Chương trình lễ khai mạc diễn ra với hoạt cảnh nghệ thuật “Dòng chảy và khát vọng”, hoạt cảnh tuyên truyền nông thôn mới “Sắc màu Chợ Lách”. Tại chương trình khai mạc, UBND huyện cũng đã tôn vinh các nghệ nhân, nhà vườn và doanh nông tiêu biểu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Thanh Lâm trao thư cảm ơn cho các đơn vị tài trợ. (Ảnh: Phương Thảo)
Dịp này, huyện Chợ Lách cũng đã đăng ký và xác lập thành công kỷ lục “Tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng cùng tham gia xếp đặt, tạo tác dài nhất Việt Nam”. Tuyến đường dài 15km là tuyến đường huyện lộ 34, 35 và 37 đi qua địa bàn Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách gồm 4 ấp thuộc các xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Vĩnh Hòa và Long Thới. Trên tuyến đường được bố trí cây cảnh, hoa nở các loại do người dân địa phương sản xuất và bày bán từ nhiều năm nay.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho biết: Lễ hội Hoa kiểng Chợ Lách là sự kiện đầu tiên của năm 2025 đón chào “Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre” (17/1). Việc tổ chức Lễ hội Hoa kiểng nhằm tôn vinh và phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm từ hoa, kiểng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, nghề trồng hoa kiểng gắn với Làng Văn hóa du lịch và Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu. (Ảnh: Phương Thảo)
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười nêu: trong những ngày đón Tết Nguyên đán, Làng hoa kiểng Chợ Lách như một bức tranh với nhiều màu sắc rực rỡ được tô vẽ bởi hàng trăm loài hoa, cây cảnh, làm nên “Sắc màu Chợ Lách” rất đẹp, rất riêng. Để lan tỏa “Sắc màu Chợ Lách” xa hơn, rộng hơn, UBND huyện Chợ Lách đã quyết định chọn năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Lễ hội Hoa kiểng. Qua đây, nhằm tôn vinh những nghệ nhân, nông dân trồng hoa kiểng; phát huy giá trị kinh tế của các sản phẩm từ hoa, kiểng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, nghề trồng hoa kiểng gắn với Làng Văn hóa du lịch và Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP; đồng thời, giới thiệu đến mọi người vẻ đẹp độc đáo, phong phú của vùng đất Chợ Lách.
Lễ hội Hoa kiểng Chợ Lách năm 2025 được xem như hồi trống hiệu triệu nâng cao sự đồng thuận giữa chính quyền và bà con Nhân dân đưa hoa kiểng Chợ Lách phát triển lên một tầm cao mới, hội nhập và phát triển với những hình thức kinh doanh trong thời đại công nghệ số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan cùng với UBND huyện Chợ Lách tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành công Đề án Làng Văn hóa du lịch và Trung tâm giống cây trồng.
Huyện Chợ Lách đã đăng ký và xác lập thành công kỷ lục “Tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng cùng tham gia xếp đặt, tạo tác dài nhất Việt Nam”. (Ảnh: Phương Thảo)
Bên canh đó, chủ động quảng bá kêu gọi đầu tư thực hiện Đề án, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, vận động Nhân dân thực hiện tốt phần việc về cảnh quan môi trường xây dựng các tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp.
"Thành công của Lễ hội Hoa kiểng Chợ Lách và Đề án Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách sẽ góp phần thiết thực trong việc thực hiện đề án Bến Tre xanh của tỉnh nhà", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội Hoa kiểng Chợ Lách 2025. (Ảnh: Phương Thảo)
Lễ hội Hoa kiểng Chợ Lách sẽ diễn ra từ ngày 08 đến 12/01/2025 với chủ đề “Sắc màu Chợ Lách”. Các hoạt động nổi bật như: diễu hành xe cổ (từ quảng trường Trung tâm hành chính huyện Chợ Lách đến sân vận động Phú Sơn); trưng bày thành tựu nông nghiệp; các diễn đàn chia sẻ thông tin kỹ thuật về chuyên ngành trồng trọt, nhất là đối với sản xuất hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái, chăn nuôi; các hội thi, tranh tài, giao lưu, trình diễn giữa nghệ nhân tạo tác bonsai địa phương…
Cùng với đó là các hội thi, các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt lễ hội như: Hội thi Bonsai - Mai vàng, chọi gà nghệ thuật; Hội thi sáng tạo nội dung và tìm kiếm “tài tử” livestream ngành hàng hoa kiểng huyện Chợ Lách...