Vấn đề vụ việc phát sinh, nảy sinh trên không gian mạng thời gian qua, đã làm rõ hơn một số vấn đề thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tình hình đó, đặt ra những yêu cầu mới phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả. Trong đó, quan trong nhất là các yêu cầu về kỹ năng tiếp cận thông tin trên không gian mạng; về ngăn ngừa, xử lý những tình huống phát sinh về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và vấn đề đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, trong giai đoạn hiện nay...
Thời gian gần đây, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến những vụ việc phát sinh trong đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo, dân tộc đã nhanh chóng tạo thành một hiện tượng “nổi đình nổi đám” trên không gian mạng. Hàng trăm, hàng ngàn trang mạng xã hội trong và ngoài nước tổ chức đăng tải, chia sẻ; hàng triệu người quan tâm, theo dõi, bình luận, bày tỏ quan điểm, ý kiến. Đáng nói hơn, trên không gian mạng xuất hiện nhiều diễn đàn tập trung số lượng lớn những người bất đồng quan điểm có những phát ngôn kích động, thách thức bạo lực, tìm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh diễn biến xấu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở quy mô lớn...
|
Đại lễ Phật Đảng |
Xem xét vụ việc từ phương diện là “một hiện tượng mạng xã hội”, ta thấy nổi lên một số vấn đề thực tế cần quan tâm trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong tình hình hiện nay.
Đó là, khả năng dân dắt, thao túng người dân và cộng đồng của “truyền thông mạng xã hội ” ngày càng đáng báo động, tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát, khủng hoảng. Có thể nói việc biến một điều bình thường thành bất thường, người bình thường thành lập dị, việc bình thường thành khác biệt, sự kiện bình thường thành hiện tượng... là những điều mà hiện nay “truyền thông mạng xã hội” hoàn toàn có thể làm được. Cộng đồng mạng xã hội và người dân đang “chìm ngập” trong một thế giới thông tin “hỗn tạp” với một mớ “hỗn độn” những ý kiến, phát ngôn, nhận định, đánh giá cảm tính, riêng lẻ từ các các cá nhân tham gia mạng xã hội. Trong đó, ghét có, thương có, bênh vực có, đả kích có, tôn sùng có, bôi nhọ có... Những thông tin đó có thật, có giả, có đúng, có sai, hoặc chỉ đúng, sai một phần cũng có... Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là chưa có cái chuẩn mực, khuôn mẫu nào để đo, đếm sự đúng, sai, thật, giả đó cả.
Người dân và cộng đồng đang bị “truyền thông mạng xã hội” dẫn dắt, thao túng, nhưng sự dẫn dắt, thao túng đó không theo một đường hướng đúng đắng, rõ ràng, cụ thể nào. Những người làm truyền thông mạng xã hội, thông qua các kênh truyền thông của mình ra sức tranh giành sự ảnh hưởng, khiến “Cuộc chạy đua tranh nhau lượt theo dõi, tương tác” ngày càng trở nên khốc liệt, bất chấp nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích cá nhân, hoặc bị chi phối bởi động cơ nào đó. Việc người dân và cộng đồng phải hàng ngày tiếp cận, theo dõi những luồng thông tin “hỗn tạp”, không phân định thật - giả, đúng - sai như thế là hết sức nguy hiểm. Những thông tin đó đang tác động vào nhận thức của mỗi người, là mầm móng để phát sinh những suy nghĩ, hành động lệch lạc, tiêu cực.
Đó là, tình hình trật tự xã hội bị ảnh hưởng, an ninh chính trị bị đe dọa. Hưởng ứng “trào lưu” trên không gian mạng nhiều người dân đã tin theo, sùng bái, học theo, với xu hướng ngày càng đông, ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều livestream bóc phốt, kích động, thậm chí thách thức lẫn nhau vì bất đồng quan điểm... Tất cả những điều đó, tìm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên cả thực địa và trên không gian mạng.
Về an ninh chính trị những nguy cơ tìm ẩn là vô cùng to lớn và khó đoán định với những thủ đoạn lợi dụng các vấn đề, vụ việc phát sinh để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta của các thế lực thù địch trên không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Với bản chất cố hữu của mình, đối với các thế lực thù địch, thì đây là “miếng mồi bèo bở”, là “cơ hội vàng”, là “thời cơ ngàn năm có một”... để thực hiện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Các kênh truyền thông báo chí và truyền thông mạng xã hội của các thế lực thù địch như: VOA, RFA, RFI, BBC, Việt Tân... đồng loạt “lên bài” xuyên tạc, chống phá.
