Bệnh hiếu danh thường song hành với thói đạo đức giả. Đây là điều quần chúng nhân dân vô cùng khinh ghét. Như đã phân tích từ bài viết trước, từ hiếu danh mà kéo theo vô số thói hư, tật xấu như: kiêu ngạo, hẹp hòi, ích kỷ, đam mê quyền lực, chạy chức, chạy quyền, xa rời quần chúng… Trong bối cảnh toàn Đảng đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc kịp thời nhận diện nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa quan trọng để đưa ra những “liều vắc xin” đặc trị.
Nguyên nhân gây bệnh
Phải khẳng định, những người mắc bệnh hiếu danh là những người chưa thấm nhuần tính Đảng, chưa hiểu thấu trách nhiệm và nghĩa vụ của người đảng viên. Hay nói cách khác, đó là người chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một người cách mệnh như yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn vào những người mắc bệnh hiếu danh, một thực tế đáng buồn là không ít kẻ ngay từ khi vào Đảng đã có động cơ không trong sáng. Thay vì vào Đảng để cống hiến, để phục vụ Tổ quốc, nhân dân thì lại có những người xin vào Đảng để “cho oai” với bạn bè, người thân. Một số khác lại có động cơ vào Đảng để “làm quan cách mạng”. Những người này lợi dụng danh nghĩa đảng viên để tìm cách chui sâu, leo cao vào các cơ quan trong hệ thống chính trị nhằm mục đích vụ lợi. Chính vì vậy, họ tìm đủ mọi cách khuếch trương thanh thế, đánh bóng tên tuổi để tạo bước đệm cho những mưu đồ cá nhân.
Ngoài ra, có một số cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện mà đánh mất chính mình, để chủ nghĩa cá nhân lấn át bản lĩnh cách mạng, để tiền tài, danh vọng làm mờ mắt. Khi bàn về nguyên nhân của những khuyết điểm, sai lầm mà cán bộ, đảng viên mắc phải (trong đó có bệnh hiếu danh), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”.
Có những đảng viên xuất phát điểm là tốt, tích cực, tuy nhiên sau vài lần được vinh danh, ca ngợi thì lại trở nên kiêu ngạo, tự mãn, “tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại”. Từ đó, họ chạy theo những thứ danh lợi tầm thường một cách bất chấp. Cũng có một số cán bộ, đảng viên, sau khi được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, chỉ huy, nắm quyền lực, được người khác tung hô, bị “nịnh thần” che mắt thì đánh mất chính mình, sa vào vòng xoáy hư vinh, chỉ muốn nghe lời ngon ngọt mà không muốn nghe những lời phê bình.
Nhìn nhận một cách khách quan, một người dù tốt, dù có năng lực nhưng nếu không được khen thưởng, vinh danh thì sẽ rất khó để nhận được sự quan tâm, chú ý của cấp trên. Ngược lại, một cán bộ khi có tiếng, có danh thì dù năng lực còn hạn chế phần nào nhưng vẫn có được nhiều sự chú ý. Thực tế, khi xem xét quy hoạch, bổ nhiệm hay thực hiện các nội dung khác về công tác cán bộ, ở không ít nơi vẫn căn cứ vào số lượng giấy khen, bằng khen hay các hình thức khen thưởng khác để làm tiêu chí đánh giá. Chính vì vậy, không hiếm người sẵn sàng bỏ ra một khoản vật chất lớn để “mua danh”, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy bằng cấp”… Đây là điều không thể chấp nhận.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Ðảng
Chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, “một bàn tay không làm nên tiếng vỗ”. Hiếu danh nếu chỉ dừng lại ở một cá nhân thì sẽ rất dễ dàng thanh tẩy và khó có thể gây hại lớn. Tuy nhiên, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng không được thực hiện nghiêm đã trở thành môi trường để căn bệnh hiếu danh được dung dưỡng, lan truyền, tạo ra những hệ lụy tiêu cực.
Trước hết, đó là tình trạng nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng chưa được thực hiện nghiêm, thậm chí vi phạm, núp bóng tập thể để “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy thành tích”... Cách đây một vài năm, vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã từng gây rúng động dư luận. Cũng nhờ những danh hão trong thi đua, khen thưởng mà Trịnh Xuân Thanh có thêm nhiều điều kiện tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp, thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phản cảm trong nhân dân.
Cùng với đó, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình ở không ít cán bộ, đảng viên còn yếu, đối với bản thân không thẳng thắn nhìn nhận vi phạm, khuyết điểm, đối với đồng chí không dám phê bình. Mặt khác, còn tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thực hiện đúng quy định về trách nhiệm nêu gương, cá biệt có nơi chính người đứng đầu mắc phải căn bệnh háo danh, trở thành gương xấu cho cấp dưới.
Một nguyên nhân nữa làm cho bệnh hiếu danh tồn tại là bởi công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, không hiệu quả; hoạt động sinh hoạt Đảng mang tính hình thức, thiếu thực chất, bị buông lỏng. Điều này kéo theo việc phát hiện, xử lý không kịp thời, khiến bệnh hiếu danh ngày càng trở nặng./..