Tham gia thảo luận tại Hội trường, qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ sự ủng hộ rất cao đối với chính sách giảm thuế GTGT mà Chính phủ đề xuất để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong năm 2024, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt khá cao, dự báo trên 7%, năm 2025, Quốc hội cũng thống nhất biểu quyết với quyết tâm cao là tăng trưởng kinh tế phải đạt trên 7%. Để đạt mục tiêu này, đại biểu cho rằng Chính phủ phải có những giải pháp thật sự quyết liệt, nhất là giải pháp “đánh trúng” vào các khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ nhanh các vướng mắc, giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu thảo luận tại Hội trường ngày 28/11/2024.
Theo đại biểu, việc Quốc hội cho phép áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2% từ năm 2022 đến nay đã cho thấy tác động rất tích cực, mang lại những lợi ích rõ nét như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Mỗi năm giảm 2% thuế GTGT thì chúng ta cũng chỉ giảm khoảng 49-50 nghìn tỷ đồng, con số này không nhiều, nhưng đã có tác dụng kích thích quá trình sản xuất, tái đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là kích thích tiêu dùng - một trong ba trụ cột truyền thống để kích thích tăng trưởng kinh tế (gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính liên tục của chính sách, đại biểu cho rằng các doanh nghiệp cũng chưa nắm được mức độ bền vững của chính sách này như thế nào để có thể tính toán phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu có thể cho phép ban hành chính sách dài hạn hơn (Theo dự thảo Nghị quyết thì thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% là từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025).
Vấn đề thứ hai đại biểu quan tâm là tính công bằng của chính sách này. Tại Điều 1 về phạm vi áp dụng, dự thảo Nghị quyết quy định: “Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Phương án giảm thuế GTGT tại dự thảo Nghị quyết giữ nguyên như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15. Đại biểu cho rằng việc giữ nguyên các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT và nhóm không được giảm như các Nghị quyết trước đây mà không có sự đánh giá qua thời gian triển khai thực hiện là chưa thật sự hợp lý, chưa đảm bảo tính công bằng đối với các loại hình doanh nghiệp. Cần có sự đánh giá kỹ để xem nhóm hàng hóa, dịch vụ nào nên được giảm, nhóm nào không được giảm cho phù hợp, đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp.
Vấn đề thứ ba đại biểu băn khoăn là tác động của việc thực hiện chính sách này đối với việc thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025. Quốc hội cũng mới vừa thông qua Nghị quyết về thu NSNN năm 2025, Nghị quyết về chi NSNN năm 2025, đại biểu đặt vấn đề với Chính phủ, nếu giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025 thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến dự toán thu, chi NSNN năm 2025 mà Quốc hội vừa biểu quyết thông qua, Ngân sách Trung ương dự kiến sẽ chịu tác động như thế nào. Và các địa phương vừa rồi cũng đã nhận được chỉ tiêu thu ngân sách do Trung ương giao, trong đó, Trung ương giao các tỉnh năm 2025 phải phấn đấu tăng thu 5% trên nền kết quả thu ngân sách năm 2024, trong khi các loại thuế đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương như thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT…lại thực hiện chính sách miễn, giảm mạnh.
Việc giao tăng thu 5% trong bối cảnh miễn giảm các loại thuế như vậy sẽ gia tăng áp lực thu ngân sách cho chính quyền các địa phương, buộc địa phương phải tìm các nguồn thu khác. Hai nguồn thu mà địa phương được Bộ Tài chính giao năm nào cũng tăng là nguồn thu tiền sử dụng đất và nguồn thu từ xổ số của 21 tỉnh, thành phía Nam. Đại biểu đề nghị Chính phủ nên cân nhắc, nếu đã giao chỉ tiêu thu ngân sách cho các tỉnh, nếu do thực hiện giảm 2% thuế GTGT mà các địa phương thu không đạt, thì như trong Tờ trình Chính phủ có nêu: “Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp Quốc hội giao Chính phủ tại Nghị quyết số 159/2024/QH15 về dự toán NSNN năm 2025; chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Chủ động có kịch bản, phương án điều hành ngân sách; xây dựng phương án sử dụng nguồn dự phòng ngân sách các cấp đảm bảo chủ động xử lý các nhu cầu phát sinh, đồng thời dành được nguồn để giảm chi trong trường hợp hụt thu ngân sách. Đối với ngân sách địa phương hụt thu so với dự toán do giảm thuế GTGT, thực hiện theo quy định của Luật NSNN”, đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm hỗ trợ để các địa phương thực hiện tốt chính sách giảm thuế GTGT 2% mà vẫn đảm bảo được chỉ tiêu thu ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị khi UBND cấp tỉnh xây dựng trình HĐND cùng cấp dự thảo Nghị quyết về dự toán thu NSNN trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2025, cho phép tỉnh đưa nội dung thực hiện giảm thuế GTGT 2% này vào, lồng ghép theo hướng Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế…
Tóm lại, đối với chính sách giảm 2% thuế GTGT, đại biểu hoàn toàn thống nhất về mặt chủ trương nhưng thấy cần phải có giải pháp dự phòng để đảm bảo các chỉ tiêu về thu, chi NSNN ở cả cấp Trung ương và địa phương. Trong năm 2025, Quốc hội cũng vừa cho chủ trương thực hiện một số các công trình, dự án quan trọng và hiện chúng ta có 05 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 2 Chương trình mới (Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy) phải bố trí vốn ngân sách khá lớn để triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần cân nhắc, tính toán các nguồn thu - chi ngân sách quốc gia sao cho cân bằng, hài hòa, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt theo các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2025 mà Quốc hội đã thông qua.