Tự hào con lạc, cháu hồng
Từ truyền thuyết “trăm trứng nở trăm con”, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng, mọi người dân Việt Nam đều có chung cội nguồn, cùng dòng máu Lạc Hồng và quốc tổ là các Vua Hùng.
Các nghi thức Giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm thành kính tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Ảnh: BÁO PHÚ THỌ
Từ xa xưa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được ghi chép trong bản ngọc phả thời Trần, đến năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và năm 1601 đời vua Lê Kính Tông (triều Hậu Lê) sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Đến triều Nguyễn, vào năm Khải Định thứ 2 (1917), triều đình quy định lấy ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm làm ngày quốc tế (quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được ghi chép trên tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn - Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt ở Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ): “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng 10.3 hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11.3) do dân sở tại làm lễ”.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18.2.1946 cho công chức nghỉ ngày 10.3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương hướng về cội nguồn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19.9.1954 và 19.8.1962. Tại đây, Người dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 2.4.2007, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ Luật Lao động số 84/2007/QH11 cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10.3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10.3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày quốc lễ. Ngoài Lễ hội Đền Hùng tổ chức ở đất tổ Phú Thọ, khắp nơi trên cả nước đều tổ chức hoạt động để tưởng nhớ các vua Hùng.
Giỗ Tổ ở miền đất võ
Giỗ Tổ Hùng Vương là nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam đối với tổ tiên Lạc Hồng. Ở Bình Định, đến ngày mùng 10.3 âm lịch, cộng đồng dân cư, các tổ chức, đơn vị cũng tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương để tri ân Vua Hùng, tưởng nhớ công đức tiền nhân khai sơn lập quốc.
Đã thành thông lệ 15 năm nay, người dân ở tổ 7A, 7B của khu phố 1, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) cùng đóng góp tổ chức giỗ Tổ. Anh Huỳnh Thanh Tùng, thành viên ban tổ chức lễ Giỗ Tổ, cho biết: “Phần lớn dân ở đây vốn ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đến tái định cư. Việc tổ chức Giỗ Tổ được chúng tôi duy trì từ khi còn ở phường Hải Cảng cho đến nơi ở mới, dần dà lan tỏa ra cộng đồng dân cư quanh đây hưởng ứng tham gia”.
Đã thành thông lệ, 15 năm nay người dân ở tổ 7A, 7B của khu phố 1, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) tổ chức lễ Giỗ Tổ. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Từ tháng 2 âm lịch, gần 100 hộ dân ở đây đã họp bàn, đóng góp chi phí và phân công mọi người cùng lo việc chung. Ông Võ Văn Đức, Trưởng ban tổ chức lễ Giỗ Tổ, chia sẻ: Năm nào cũng vậy, lễ Giỗ Tổ diễn ra ấm áp, vui vẻ, thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Trước khi giỗ, chúng tôi đọc bài ôn lại truyền thống dựng nước của các Vua Hùng, sau đó đọc văn tế cúng, mọi người dâng nén nhang bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Vua Hùng, cùng các vị thần linh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, đời sống bà con no đủ, hạnh phúc. Số tiền góp giỗ, năm nào còn dư thì chúng tôi gây quỹ để thăm bà con lối xóm khi ốm đau, gặp hoạn nạn”.
Năm 2004, đình làng Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) được xây dựng lại, người dân địa phương thống nhất chọn ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm làm lễ Thanh minh gắn với Giỗ Tổ.
Cụ Nguyễn Văn Mạnh (75 tuổi, ở thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý), thủ quỹ Ban tín ngưỡng đình làng Hưng Lương, cho biết: “Hằng năm, người dân địa phương cùng góp của, góp công tổ chức lễ Thanh minh và Giỗ Tổ Hùng Vương tại đình làng, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, gắn kết cộng đồng với nhau. Nghi lễ gồm văn cúng Vua Hùng, cúng thành hoàng, cùng các bậc tiền hiền, hậu hiền tạo dựng cơ nghiệp. Theo lệ, cứ 3 năm sẽ tổ chức hát bội vào ngày này”.
Người dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) tổ chức lễ Thanh minh gắn với Giỗ Tổ tại đình Hưng Lương vào mùng 10.3 âm lịch hằng năm. Ảnh: MAI THANH NHA
Công ty CP Cơ điện và xây lắp Hùng Vương (Cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) cũng duy trì đều đặn tổ chức ngày Giỗ Tổ hằng năm tại trụ sở Công ty vào ngày 10.3 âm lịch. Theo ông Hồ Sĩ Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cũng như năm ngoái, năm nay Công ty tổ chức lễ giỗ trang nghiêm vào sáng mùng 10.3 âm lịch, nhằm động viên tinh thần kỹ sư, nhân viên, người lao động nỗ lực thi đua lao động, sản xuất vì sự phát triển của Công ty.
Gần đến ngày Giỗ Tổ, những người con của quê hương đất Tổ - hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ (trước đây là tỉnh Vĩnh Phú) hiện đang sinh sống, công tác tại Bình Định cùng nhau họp bàn tổ chức ngày Giỗ Tổ.
Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định tổ chức gặp mặt Giỗ Tổ hằng năm để gắn kết thêm tình đồng hương. Ảnh: Hội đồng hương đất Tổ
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương đất Tổ tại Bình Định, cho biết: “Vẫn như mọi năm, ngày Giỗ Tổ cũng là ngày chúng tôi gặp mặt ôn lại truyền thống cội nguồn quê cha, đất tổ; tổng kết hoạt động trong năm qua, bàn phương hướng hoạt động cho năm nay. Ngoài phần lễ, chúng tôi còn tổ chức một số chương trình giao lưu văn nghệ tạo không khí vui vẻ, đoàn kết; tặng quà cho một số gia đình đồng hương có hoàn cảnh khó khăn để động viên tinh thần vươn lên trong cuộc sống”.
Nguồn Báo Bình Định