Một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới
Vấn đề tiếp cận thông tin trên không gian mạng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng mạng xã hội, có thể thấy, trong thời đại ngày nay,
không gian mạng có một số đặt tính cơ bản như: thứ nhất, không gian mạng là không gian mới, không gian hoạt động thứ tư của con người. Ngày nay con người ngoài hoạt động trên các không gian mang tính truyền thống (như trên (dưới) mặt đất, trên khoảng không, trên (dưới) mặt nước) thì không gian mạng cũng là không gian để con người hoạt động. Tất cả những hoạt động của con người trên đời thật, ngày nay đều đã được dịch chuyển lên không gian mạng; thứ hai, không gian mạng tuy là “không gian ảo” nhưng có “tác động thật” đối với đời sống xã hội. Ta thấy, nếu xét một cách toàn diện thì bất cứ thông tin nào đăng tải trên không gian mạng cũng có tác động ngược lại đối với xã hội (có thể là tác động tích cực hoặc tiêu cực, có thể là tác động nhiều hoặc ít, có thể là tác động ở phạm vi rộng hoặc phạm vi hẹp...); thứ ba, thông tin trên không gian mạng là vô cùng đa dạng, phong phú nhưng độ chính xác của nó chỉ là tương đối. Ở Việt Nam hiện nay, việc kiểm soát, quản lý nội dung thông tin đăng tải trên không gian mạng còn tương đối lỏng lẽo, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra; các biện pháp, hình thức chế tài đối với hành vi sai trái trên không gian mạng cũng chưa đủ sức răn đe. Mặc dù chúng ta đã có Luật An ninh mạng và các quy định mang tính pháp lý có liên quan nhưng nhìn chung còn khá mới mẽ, xa lạ đối với một bộ phận người dân, nên chưa phát huy được hiệu quả trong triển khai thực hiện... Những điều này là nguyên nhân làm cho độ chính xác của thông tin trên không gian mạng không đáng tin cậy như thông tin trên các loại hình truyền thông báo chí; thứ tư, không gian mạng luôn luôn tồn tại một lượng thông tin “xấu”, “độc” nhất định. Không gian mạng là một dạng của xã hội nên không thể đạt được tình trạng “tuyệt đối không có thông tin xấu độc”. Chúng ta muốn tạo ra một không gian mạng mà trên đó 100% thông tin đều thuận chiều, có lợi cho Đảng, cho đất nước, cho chế độ, cho xã hội gần như là “điều không tưởng”. Điều mà chúng ta làm được là tạo ra một không gian mạng trong đó thông tin tích cực ngày càng nhiều, càng chiếm ưu thế, đồng thời các thông tin tiêu cực, xấu độc được hạn chế đến mức thấp nhất có thể; thứ năm, không gian mạng còn là một “mãnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch “ươm, gieo mầm chống phá”. Lợi dung những tiện ích của không gian mạng, các thế lực thù địch cho lan tỏa các quan điểm sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta...
Với những đặc tính như thế nên vấn đề tiếp cận thông tin trên không gian mạng cũng cần phải có một số kỹ năng nhất định. Muốn có được kỹ năng đó, trước hết mỗi người dân, cộng động mạng phải trang bị cho mình một “bộ lọc thông tin”. “Bộ lọc thông tin” được cấu thành bởi 03 chi tiết cơ bản đó là: (1) kiến thức cơ bản về nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; (3) các chuẩn mực về quan điểm, đường lối, về pháp luật, về đạo đức, văn hoá, xã hội, thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục.. (3) khả năng tự tìm hiểu, đối chiếu, rà soát, kiểm chứng từ các nguồn tin để biết được thông tin nào là đúng, thông tin nào là sai và bản chất thực sự của vấn đề là gì?. Nếu người dân và cộng đồng có được bộ lọc thông tin này sẽ trở nên miễn nhiễm trước các luồng thông tin “xấu”, “độc” trên không gian mạng.
