Kêu gọi, đôn đốc, nhắc nhở
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đêm 19.12.1946. Lời kêu gọi nêu rõ nguyên nhân, lý do tất yếu buộc dân tộc Việt Nam phải đứng lên kháng chiến chống Pháp. Đây như tiếng kèn xung trận, hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam, bằng tất cả những gì có thể, nhất tề xông lên đánh giặc bảo vệ Tổ quốc: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!... Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Và “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên phủ 1954. Ảnh tư liệu
Lời kêu gọi đã thể hiện niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Lời kêu gọi còn hàm chứa nội dung cốt lõi của đường lối kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Với đường lối đúng đắn này, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh và đưa thực dân Pháp đến trận quyết chiến với ta tại Điện Biên Phủ.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta hăng hái “kháng chiến, kiến quốc”.
Bác đã có nhiều bài nói, bài viết cổ vũ, động viên quân và dân ta. Điển hình rõ nhất, với Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948), Người đã cụ thể hóa đường lối kháng chiến trong lĩnh vực thi đua, hay xác định thi đua là biện pháp hữu hiệu để thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến.
Không dừng lại ở những lời động viên, khích lệ, Người còn trực tiếp ra mặt trận. Hình ảnh Bác với chiếc ống nhòm trên tay trong chiến dịch Biên giới năm 1950 có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Đặc biệt hơn, Bác trực tiếp chủ trì và chỉ đạo các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Đại hội II (tháng 2.1951), góp phần hết sức quan trọng giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng qua các chặng đường kháng chiến và chuẩn bị cho giai đoạn cuối đầy cam go, thử thách...
Trực tiếp chỉ đạo, cổ vũ cho chiến thắng Điện Biên Phủ
Trước hết, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”.
Tiếp đó, Người cùng Bộ Chính trị chọn cử cán bộ đảm nhận những vị trí trọng yếu chính xác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp Mặt trận…
Đặc biệt, trước khi đại tướng Võ Nguyên Giáp ra trận, ngoài trao lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”, Bác còn quyết định: “Tổng Tư lệnh mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.
Nhờ vậy, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”, khi chuyển phương án từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Và thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của quyết định trên.
Bác còn luôn quan tâm sát sao, chỉ đạo, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khi quân ta tiến lên Tây Bắc, Bác đã gửi thư động viên: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”. Tiếp đó, tháng 3.1953, Người lại gửi thư thể hiện niềm tin vào cán bộ, chiến sĩ đang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sẽ “phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.
***
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, chúng ta cùng ôn lại trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Từ đó, cùng tìm hiểu sâu sắc hơn công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nguồn Báo Bình Định