Sign In

Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng và thực tiễn tại Bình Phước

07:27 05/06/2024
Bác Hồ kính yêu luôn dành những tình cảm thương yêu tha thiết cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ dành cho “mọi kiếp người”, có một tình yêu bao la, đặc biệt dành cho thiếu niên, nhi đồng. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm và lời dạy của Bác dành cho thiếu nhi là một trong những di sản vô giá của dân tộc và của thế hệ trẻ. Đó cũng là những định hướng để các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng phương châm giáo dục và rèn luyện thế hệ măng non của đất nước.    
   

Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng

Lúc sinh thời, Người dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, con cháu, già, hết lòng thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu nhi, Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu nhi đối với tương lai đất nước. Trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châuđược hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Những vần thơ của Bác Hồ dành cho thiếu nhi chứa đựng tình thương yêu sâu sắc và thắm thiết. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...
 
Người cho rằng thiếu niên, nhi đồng là chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, Người yêu cầu toàn Đảng, toàn dân và tất cả mọi lực lượng quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng: “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Trong bài Nói chuyện tại hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, Người căn dặn các cán bộ phụ trách thiếu nhi: “Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng rất quan trọng, đó là nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho Tổ quốc”. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25/8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả”. Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người nhắc nhở, ngày Tết Thiếu nhi 01/6, người lớn trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng và người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”.
 
          Bác Hồ với các em thiêu niên nhi đồng. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Mỗi bài thơ, bức thư, câu nói của Bác, bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò từng ly từng tý đối với thiếu nhi: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng...”, đồng thời động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”.

Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền giáo dục mới mà chúng ta xây dựng sẽ phải hướng đến mục tiêu đào tạo thiếu niên, nhi đồng thành những công dân có ích cho xã hội trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, hướng đến giáo dục các em trở thành những người có ích cho xã hội.Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Từ việc đánh giá cao về vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng, cũng như công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng, Bác luôn đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng một cách toàn diện.

Trong nhiều bài nói, bài viết và chỉ dẫn của mình, Người cho rằng, giáo dục đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng là giúp thanh niên trở thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt. Phải kết hợp các hình thức giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó người lớn phải nêu gương sáng cho thiếu niên, nhi đồng noi theo. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo.

Phải tập hợp thiếu niên, nhi đồng trong các tổ chức và thông qua các tổ chức để giáo dục các cháu. Hết lòng thương yêu và ân cần giáo dục thiếu niên, nhi đồng bằng chính tấm gương sáng ngời của mình, Bác Hồ rất tin tưởng vào lực lượng này đối với tương lai đất nước. Lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thiếu niên, nhi đồng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương giáo dục thiếu niên, nhi đồng và ban hành nhiều chính sách, văn bản liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em.

Thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng

Công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng ở Bình Phước luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và toàn xã hội quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Các em luôn phấn đấu, thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy, các em chăm chỉ học tập để đạt nhiều điểm 10 dâng lên Bác; tích cực rèn luyện và tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Đội, của trường. Phong trào Thanh thiếu nhi trong tỉnh đã và đang cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, làm nhiều việc có ích từ chính những hành động nhỏ nhất, thiết thực nhất, có nhiều hoạt động phù hợp, tạo sức lan tỏa lớn, mang lại nhiều kết quả tích cực như giúp đỡ, hỗ trợ và tiếp bước đến trường cho hàng ngàn lượt học sinh khó khăn, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, tiết kiệm, sẻ chia giúp đỡ bạn bè. Cuộc vận động “Giúp bạn tới trường”, “Bạn giúp bạn” được thực hiện hiệu quả, giúp được nhiều em thiếu nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ nguồn động viên rất lớn về tinh thần, một phần đóng góp về vật chất của bạn bè cùng trang lứa, cộng với nghị lực của các bạn học sinh nghèo đã tạo nên nhiều tấm gương vượt khó học giỏi, có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Đặc biệt, phong trào “Nghìn việc tốt” được triển khai râu rộng đến từng thanh thiếu nhi và xuất hiện nhiều gương việc tốt. Bằng nhiều việc làm thiết thực, thiếu nhi toàn tỉnh đã góp được hàng ngàn cuốn sách giáo khoa, tập vở và rất nhiều quần áo; giúp được trên hàng chục ngàn lượt học sinh nghèo vượt khó học tập, xây dựng được nhiều căn nhà Khăn quàng đỏ, trao xe đạp. Thực hiện và duy trì những công trình măng non với các công trình, phần việc như: chăm sóc cây cảnh, bồn hoa, làm khu vui chơi, xây dựng tủ sách, mua trống, kèn và các dụng cụ phục vụ công tác Đội tại đơn vị. Đội viên toàn tỉnh cũng đã duy trì hiệu quả việc tổ chức viếng, đảm nhận dọn vệ sinh các tượng đài. Trong chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bình Phước”, thiếu nhi toàn tỉnh đã cùng với Hội đồng Đội các cấp vận động và trao các suất học bổng, cặp, sách vở và dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới. 

 Ngoài ra, các cấp bộ đoàn, đội trong tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, về nước sạch, ý thức tiết kiệm, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giao lưu, hội nhập quốc tế... cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời, quan tâm định hướng cho thiếu nhi tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ý nghĩa giáo dục, lành mạnh, tránh xa các trò chơi độc hại, có yếu tố bạo lực, phản văn hóa. Các chương trình, hoạt động hỗ trợ đã góp phần chăm lo, giúp đỡ cho thiếu niên, nhi đồng, tạo điều kiện giúp các em phấn đấu học tập, vươn lên trong cuộc sống, có nhiều thành tích tốt trong học tập và rèn luyện.

Với những hoạt động cụ thể, thiết thực, công tác chăm lo, giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đó tạo điều kiện cho các em ra sức học tập và rèn luyện, sáng tạo, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh./..
                                                                                       
 

Tag:

File đính kèm