Đại tá Ngô Cự Vinh. Ảnh: K.A |
* Ông có thể cho biết những điểm nổi bật về công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên một số lĩnh vực ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh ta nói riêng, thời gian qua?
- Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát duy trì mức cao ở hầu hết các nền kinh tế lớn và khu vực kinh tế quan trọng đã tác động sâu sắc đến cục diện địa chính trị, an ninh cũng như việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam phát huy tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 với nhiều dấu ấn, sáng kiến, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cam kết quốc tế về quyền con người, đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tại Bình Định, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20.7.2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác nhân quyền trong tình hình mới và Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 14.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách phát triển KT-XH, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chính sách về tôn giáo, dân tộc, an sinh xã hội; bảo đảm thực chất việc thực hiện quyền con người, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương và đã cấp hơn 303.930 thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng trẻ em, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sống trong vùng kinh tế khó khăn, xã đảo. Tỉnh cũng đề ra nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết ổn định các vụ việc liên quan tôn giáo, dân tộc trên địa bàn, không để phát sinh “điểm nóng”, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân; làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
* Xin ông cho biết, Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh mà nòng cốt là CA tỉnh đã, đang có những chủ trương, giải pháp nào để công tác nhân quyền ngày càng phát huy hiệu quả?
- Công tác bảo đảm quyền con người là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vì thế Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ban chỉ đạo Nhân quyền các địa phương luôn nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền, qua đó tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về công tác nhân quyền; gắn công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới…
Chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để thành lập, phát triển các hội, nhóm, tổ chức hoạt động khủng bố, phá hoại; phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động kích động biểu tình, gây rối ANTT; đảm bảo thực hiện tốt các chính sách pháp luật về tôn giáo, dân tộc; tham mưu giải quyết hiệu quả các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ phức tạp, kéo dài, không để hình hành “điểm nóng” về ANTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh trong triển khai công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền.
Băng rôn tuyên truyền nhân Ngày Nhân quyền thế giới được treo tại nhiều tuyến đường ở TP Quy Nhơn. Ảnh: K.A
* Ngày Nhân quyền thế giới năm nay (10.12), tại Bình Định có những hoạt động đáng chú ý nào, thưa ông?
- Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10.12.1948 - 10.12.2024) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tổ chức các lớp tập huấn, nhằm nhấn mạnh thành tựu của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, trọng tâm là thành tựu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định, dân chủ, phát triển; kết quả và nỗ lực của Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023 - 2025); nâng cao ý thức cảnh giác trước các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh chỉ đạo treo 35 băng rôn tuyên truyền với các nội dung như: Bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người; Việt Nam chung sức cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; Việt Nam ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người; Việt Nam nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số… trên các tuyến đường trung tâm TP Quy Nhơn từ ngày 20.11 đến hết ngày 31.12 nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với công tác bảo đảm quyền con người.
* Xin cảm ơn ông!
KIỀU ANH (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định