Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc ta. Suốt quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh, vì tính chất và nhiệm vụ cách mạng, Người đã viết rất nhiều sách, báo làm tài liệu giáo dục đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong những trước tác đồ sộ của Bác, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có một giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, là tài liệu vô cùng cần thiết không chỉ cho cho cán bộ, đảng viên ở thời kỳ đầu kháng chiến mà đây là tác phẩm thiết thực, là cẩm nang của người cán bộ, đảng viên của mọi thời kỳ. Những quan điểm trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, có thể vận dụng vào thực tiễn công tác xây dựng và phát triển Đảng ta hiện nay.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Bác viết vào năm 1947, xuất bản lần đầu tiên năm 1948 và được ký dưới bút danh X.Y.Z. Năm 1959, khi in lại Bác mới ký dưới tên thật là Hồ Chí Minh. Năm 1947, tác phẩm ra đời là thời điểm muôn vàn khó khăn thử thách của Đảng, là lúc tình thế đất nước vẫn như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trên cương vị là chủ tịch của một nước Việt Nam độc lập, mỗi ngày Bác phải giải quyết cả nghìn việc cấp bách; lo củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng; lo chính sách đối phó thù trong, giặc ngoài; lo ổn định đời sống nhân dân…Việc nào cũng khẩn thiết và cần kíp đối với vận mệnh của một nhà nước non trẻ. Quỹ thời gian còn lại của Bác rất ít, song Người vẫn giành suy tư để viết “Sửa đổi lối làm việc”.
Lối làm việc là phong cách, lề lối, cách thức làm việc. Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng triệt để nhất đã thay một nhà nước quân chủ chuyên chế cùng với cách làm việc quan liêu, phi dân chủ sang một nhà nước dân chủ với lề lối làm việc vì dân, cách mạng. Nhưng sự ảnh hưởng lề lối làm việc từ xã hội cũ tất yếu chưa được gột bỏ, lề lối làm việc mới từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo cao nhất đến cán bộ gần dân nhất cũng tất yếu chưa theo kịp với yêu cầu của nhiệm vụ và cuộc sống kháng chiến. Chính vì lẽ đó phải không ngừng sửa đổi lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành. Ngay cách đặt tên cho tác phẩm cũng đủ thấy sự cấp thiết của việc sửa đổi lối làm việc, Bác đặt vấn đề một cách rất thẳng, rất trực diện, đó là vấn đề “sửa đổi” nhưng Bác không nói chung chung, mà rất cụ thể vấn đề phải sửa là “lề lối làm việc”.
Cấu trúc của tác phẩm gồm 6 cụm vấn đề lớn: I. Phê bình và sửa chữa; II. Mấy điều kinh nghiệm; III. Tư cách và đạo đức cách mạng; IV. Vấn đề cán bộ; V. Cách lãnh đạo; VI. Chống thói ba hoa. Tất cả những tiêu đề của tác phẩm đều là những vấn đề cụ thể, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.
Khi nghiên cứu tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, một điều có thể nhận thấy rất rõ là quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba tư tưởng nổi bật trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: một là, dân rất tốt; hai là, dân rất giỏi; ba là sức dân rất lớn. “Dân chúng rất khôn khéo” nên phải gần dân để học hỏi dân, nhờ dân chỉ bảo. “Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng” nên phải biết dựa vào dân, tận dụng sức dân, phát huy sức mạnh của dân.
Ở tất cả mọi vấn đề được Hồ Chí Minh đề cập trong tác phẩm đều phản chiếu rõ nét tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Bác. Trong mục Phê bình và sửa chữa, Người đã chỉ rõ ba chứng bệnh: Bệnh chủ quan, Bệnh hẹp hòi, Thói ba hoa “đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì nguy hại vô cùng”(1), để chữa các căn bệnh nguy hiểm ấy, Bác nhấn mạnh một giải pháp “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”(2). Trong Mấy điều kinh nghiệm, Bác đặt các tiêu đề bằng cách hỏi ngắn gọn và trực tiếp Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?; Sát quần chúng, hợp quần chúng, Người khẳng định nếu nắm được bản chất cốt yếu thì ắt hẳn đảng viên làm được mọi công việc tốt “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”(3). Tư cách và đạo đức cách mạng, Bác nêu rõ 12 điều để đảm bảo “Tư cách của đảng chân chính cách mạng” trong đó nhấn mạnh 3 điều (1, 4, 6) rất cụ thể, thiết thực quan điểm “lấy dân làm gốc” “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(4). Trong Vấn đề cán bộ, Bác chỉ ra 4 tiêu chí quan trọng để lựa chọn cán bộ, đó là chọn những người trung thành và hăng hái; chọn những người có năng lực giải quyết vấn đề; chọn người biết giữ kỷ luật và đặc biệt chọn cán bộ gần dân, trọng dân “Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng”(5); Trong Cách lãnh đạo, ngay ở dòng đầu tiên Bác khẳng định “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”(6), Người chỉ ra cách lãnh đạo đúng “nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng”(7). Trong Chống thói ba hoa, Bác chỉ rõ những ảnh hưởng xấu của tệ ba hoa trong cách nói, cách viết, đó chính là; dài dòng, rỗng tuếch, cầu kỳ, khô khan, lúng túng, báo cáo lông bông, lụp chụp cẩu thả, sáo cũ, nói không ai hiểu. Bác chỉ ra 5 cách để cán bộ, đảng viên chống thói ba hoa và cách đầu tiên có yếu tố quyết định là “Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”(8).
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là một cuốn sách có ý nghĩa lớn về nhiều mặt đối với Đảng ta. Trong tác phẩm này, Bác chỉ ra những vấn đề cấp bách cần phải sửa chữa của cán bộ, đảng viên, đó là những vấn đề của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Tác phẩm thiết thực và cụ thể khi Bác hướng dẫn rất rõ việc sửa chữa những khuyết điểm của cán bộ đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Bác trong mọi vấn đề cần sửa chữa có thể nói là “dựa vào dân” “lấy dân làm gốc”, “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(9). Nghiên cứu tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là cách học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào lãnh đạo, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân là gốc” của Bác trong thực hiện mọi nhiệm vụ cách mạng hiện nay.
TS. Hồ Viết Hùng
-------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.273
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.278
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.285
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.289
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.315
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.325
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.325.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.345
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr.330.
Tài liệu tham khảo: Hồ Chí Minh:(Toàn tập), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5