Ngoài việc trang bị cho mình “bộ lọc thông tin”, người dân và cộng đồng cần tránh “bị mất phương hướng” khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng. cộng động mạng xã hội và người dân được tiếp cận rất nhiều thông tin từ nhiều luồng, nhiều kênh khác nhau, nhưng cái thiếu cơ bản nhất, cốt lõi nhất đó là thiếu thông tin chính thống. Thiếu một sự định hướng đúng đắng về vụ việc. Điều này dẫn đến tình trạng người dân và cộng đồng mạng xã hội bị mất phương hướng trong tiếp cận thông tin, nhận thức không đúng về bản chất sự việc dẫn đến suy nghĩ và hành động lệch lạc, không phù hợp, tạo nên một cảnh tượng ồn ào, phản cảm cả trên thực địa và trên không gian mạng. Giải pháp đặt ra để giải quyết tình trạng này chính là phải xác định được nguồn thông tin chính thống. Xác định thông tin chính thống từ đâu? Từ các báo chí truyền thông chính thống, từ các người có thẩm quyền, nhiệm vụ liên quan, từ nhân vật, người ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn tin, từ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đáng tin cậy...
Một vấn đề nữa cần phải tránh khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng đó là tránh “bội thực thông tin”. Muốn tránh “bội thực thông tin” phải rèn luyện thói quen tiếp cận thông tin một cách chủ động, theo hệ thống, có mục đích rõ ràng, loại bỏ dần thói quen tiếp nhận thông tin qua những gì hiển thị trước mắt trên các thiết bị điện tử. Chủ động sàng lọc, loại bỏ những luồng thông tin vô bổ, không cần thiết, không đáng tin tưởng, thiếu các giá trị chuẩn mực xã hội...
Đó là những thông điệp dành cho người tham gia mạng xã hội, đối với góc độ của những nhà quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến không gian mạng và những hành vi ứng xử trên không gian mạng theo hướng rõ ràng, chặt chẽ, sát thực tiễn. Tăng cường các giải pháp công nghệ, thường xuyên rà quét thông tin trên không gian mạng, nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn tận gốc nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các trang mạng độc hại. Tăng cường gỡ bỏ các bài viết, trang mạng xã hội có nội dung thông tin xấu độc, không phù hợp, gây bất lợi cho xã hội.
Kịp thời cung cấp thông tin chính thống, tạo thế dẫn dắt dư luận ngay khi vấn đề vụ việc mới phát sinh. Phải tạo được dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm trai trái, thù địch trên Internet, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân có thể nhận thức, nhận diện thông tin sai trái, thù địch. Một khi đã nhận thức được đúng sai của thông tin thì mỗi công dân mạng xã hội tự khắc sẽ điều chỉnh bản thân, tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng mạng xã hội về những đặc tính của không gian mạng và các kỹ năng tiếp cận thông tin trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay. Quán triệt sâu sắc quan điểm, không gian mạng là không gian hoạt động quan trọng của loài người do đó, nên bất kỳ hoạt động nào của con người trên không gian mạng cũng đều có một sự ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng và xã hội. Từ đó nâng ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm đối với Đảng, đối với Nhà nước, đối với chế độ và công động xã hội.
Tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy định 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội. Khẳng định: việc triển khai thực hiện Quy định 85-QĐ/TW của Ban bí thư là trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
Vấn đề ngăn ngừa, xử lỷ các tình huống phát sinh về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,, khi một vấn đề vụ việc phát sinh trong đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tôn giáo, dân tộc, thường tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những tình huống về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cộng đồng mạng xã hội cũng chia ra nhiều phe phái nêu ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, gây tranh cãi, trong đó cũng có không ít người buông lời quá khích, kích động đòi bạo lực, thanh toán nhau do sự bất đồng gay gắt về mặt quan điểm.
Để ngăn chặn kịp thời diễn biến xấu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước các “hiện tượng” tương tự có thể xãy ra trong thời gian tới, các cấp nghành chức năng là chính quyền các địa phương một mặt cần tăng cường theo dõi, quản lý các đối tượng cộm cán trên địa bàn, có kế hoạch giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân có âm mưu tư tưởng xấu độc, thù địch; nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình để có phương án ứng phó kịp thời, phù hợp; nghiên cứu tham mưu ban hành các văn bản quy định về việc tập trung đông người phù hợp với xu hướng phát triển mới của xã hội; thường xuyên tổ chức diễn tập nâng cao chất lượng, kỹ năng về xử lý tình huống, tuyên truyền, vận động giải tán đám đông, tránh phát sinh những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, lợi dụng những tình huống phát sinh trong đời sống xã hội để đu bám, làm phức tạp tình hình, thực hiện âm mưu thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ là một âm mưu luôn được các thế lực thù địch triệt để áp dụng.
