Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh và Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Định.
Trong năm 2024, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của vùng đồng bào DTTS&MN. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt mục tiêu của năm và đã giảm so với cùng kỳ năm trước; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Chương trình MTQG DTTS&MN được Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng. Mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS&MN được cải thiện, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS & MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc (CLCTDT) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...
Với sự quyết liệt, tập trung chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực triển khai thực hiện những giải pháp tháo gỡ của các bộ ngành liên quan, số liệu giải ngân vốn đầu tư công đến nay đã có sự cải thiện đáng kể, kết quả giải ngân Chương trình MTQG DTTS&MN đã có sự chuyển biến tích cực trong năm 2024. Cụ thể, đối với vốn đầu tư công (bao gồm cả vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024): So với tình hình giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước và các Chương trình MTQG, kết quả giải ngân Chương trình MTQG DTTS và MN đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tại Bình Định, năm 2024, kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi có bước phát triển đáng kể; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện; tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn tuyến núi ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng củng cố và giữ vững. Đến nay, các xã đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 4%/năm (so với chỉ tiêu là giảm 3% - 4%/năm); Giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; Trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; Trên 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; Trên 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được tiếp cận với phương tiện nghe, nhìn; Giữ vững 100% tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, học sinh trong độ tuổi: Học tiểu học đạt trên 99,7%, học sinh trung học cơ sở đạt trên 95%, học sinh trung học phổ thông đạt trên 60%; Giữ vững 100% xã đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trong giai đoạn 2020 - 2025 và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giữ vững 100% xã có bác sỹ; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 100% thôn (làng) có nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 50% thôn (làng) có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Định có một số đề xuất, kiến nghị bao gồm: cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tiếp cận các dịch vụ xã hội chất lượng cao như: Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả nước; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt từ 90-100%; Giải quyết từ 80 - 100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất. Bên cạnh đó, điều chỉnh giảm lại số lượng Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần trùng nhau và xem xét để lồng ghép, sắp xếp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho phù hợp để dễ triển khai thực hiện. Có cơ chế thông thoáng và chính sách đủ mạnh để tăng cường hấp dẫn, thu hút đầu tư các doanh nghiệp và tăng cường năng lực các hợp tác xãvùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn để giúp đồng bào dân tộc thiểu số đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, phát triển vùng dược liệu quý, xây dựng và phát triển các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao, ghi nhận và chúc mừng những kết quả UBDT đạt được trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh rằng công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Do đó, đồng chí Nguyễn Hoà Bình đề nghị UBDT tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Công tác dân tộc. Bên cạnh đó, triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Quyết tâm triển khai, hoàn thành sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy công tác dân tộc tại Trung ương và địa phương để đi vào hoạt động ngay từ đầu năm 2025. Tiếp tục rà soát toàn bộ thể chế, quy chế để phù hợp, hiệu quả với với bộ máy tổ chức mới; đồng thời tham mưu tổng kết các CSDT giai đoạn 2021-2025, tham mưu ban hành sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc trong giai 2026-2030 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về CTDT, CSDT đến đồng bào DTTS; kịp thời xử lý, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường,... trên địa bàn, không để bị động bất ngờ, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc…
Tác giả: DTD