lao động dao động, mất niềm tin. Cách này dễ thực hiện nhưng lại có tác động to lớn đến tư tưởng của đông đảo quần chúng, bằng chứng là nhiều câu chuyện không có thực, có ý nói xấu lãnh đạo vẫn cứ âm thầm truyền từ người này qua người khác. Khắc phục việc này, cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, cảnh giác cao độ, không lấy những câu chuyện phiếm, không có căn cứ về những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành để nói cho vui, vô hình chung cổ vũ, tiếp tay cho sự chống phá tư tưởng của Đảng. Không nói những việc chưa được kiểm chứng và không nghe người khác nói về những việc đấy chính là một mặt quan trọng trong văn hóa chính trị mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải chú ý quan tâm rèn luyện.

Hai là, xuất hiện cách chống phá Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh tinh vi hơn chính là đem đối lập tư tưởng của những người sáng lập và thực hiện lãnh đạo theo học thuyết này. Đem đối lập C. Mác và V.I. Lênin để phủ nhận cả C. Mác và V.I. Lênin; đem đối lập C. Mác - Lênin với Hồ Chí Minh để phủ nhận cả C. Mác, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh. Cách này phức tạp hơn, những người chống đối đều có hiểu biết nhất định về Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cách chống Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh này nhằm tác động chủ yếu vào tầng lớp trí thức, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để chống lại sự xuyên tạc này, cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc trong học tập nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó cần phải hiểu rõ về bối cảnh lịch sử, về thân thế, sự nghiệp của những người sáng lập học thuyết để thấy sự hy sinh to lớn của các ông cho một mục tiêu, lý tưởng cách mạng là giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột; hiểu rõ những giá trị tư tưởng có sức sống trường tồn của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng và củng cố niềm tin vào lý tưởng cách mạng. 

------------------------------------------

1. V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005,t1,tr.154
2. Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau – Xky, NXb. Tiến bộ, 1994, tr.6
3. V.I.Lênin: toàn tập; Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t29, tr.240
4. V.I.Lênin: toàn tập; Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t29, tr.117
5. V.I.Lênin: toàn tập; Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t29, tr.179
6. V.I.Lênin: toàn tập; Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t29, tr.303

 


Tài liệu tham khảo
- V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005,t1.
- V.I.Lênin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau - Xky, Nxb. Tiến bộ, 1994.
- V.I.Lênin: Toàn tập; Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t29.

TS. Hồ Viết Hùng
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
 

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều