Quang cảnh cuộc họp tại Trụ sở UBND tỉnh
Theo báo cáo tại cuộc họp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất ổn định, một số ngành có sản lượng sản xuất tăng so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 8,65% so với tháng trước và tăng 15,28% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,23% so với cùng kỳ và là mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 9.900 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân trong tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân và đang tiến hành gieo sạ lúa Hè Thu. Các địa phương đang tiến hành tiêm phòng đợt 1 để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 là 3.990,1 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất; thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết) là 2.463,4 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán năm, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Tổng lượng khách du lịch đến Bình Định trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đạt hơn 277.185 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng, cả tỉnh ước đón được 3,6 triệu lượt khách, tăng 117,6% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch là 9.314 tỷ đồng, tăng 169,7% so với cùng kỳ.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và các tháng tiếp theo, đồng thời nêu những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương mình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của từng ngành, lĩnh vực đạt những kết quả khá tốt. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu phát triển chưa đồng đều, đạt thấp. Trong đó, thu tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn, hoạt động thu hút đầu tư đạt thấp, mới chỉ có 18 dự án so với kế hoạch đề ra là 100 dự án. Đáng lưu ý là các Khu Công nghiệp, Cụm công nghiệp, và địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để thu hút đầu tư. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Sở Công thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế, các địa phương rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư, phải làm nghiêm việc này.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng giao các sở, ngành, địa phương đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương phải có giải pháp căn cơ để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống của người dân. Trong đó, cần rà soát lại toàn bộ diện tích hơn 1.000 ha lúa vừa rồi chuyển đổi trồng cây trồng cạn, hoặc phải bỏ hoang do không có nước tưới, tính toán lượng nước cụ thể sau đợt mưa để tăng diện tích trồng, thực hiện các giải pháp đảm bảo tưới tiêu tiết kiệm, đảm bảo nước sinh hoạt, cho gia súc gia cầm và cho sản xuất. Tăng cường công tác PCCC rừng, phải có giải pháp hết sức căn cơ, có kịch bản, phương án chi tiết, cụ thể; đẩy mạnh các giải pháp chống vi phạm IUU và đề xuất các vùng nuôi biển để giảm bớt cường lực khai thác, vi phạm IUU trên biển…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cũng giao các ngành, địa phương liên quan đôn đốc nhà đầu tư triển khai, khởi công 2 dự án chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp tại 2 huyện Tây Sơn và Phù Cát trong tháng 6 tới đây. Ban Quản lý Khu kinh tế và các địa phương tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án đã thu hút đầu tư, đồng thời cũng yêu cầu các nhà đầu tư sớm triển khai dự án tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu Kinh Nhơn Hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sở LĐ-TB&XH xây dựng nhanh đề án, khung chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững để trình Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh xem xét thông qua và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2025…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu kết luận cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho rằng, các sở, ngành, địa phương thời gian qua đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, bám sát các chỉ tiêu, chỉ số phát triển KT-XH đã phân giao, tạo được nền tảng căn bản phát triển KT-XH của địa phương và của tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, các sở, ngành, địa phương liên quan phải tập trung phát triển, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh. Do đó, đối với các dự án trọng điểm, các địa phương và các sở, ngành phải vào cuộc rất quyết liệt, dồn toàn tâm, toàn lực để triển khai. Tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án chế biến sâu sản phẩm nông sản để tăng giá trị cho cả ngành nông nghiệp và công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý Sở Du lịch, các sở, ngành liên quan, địa phương phải quan tâm đến chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý điểm đến an toàn cả về vui chơi, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Các di tích lịch sử văn hóa, các điểm tham quan phục vụ khách phải có kế hoạch mở cửa đón khách trong mùa cao điểm du lịch sắp tới.
Về định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, chỉ số phát triển kinh tế-xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm được giao; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thu, nhất là khoản thu tiền sử dụng đất và chống thất thu trên 2 lĩnh vực dịch vụ, khoáng sản. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tính toán giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá, trục lợi chênh lệch giữa giá đấu giá mỏ và giá bán khoáng sản ra thị trường, kiểm tra, xử lý tình trạng bảo kê mỏ, bảo kê xe vận chuyển nếu có.
Cuộc họp trực tuyến đến điểm cầu các sở ngành và các cấp của địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng, trình các đề án quản lý và bán tín chỉ các bon; phát triển kinh tế đêm; phát triển công nghiệp bán dẫn; di dời các cụm công nghiệp và di dời tàu cá; tiếp tục triển khai quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Người đứng đầu chính quyền tỉnh đặc biệt lưu ý các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung theo dõi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh. Các sở, ngành địa phương chủ động, tăng cường trách nhiệm phối hợp trong giải quyết công việc, không đùn đẩy, né tránh, tất cả vì nhiệm vụ chung, mục tiêu chung để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…/.
Nguồn: binhdinh.gov.vn