Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, các dồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng báo cáo kết quả thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn NTM
Báo cáo tại buổi lễ, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định từng bước khởi sắc. Từ một huyện trung du, khó khăn Tây Sơn đã từng bước trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện Tây Sơn đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách của huyện hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao.
Đại biểu dự lễ
Huyện Tây Sơn cũng xác định là một trong những địa bàn nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền giữa cảng Quy Nhơn với vùng Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện trở thành một trong những khu vực phát triển sâu về lĩnh vực công nghiệp. Huyện luôn xác định “công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là bệ đỡ, du lịch là mũi nhọn” để phát triển thế mạnh của địa phương. Toàn huyện có 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 472 héc ta phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 81%, giải quyết việc làm cho 6.000 lao động tại địa phương.
Quang cảnh buổi lễ
Thu nhập bình quân đầu người ở huyện Tây Sơn đạt hơn 47 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,57%. Toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 thị trấn đạt các tiêu chí đô thị văn minh. Trong gần 13 năm xây dựng NTM, Tây Sơn huy động 17.200 tỷ đồng thực hiện chương trình. Các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; an ninh trật tự xã hội được tăng cường và ổn định; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, các giá trị văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Tại buổi lễ, ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn nhấn mạnh: Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn NTM năm 2023 là thành quả của sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, cùng sự hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh. Đây chính là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà tiếp tục giữ vững, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được. Đồng thời, chúng tôi quyết tâm phấn đấu để huyện Tây Sơn sớm trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 và đạt chuẩn thị xã trước năm 2030.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc (thứ hai bên trái) trao bằng công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn NTM năm 2023
Tại buổi lễ, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã đọc công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trao bằng công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo huyện Tây Sơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tây Sơn nói riêng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Bình Định đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, với số xã và địa phương cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành NTM cao hơn bình quân chung của tỉnh.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông mới là niềm vui lớn, tuy nhiên huyện phải phấn đấu đạt được nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để có niềm vui lớn hơn, chăm lo đời sống của người dân tốt hơn, xứng đáng với quê hương của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ, vị anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phó Thủ tướng tâm đắc với câu nói: “Nông thôn mới- Tư duy mới-Cách làm mới” và cho rằng, các cấp, các ngành huyện Tây Sơn và tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ, bảo đảm 9 chữ này sẽ xây dựng được NTM kiểu mẫu, hiện đại. Cả nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hùng cường, hội nhập với xu thế hội nhập của thời đại. Do đó, thời gian tới, cả nước phải nỗ lực chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa, tái cơ cấu và áp dụng khoa học kỹ thuật mạnh mẽ hơn nữa. Với huyện Tây Sơn, Phó Thủ tướng gợi ý địa phương phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nâng cao giá trị ngành công nghiệp, thương mại, trong đó định hướng hình thành các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao. Với nông nghiệp, phải hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và có giải pháp đảm bảo đầu ra cho nông sản. Trên lĩnh vực giảm nghèo, tỉnh Bình Định cần tính toán, hỗ trợ xây dựng các nhà ở cho hộ nghèo vững chãi, tránh tình trạng vừa xây đã xuống cấp, vài năm phải hỗ trợ lại đồng thời đi kèm với đó là các chính sách. Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kinh tế phải đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị huyện Tây Sơn cần nỗ lực chuyển đổi cơ cấu mạnh hơn nữa, không chỉ về lĩnh vực mà cả cơ cấu ngành nghề; hình thành những vùng sản xuất lớn, chuyên canh, năng suất cao; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhiều mô hình kinh tế để người dân thoát nghèo… Cần có một tư duy mới để đảm bảo nông thôn mới phát triển một cách bền vững. Không chỉ riêng các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chế biến mà các vấn đề an sinh xã hội, phát triển đô thị, quản lý môi trường cũng cần phải có cách nhìn mới, làm mới. Đề nghị huyện Tây Sơn tập trung phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu, coi đây là mục tiêu phấn đấu về mặt lâu dài.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, huyện Tây Sơn có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, bởi vì ở đây rất gần sân bay Phù Cát, nơi sẽ trở thành sân bay quốc tế, cảng Bình Định sẽ trở thành cảng quốc tế, đầy đủ điều kiện để xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Định trong thời gian qua. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tây Sơn nói riêng “Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thực hiện thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Nêu bật 6 nhiệm vụ, mục tiêu của tỉnh Bình Định trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu cấp cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, xác định nông thôn mới phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Cân đối giữa nhu cầu phát triển các không gian chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và duy trì bảo vệ hệ sinh thái nông thôn. Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; trong đó, đặc biệt quan tâm tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, tạo việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.
Đại diện Quỹ Tâm Tài Việt (thứ ba bên phải sang) trao tặng 300 triệu đồng học bổng cho học sinh huyện Tây Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Tây Sơn duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, tập trung xây dựng các mô hình NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM thông minh. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các khu vực nông thôn còn khó khăn, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững cho toàn tỉnh…
Nhân dịp lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, Quỹ Tâm Tài Việt đã tặng học bổng 300 triệu cho các em học sinh huyện Tây Sơn./.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm OCOP địa phương