Phát biểu khai mạc Ngày hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết: Trong truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng, Bình Định tự hào là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, là vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc anh em với phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng và đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định. Trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; triển khai Kế hoạch thực hiện “Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH và đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang phát biểu khai mạc Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ 2 năm/lần, luân phiên tại các huyện có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh ở nhiều lĩnh vực, như: Lễ hội dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, cùng với những hoạt động VH-TT khác..., góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm, tặng hoa cho đại diện 6 đoàn tham gia Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
“Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, Ngày hội năm nay là hoạt động có quy mô lớn, hoành tráng, là dịp để giao lưu, trao đổi, giới thiệu những đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số giữa các địa phương, tạo điều kiện cho đồng bào tham gia các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể thao, đáp ứng các tiêu chí văn hóa về nông thôn mới; góp phần khơi dậy sức sống mãnh liệt và tiềm năng sáng tạo văn hóa, văn nghệ, thể thao trong đông đảo đồng bào các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng tặng hoa các đoàn tham gia Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
Sau nghi thức đánh trống khai mạc Ngày hội của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, các nghệ nhân, diễn viên của 6 đoàn VH-TT các huyện bước vào phần thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh trống khai mạc Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
Chương trình thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các đoàn sau lễ khai mạc. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
* Cũng trong ngày 5.6, Ngày hội đã diễn ra các hoạt động: triển lãm ảnh chủ đề “Văn hóa các dân tộc thiểu số Bình Định - Bản sắc và tiềm năng”, triển lãm ảnh thành tựu phát triển KT-XH của huyện Vân Canh, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của huyện Vân Canh và các địa phương; dựng trại, thi đấu vòng loại các môn bóng đá, bóng chuyền nữ, đẩy gậy…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà các trại của 6 đơn vị tham gia Ngày hội. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện Vân Canh và các địa phương. Ảnh: NGỌC NHUẬN - HỒ ĐIỂM
Nguồn Báo Bình Định