Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho biết: Ngày 30-9-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Bình Phước chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” thành một động lực phát triển thực sự trong vùng Đông Nam Bộ, với 6 nhóm giải pháp lớn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước
Theo đó, Ban Thường vụ đã ban hành hệ thống các chủ trương, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực một cách toàn diện, đồng bộ với 58 kết luận, nghị quyết, chỉ thị, đề án về: Phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp; thương mại, dịch vụ; nông nghiệp; khoa học, công nghệ; đô thị; chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính; huy động nguồn lực đầu tư; phát triển văn hóa, xã hội, du lịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
2022 là năm phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần nỗ lực, thận trọng, đổi mới tư duy tiếp cận và xử lý vấn đề, Bình Phước đã giữ ổn định trong thời gian diễn biến dịch, triển khai kịp thời các gói hỗ trợ, tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, qua đó kinh tế - xã hội đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá - đạt 8,42%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (7-7,5%), tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng báo cáo tại buổi làm việc
Riêng 2 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của người dân tăng sau dịp tết cổ truyền. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 1.764 tỷ đồng, đạt 12% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 11% dự toán HĐND tỉnh thông qua, bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng chi ngân sách nhà nước thực hiện 3.656,5 tỷ đồng, đạt 20% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua. Giải ngân vốn đầu tư được 623,4 tỷ đồng, đạt 8,4% so với chỉ tiêu Trung ương giao và đạt 10,8% so với kế hoạch tỉnh. Thu hút đầu tư trong nước được 10 dự án, với số vốn 1.707 tỷ đồng, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.218 dự án, với tổng số vốn 117.540 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 5 dự án, với số vốn trên 16,2 triệu USD; lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 371 dự án FDI, với tổng số vốn gần 3 tỷ 464 triệu USD…
Lãnh đạo các đơn vị nội chính báo cáo tại buổi làm việc
Song song với nhiệm vụ chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ tỉnh chú trọng; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu quy định của ngành…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiến nghị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và các thành viên đoàn công tác có ý kiến đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP; quy hoạch 8 khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú tại địa bàn 2 xã Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú với quy mô khoảng 4.000 ha. Việc quy hoạch các khu công nghiệp này sẽ tạo đột phá chiến lược cho tỉnh Bình Phước trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tỉnh Bình Phước đã thực hiện nhanh và quyết liệt, bài bản các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh thông qua việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể, rõ ràng. Công tác xây dựng và phát triển Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết triệt để các vụ án đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân, doanh nghiệp. Với một tỉnh năng động và đang bứt phá để phát triển nhanh, bền vững, Bình Phước cần lưu ý tiếp tục quán triệt các nghị quyết vào cuộc sống; thực hiện nghiêm các mặt công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng ghi nhận kiến nghị của Bình Phước và cho rằng việc triển khai thành công dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành và cao tốc phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành cùng với tiềm năng, thế mạnh sẽ góp phần để Bình Phước bứt phá, cất cánh nhanh trong thời gian tới.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường tiếp thu và cảm ơn phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường tiếp thu và cảm ơn phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Đồng thời nhấn mạnh, Bình Phước đã và đang nỗ lực vượt lên khó khăn, thực hiện thành công các nhiệm vụ theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra để phấn đấu đến hết năm 2025 trở thành một tỉnh công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư…