Sign In

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bà Rịa - Vũng Tàu một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

09:44 30/05/2024

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta nhấn mạnh, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; làm rõ đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp…

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, với nhiều địa danh, di tích lịch sử, lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân miền biển, xen lẫn vào đó là một số văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; đặc điểm địa lý tự nhiên, dân cư đa nguồn gốc, truyền thống yêu nước và cách mạng... Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự là nơi "đất lành chim đậu", là điểm đến của không chỉ các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch; là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hoá thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đặt mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bà Rịa - Vũng Tàu một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” lên hàng đầu.

Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển văn hóa - xã hội, phát triển con người. Trong ảnh: Nhân viên y tế khám sức khỏe định kỳ cho học sinh Trường TH Nguyễn Viết Xuân (TP.Vũng Tàu). Ảnh: Lưu Trang

 

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bà Rịa - Vũng Tàu một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai thực hiện tốt các mặt công tác: giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội… gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khoá XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị; đề ra chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; tổ chức cho đảng viên, cán bộ, công chức đăng ký rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập tấm gương của Bác. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, tinh thần lao động sáng tạo; xây dựng văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp...

Xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một nhân tố quan trọng trong xây dựng con người toàn diện, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Hệ thống giáo dục chính quy của tỉnh ngày càng phát triển, cơ sở vật chất trường học được đầu tư đồng bộ, khang trang theo chuẩn quốc gia và yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy; hiện nay, 8/8 huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 8/8 huyện đạt chuẩn PCGD THCS trong đó 2/8 huyện đạt mức độ II, 6/8 huyện đạt mức độ III , toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ II. Đặc biệt, là đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, kết hợp dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Chú trọng đổi mới phương thức giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên thông qua hành động cụ thể, lấy môi trường thực tiễn để bồi dưỡng, rèn luyện vun đắp những giá trị tốt đẹp cho đoàn viên, thanh niên. Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh đã được cấp ủy các cơ sở đảng quan tâm, tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tổ chức thắp nến tri ân tại Nghĩa Trang Hàng Dương; tham quan hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo; tham quan địa đạo Long Phước; viếng đền Anh hùng lực lượng vũ trang Võ thị Sáu; tham quan căn cứ Minh Đạm; tổ chức các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đăng ký nội dung làm theo Bác... qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nghi thức Nghinh Ông trên biển của Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu. Ảnh: Bảo Khánh.

 

Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 28/7/2021 về nâng cao chất lượng hoạt động văn học – nghệ thuật tỉnh trong tình hình mới; qua đó, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tiến bộ, phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng; hầu hết các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đều có phong trào văn học, nghệ thuật phù hợp với nhiều lứa tuổi, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tập dợt và tham gia các chương trình, hội thi, cuộc thi do địa phương và tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, văn học, nghệ thuật tỉnh luôn nỗ lực phản ánh chân thực cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân, có nhiều tác phẩm nổi bật trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ âm nhạc, thơ, ca, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, điêu khắc… thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh, cách mạng và cuộc sống của người dân. Ngoài ra, đội ngũ văn nghệ sĩ đã cố gắng phát hiện, khẳng định nhân tố mới, lên án cái xấu, cái ác, sự thoái hóa, biến chất về nhân cách, đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội.

Cấp ủy, chính quyền các cấp bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, xã hội đã luôn quan tâm chăm lo cho lĩnh vực văn hóa – thể thao. Đến nay, đã có 06 thiết chế văn hóa và thể thao cấp tỉnh và 05 thiết chế văn hóa phục vụ cho các đối tượng đặc thù, 02 cơ sở phục vụ cho thể thao thành tích cao, được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động ổn định. Ở cấp huyện có 08/08 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao và hệ thống thiết chế thể thao cấp huyện với các cơ sở phục vụ hoạt động thể dục, thể thao đa dạng. Ở cấp xã có 82/82 Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và nhiều cơ sở phục vụ hoạt động thể dục, thể thao; có 338/503 thôn, ấp, khu phố có trụ sở hoạt động, trong đó có 175 thôn, ấp khu phố có nhà văn hóa. Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm cơ sở thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa.

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với tổng mức đầu tư khoảng 394 tỷ đồng, trong đó, có 03 di tích được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng mức đầu tư khoảng 49 tỷ đồng. Tỉnh tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; xây dựng chương trình kế hoạch đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh; đề ra các biện pháp quản lý, sử dụng và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao cho Sở Văn hóa và Thể thao quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, phân cấp cho UBND huyện, thị, thành phố quản lý và phát huy giá trị di tích còn lại theo địa bàn quản lý, góp phần tạo tính chủ động của chính quyền và nhân dân địa phương trong công tác bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích.

Những thành tựu đạt được trên, là nền tảng vững chắc để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt ra mục tiêu trong thời gian tới là: Đảm bảo hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và đạo đức, lối sống của con người Bà Rịa – Vũng Tàu trong tổng hòa những giá trị chung của văn hóa và con người Việt Nam, đó là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, quê hương và đất nước. Tiến tới, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bà Rịa - Vũng Tàu văn minh, toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... với kinh tế, xã hội và con người. Nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh; bảo tổn và phát huy các giá trị về di sản văn hóa;… đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của tỉnh trong giai đoạn mới.

Nguyễn Đình Linh
 

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều