Với mục đích tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em có cơ hội phát triển một cách toàn diện về mọi mặt, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em. Chủ động phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai trong năm 2024:
|
Trường mầm non Châu Thành tổ chức Trung thu cho các cháu |
Một là, Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, hội thi,… về tuyên truyền các quyền của trẻ em; các kỹ năng phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích, sử dụng, bóc lột lao động trẻ em; các nội dung thuộc chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em khác. Truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương, Đường dây nóng 02543.829839 của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, các nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, thực hiện diễn đàn về bảo vệ, chăm sóc trẻ em với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em, cha, mẹ, trên các phương tiện truyền thông, môi trường mạng internet, các trang mạng xã hội. Biên tập và cấp phát tài liệu, tờ rơi, pano, áp phích, băng rôn, sổ tay,… cho trẻ em, phụ huynh, cộng đồng dân cư, cộng tác viên, cán bộ làm công tác trẻ em và các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Chú trọng truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng.
Hai là, Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về trẻ em cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, cộng tác viên cơ sở: Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở các cấp, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã trở thành các tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; xây dựng nhóm nòng cốt trẻ em tại cấp xã để nhân rộng hiệu quả tuyên truyền, giúp các em phát huy vai trò tuyên truyền cho chính bạn bè trong lớp, trường, địa phương mình. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, tạo điều kiện tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn, diễn đàn... do Trung ương, địa phương tổ chức hoặc đi học tập, trao đổi kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu tại các tỉnh bạn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, khảo sát nắm tình hình và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về trẻ em và bảo đảm quyền trẻ em ở địa phương, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục mầm non. Chú trọng vào các vấn đề nổi cộm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Ba là, Duy trì và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em: Tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em kết nối với các dịch vụ công tác xã hội, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở cả 03 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp); đặc biệt là Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tỉnh, văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện, điểm tư vấn, tham vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, văn phòng hoặc điểm tham vấn trong trường học, địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng tại các địa phương.
Bốn là, Xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khó khăn dựa vào cộng đồng: thực hiện miễn giảm học phí theo quy định, tặng học bổng, phương tiện và dụng cụ học tập… tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường. Hỗ trợ học nghề và trợ giúp việc làm theo quy định của pháp luật; khám sàng lọc khuyết tật, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, thẻ bảo hiểm y tế..; hỗ trợ sữa cho trẻ em từ nguồn huy động; thực hiện đầy đủ, đúng chế độ nuôi dưỡng đối với trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Tư vấn, tham vấn tại chỗ hoặc chuyển trẻ em đến tư vấn, trị liệu tại các cơ sở chuyên sâu về tâm lý; tìm gia đình chăm sóc thay thế, cho làm con nuôi, hoặc tạo điều kiện cho các em hòa nhập cộng đồng khi đủ điều kiện đối với trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội; chuyển đến cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em hoặc cơ sở trợ giúp xã hội (trường hợp trẻ em cần bảo vệ khẩn cấp); bảo vệ và hỗ trợ trẻ em khỏi bị xâm hại, trợ giúp gia đình các thủ tục pháp lý. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ cấp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn theo quy định; kết nối các chương trình hỗ trợ sinh kế cho gia đình của trẻ em. Hoàn thiện mạng lưới dịch vụ và xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng; đồng thời, trợ giúp trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch.
Năm là, Triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống xâm hại trẻ em: Nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bóc lột lao động trẻ em. Tăng cường tuyên truyền phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục. Cải thiện, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại. Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em. Phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể liên quan trong việc tiếp nhận thông tin, can thiệp, trợ giúp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại.
Sáu là, Triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Cung cấp kiến thức, kỹ năng, các quy định an toàn giao thông đường bộ cho cha mẹ, trẻ em; đồng thời, phối hợp triển khai vận động toàn xã hội, cộng đồng, người dân sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ. Tổ chức các lớp trang bị kỹ năng bơi an toàn, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối cho trẻ em, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu trong tai nạn thương tích; thường xuyên rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích; tuyên truyền cho trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống rơi, ngã cho trẻ em nhất là tại các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng; cung cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em các kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa tự tử ở trẻ em; phát hiện sớm và theo dõi, hỗ trợ, các trường hợp trẻ em có nguy cơ tự tử.
Bảy là, Triển khai phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em: Rà soát chặt chẽ tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ lao động kiếm sống trên địa bàn, kịp thời can thiệp và có biện pháp hỗ trợ nếu phát hiện tình trạng trẻ em bị lợi dụng hoặc bị buộc phải lao động. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Tám là, Triển khai các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em: Tổ chức các Diễn đàn trẻ em các cấp. Tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình “Câu lạc bộ quyền trẻ em” tại các huyện, thị xã, thành phố và trong trường học. Quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em tổ chức các chương trình hoạt động tự khởi xướng và thực hiện nhằm giải quyết các nhu cầu của trẻ em, đồng thời nâng cao năng lực sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống.
Chín là, Triển khai hoạt động chăm sóc toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời: Phát triển các dịch vụ chăm sóc toàn diện trẻ em phù hợp với nhu cầu phát triển và độ tuổi của trẻ. Tư vấn, hướng dẫn, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em các kiến thức kỹ năng chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, mạng lưới kết nối chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 271.131 trẻ em, trong đó có 2.324 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 0,9% so với tổng số trẻ em, 8.346 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 3% dân số trẻ em và 3.391 trẻ em có hoàn cảnh khác chiếm 1,2% tổng số trẻ em.
(Nguồn: Kế hoạch số 207/KH-UBND, ngày 03/10/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024)
Kim Liên