Sign In

Đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong tác nghiệp báo chí, giai đoạn hiện nay

12:15 10/08/2023

Trong bối cảnh ngày nay, với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của khoa học – công nghệ, báo chí chính thống đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Cuộc cạnh tranh thông tin, thị phần, công chúng giữa báo chí với báo chí và giữa báo chí với mạng xã hội cùng các tiện ích khác ngày càng trở nên khốc liệt, đòi hỏi báo chí phải thay đổi để thích ứng tốt hơn trong điều kiện mới. Trong bước chuyển mình quan trọng đó đã đem lại cho báo chí nhiều thành tựu to lớn nhưng đồng thời cũng nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực cần đấu tranh loại bỏ. 


Đó là tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như: Gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin…

Có tình trạng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân…
Tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Thiết kế giao diện, chuyên mục như báo điện tử; một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất tin, bài dưới dạng các bài phóng sự điều tra hoặc đăng tải thông tin thiếu căn cứ, sai lệch, không thuộc phạm vi nội dung thông tin được phép cung cấp, chia sẻ theo quy định trong giấy phép, nhằm mục đích nhũng nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp…; tình trạng “tư nhân hoá” báo chí, giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện cơ quan báo chí, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích…

Những biểu hiện tiêu cực trên một phần là do công tác quản lý phóng viên, biên tập viên ở một số cơ quan báo chí còn chưa sâu sát, nhiều cơ quan báo chí chỉ quan tâm đến lợi ích do phóng viên tạo ra mà không theo dõi tình hình phóng viên, biên tập viên của mình tác nghiệp ở địa phương, cơ sở; một phần là do phóng viên, biên tập viên báo chí chưa nhận thức đầy đủ vai trò, nhiệm vụ của mình, cộng với việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp nên có biểu hiện “lạm quyền”, “ảo tưởng quyền lực” trong tác nghiệp báo chí; một phần là do áp lực về “tự chủ tài chính”, “kinh tế báo chí” ngày càng gay gắt, khốc liệt ở các cơ quan báo chí dẫn đến tâm lý xem “trách nhiệm xã hội” nhẹ hơn “trách nhiệm tài chính” trong hoạt động báo chí… Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, trang thông tin điện tử, mạng xã hội còn chung chung, chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc áp dụng, xử lý vi phạm. Một số biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, truyền thông dù đã được phát hiện, cảnh báo từ rất sớm nhưng chưa được “luật hoá” thành quy định cụ thể nên khó làm căn cứ để áp dụng xử lý…

Hướng đến xây dựng một nền báo chí Việt Nam văn minh, hiện đại, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời cần phải có đủ thời gian để các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện các bước chuyển hoá phù hợp cho sự phát triển của báo chí. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước mắt cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại và xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là các quy định có liên quan trực tiếp đến hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo chí.

Tạo cơ chế thuận lợi rõ ràng, thẳn thắn với báo chí. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan báo chí theo định kỳ và khi có yêu cầu. Đồng thời thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thông tin báo chí phản ánh các vấn đề có liên quan đến tỉnh, đến địa phương, kịp thời phát hiện, trao đổi, chấn chỉnh những trường hợp báo chí thông tin không đúng sự thật về tỉnh, về địa phương.

Hai là, Thường xuyên quan tâm, quán triệt, tổ chức sinh hoạt sâu rộng nội dung các văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí truyền thông của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt là các quy định về tác nghiệp báo chí; đạo đức nghề báo; các quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí truyền thông; các văn bản về cảnh báo, chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí… nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong nhận thức và hành động trong đội ngũ phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Ba là, Tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của phóng viên, biên tập viên ở cơ sở, địa phương. Đặc biệt là đội ngũ phóng viên, cộng tác viên thường trú ở địa phương, khu vực, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, thay thế khi phát hiện nảy sinh các biểu hiện tiêu cực trong tác nghiệp báo chí. Không giao chỉ tiêu về kinh tế báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên môn. Có cơ chế phân định rõ ràng nhiệm vụ giữa phóng viên báo chí và người làm kinh tế báo chí, tránh tình trạng phóng viên phải chịu cảnh “02 gánh, 02 vai – trách nhiệm xã hội và trách nhiệm kinh tế” làm suy giảm giá trị của báo chí và đạo đức nghề báo.

Bốn là, Chú trọng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Có cơ chế đưa trình độ chính trị, đạo đức nghiệp vụ là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá chất lượng phóng viên, biên tập viên để đề xuất bố trí, sắp xếp công tác cán bộ của cơ quan báo chí. Phân cấp quản lý phóng viên, biên tập viên, nhất là phóng viên, biên tập viên phụ trách địa bàn về các cấp Hội Nhà báo địa phương để phối hợp theo dõi quản lý.

Bùi Vũ Quang Tấn
 

Tag:

File đính kèm