Những ngôi sao màn ảnh nhỏ
Ngày 2-10-1977, Đài Phát thanh Sông Bé chính thức lên sóng. Chỉ 2 giờ mỗi ngày, nhưng làn sóng AM lúc đó phủ khắp thị xã, núi đồi, làng mạc vẫn còn hằn in dấu tích chiến tranh, thật sự đã làm thỏa lòng mong ước của nhân dân, đặc biệt là các huyện vùng xa của tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Người vinh dự thể hiện lời xướng cho phát thanh Sông Bé 47 năm trước là phát thanh viên Lê Thị Yểm.
“Buổi phát sóng đầu tiên năm đó, tất cả ê-kíp đều có mặt. Mọi người hồi hộp chờ đợi giây phút phát sóng đầu tiên. Khi nhạc hiệu vang lên và chúng tôi trịnh trọng đọc lời xướng: “Đây là Đài Phát thanh Sông Bé...”, cả ê-kíp vỡ òa hạnh phúc. Với tôi, đã 47 năm qua nhưng ký ức ngày ấy vẫn nhớ mãi” - bà Yểm trải lòng.
Cựu phát thanh viên Lê Thị Yểm
Với khán, thính giả của màn ảnh nhỏ Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (BPTV) giai đoạn 1997-2019, phát thanh viên Kim Anh chính là ngôi sao, là thần tượng một thời của hầu hết mọi nhà. Ngoại hình đẹp, gương mặt ăn ảnh, giọng đọc rõ ràng, phát âm chuẩn giọng Sông Bé chính là những ưu điểm của chị Kim Anh. Chị cũng là người vinh dự thể hiện lời xướng cho Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước ngày đầu thành lập năm 1997 (nay là Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước).
“Những khoảnh khắc đáng tự hào ấy nhắc tôi luôn cố gắng hoàn thành trọng trách là gương mặt đại diện của BPTV. Vào nghề khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tôi và các đồng nghiệp phải nỗ lực không ngừng, phải xử lý tình huống linh hoạt và chính xác, phải phấn đấu, trau dồi nghề nghiệp, kỹ năng và luôn học hỏi không ngừng” - chị Kim Anh bộc bạch.
Phát thanh viên Kim Anh năm 1999
Trăn trở nghề “làm dâu trăm họ”
Phát thanh viên, người dẫn chương trình là ước mơ, khao khát của rất nhiều bạn trẻ bởi tính chất công việc vô cùng đặc thù này: luôn tươm tất, chỉn chu, thoa son đánh phấn... Thế nhưng để có được những khoảnh khắc tỏa sáng trên màn ảnh nhỏ, ít ai biết được đội ngũ phát thanh viên phải khổ luyện vất vả ra sao.
Trong quy trình sản xuất hậu kỳ, phát thanh viên bao giờ cũng đến sớm và về muộn nhất so với những vị trí khác. Bởi họ phải nghiên cứu kỹ từng tác phẩm báo chí để tìm ra phương thức chuyển tải phù hợp nhất nội dung tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Đó là chưa kể họ phải làm việc trong môi trường ánh sáng cường độ cao, phải thật tập trung, luôn giữ ánh nhìn, nét mặt phù hợp với từng dòng tin, phóng sự mà họ thể hiện... Đó cũng là khía cạnh thú vị của nghề “làm dâu trăm họ”.
“Chúng tôi cũng áp lực lắm khi lên hình, bởi Bình Phước như một Việt Nam thu nhỏ vậy, có người thích giọng Bắc, có người lại thích giọng Nam Bộ… Vì vậy, mình phải khéo léo, phải lấy lòng khán, thính giả bằng sự ân cần, nhã nhặn, chinh phục họ bằng tố chất riêng có và phong cách là thế mạnh của từng phát thanh viên” - chị Vương Thị Thu Mây, cựu phát thanh viên BPTV chia sẻ.
Cựu phát thanh viên Thu Mây trao đổi với đồng nghiệp
Phát thanh viên còn là một nghề không bền, luôn chịu sức ép của 2 từ “thanh", "sắc”... Phía sau hình ảnh “như mơ” của nghề là chuỗi ngày gian khó mà chỉ những người trong nghề, trong cùng ê-kíp sản xuất chương trình mới thấu hiểu.
Xuất phát từ yêu cầu ngày càng cao của công chúng, lãnh đạo các đài phải liên tục thay đổi phát thanh viên để phù hợp thị hiếu công chúng. Vì vậy, vị trí của phát thanh viên trong các cơ quan báo chí thường không bền, một khi thanh không còn trong trẻo, sắc không còn tươi tắn nữa họ phải lui về hậu trường, nhường sân khấu cho lớp kế cận trẻ trung hơn, mới mẻ hơn!
Kiếp tằm thì phải nhả tơ - quy luật đó ai cũng biết. Bén duyên với nghề, các thế hệ phát thanh viên đều cháy hết mình trong nghề. Và để rồi sau đó, họ nỗ lực tự học, tự rèn, thích ứng ngay với công việc mới một khi kết thúc công việc “làm dâu trăm họ”.Trong sự lớn mạnh của báo chí Sông Bé, nhiều năm qua vẫn chưa có một phát thanh viên nào được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. Nhiều thế hệ phát thanh viên mong muốn lãnh đạo các cơ quan báo chí nghiên cứu thêm về quy định, thể lệ và điều kiện công nhận “Nghệ sĩ ưu tú” đối với phát thanh viên, để có thể cô Tư Yểm, chị Kim Anh hay nhiều gương mặt xuất sắc khác sẽ được tôn vinh. Đó cũng là hình thức tri ân họ, những người một đời “phun châu - nhả ngọc”, là gương mặt đại diện cho các cơ quan báo chí Sông Bé một thời vang bóng./..