Các thế lực thù địch - Họ cố tình lờ đi, bỏ qua những Hiến định, quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật...”(1) là những quy định mang tính cốt lõi, toàn diện về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.
Các thế lực thù địch - Họ cố tình bỏ qua hoặc không nhận thấy được bức tranh toàn cảnh về tôn giáo Việt Nam. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự(2). Đồng bào tôn giáo và đồng bào người lương cùng chung sống ổn định, đoàn kết, cùng góp sứ xây dựng quê hướng, đất nước phồn vinh hạnh phúc. Ở mọi miền trên đất nước những ngày lễ như: Phật đản, Vu lan, Giáng sinh, Hội yến Diêu trì cung... đều có sự quan tâm, quan tâm, chúc mừng và tham gia của không chỉ của đồng bào tôn giáo, đồng bào người lương mà có cả sự thăm hỏi, chúc mừng, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương...
Các thế lực thù địch - Họ cố tình không quan tâm hoặc không biết về những đánh giá về tình hình tôn giáo của Việt Nam của các tổ chức, cá nhân uy tín trên thế giới như: Theo kết quả khảo sát của Viện Diễn đàn Pew có trụ sở ở Mỹ, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và sáu quốc gia ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao, nhưng tôn giáo Việt Nam không có sự xung đột tôn giáo gay gắt mà ngược lại, giao thoa lẫn nhau và gắn kết cùng cộng đồng dân cư xung quanh; Việt Nam được 02 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với số phiếu cao biểu hiện sự tín nhiệm của các nước trên thế giới với cách nhìn nhận đánh giá công tâm về tiến trình bảo đảm nhân quyền nói chúng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nói riêng; Quan hệ Việt Nam - Vatican được nâng cấp lên đại diện thường trú của Tòa thành tại Việt Nam và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh vừa qua cũng cho thấy sự công nhận tích cực của Vatican đối với chính sách tôn giáo của Việt Nam và tình hình đời sống tôn giáo tại Việt Nam.
Các thế lực thù địch - Họ cố tình bỏ qua hoặc không quan tâm những điều căn bản, toàn diện nêu trên. Nhưng lại chỉa mũi nhọn, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về những cáo buộc, những đánh giá thiếu khách quan, phiến diện từ các tổ chức, cá nhân bên ngoài có tư tưởng thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam cũng là điều thuộc về bản chất, hết sức bình thường, không cần phải bàn cãi.
Muốn làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề, vụ việc tương tự nảy sinh trong thời gian tới để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, trước hết cần tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong toàn hệ thống chính trị.
Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để củng cố vững chắc thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật trong nhận thức, phân tích, đánh giá và hoạt động thực tiễn, nhằm đấu tranh chống lại quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; thường xuyên cập nhật, nghiên cứu Cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực; nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng cho bản thân nền tảng tri thức đúng đắn, khoa học, cách mạng, đủ trình độ đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động; chủ động tiến hành nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao; không tham gia đánh giá, nhận xét, bình luận trên các trang mạng xã hội với các nội dung chưa được kiểm chứng; phát huy những ưu điểm, lợi ích của Mạng xã hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và nhà nước, quảng bá các hình ảnh, tấm gương người tốt, việc tốt đến với cộng đồng xã hội. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này đòi hỏi cán bộ, đảng viên một mặt cần vững vàng về lập trường, quan điểm, vững chắc về lý luận, am tường về thực tiễn, nhạy bén trong đánh giá, nhận định tình hình, đồng thời nhiệt huyết, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm của bản thân đối với Đảng, với đất nước, với chế độ và với cộng đồng, xã hội.
-----------------------------------------------------
1 . Điều 24 Hiến pháp 2013
2. Theo: Những thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 04/04/2023
Tài liệu tham khảo
1. Ban Bí thư (2013), Kết luận 57-KL/TW, ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
2. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu (2019), Đề án sổ 07-ĐA/TUvề “Nâng cao công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
3. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý.
4. Đỗ Đình Tấn (2017), Báo chí và mạng xã hội, Nhà xuất bản Trẻ.
5. Hội đồng Lý luận Trung ương (2015), Phê phán quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
6. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp, Hà Nội.
7. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật tín ngưỡng, tôn giáo
Bùi Vũ Quang Tấn