Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Thị Nhung chủ trì phiên thuyết trình văn bản trình Kỳ họp thứ 17, sáng 3/12.
Nhiều nội dung quan trọng sẽ trình kỳ họp
Thuyết trình về việc quyết định biên chế công chức, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, biên chế Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Cà Mau năm 2025, ông Phạm Chí Hải cho biết, số lượng biên chế chưa sử dụng tại thời điểm đầu tháng 10 trên địa bàn là 1.021 người, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực giáo dục với 723 người.
Ông Nguyễn Minh Đương, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND, tỉnh báo cáo thẩm tra, cho ý kiến về các nội dung sẽ trình kỳ họp.
Căn cứ lộ trình giảm biên chế giai đoạn 2022-2026 và tình hình thực tế về quản lý, sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước của tỉnh Cà Mau năm 2025 là 1.956 biên chế công chức, giảm 26 biên chế công chức so năm 2024. Trong đó cấp tỉnh 1.062 biên chế công chức (giảm 12 biên chế công chức so năm 2024).
Tại phiên họp, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thuyết trình về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 01/2022/NQHĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo mức nâng lên theo Nghị định số 76/2024/NĐ-CP.
Ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính, thuyết trình tờ trình và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2023; dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2025; phân bổ dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2025; thông qua Đề án thành lập và mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất tỉnh Cà Mau; quy định thẩm quyền quyết định việc quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh Cà Mau để thực hiện mua sắm trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Cà Mau.
Việc bổ sung danh mục, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm nhằm linh hoạt, chủ động trong thực hiện đầu tư công thực hiện các dự án trọng điểm, bức xúc, trong đó có dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Cà Mau, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thuyết trình về nội dung bổ sung danh mục, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, sau điều chỉnh là 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng 107,627 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn cân đối ngân sách địa phương. Cùng với đó, ông Thánh cho biết, kế hoạch đầu tư công năm 2025 tỉnh Cà Mau trên 6,3 nghìn tỷ đồng.
Thuyết trình về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2030, ông Mã Minh Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân, đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 25 m2 sàn/người và đến năm 2030 đạt 30 m2 sàn/người; đến năm 2030, tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên địa bàn tỉnh, không để phát sinh nhà ở đơn sơ và 90% nhà ở trên địa bàn tỉnh có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải đồng bộ, được đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
Nhiều quy định dự kiến hỗ trợ rất nhân văn
Tại cuộc họp sáng nay, HĐND tỉnh nghe các cơ quan thuyết trình tờ trình và dự thảo nghị quyết: Đề án thành lập và mức vốn điều lệ ban đầu, vốn điều lệ bổ sung cấp cho Quỹ phát triển đất; quy định thẩm quyền quyết định việc quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách tỉnh để thực hiện mua sắm trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phục vụ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2025 trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh, ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 và Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 9/10/2024 của HĐND tỉnh.
Thuyết trình tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa; nội dung và mức chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước; mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu.
Đối với mức hỗ trợ một số đối tượng khó khăn được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và nâng định mức trợ giúp xã hội cho trẻ em đang nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tham gia học trung cấp, cao đẳng và đại học, qua rà soát, thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3.202 đối tượng cần trợ cấp xã hội hằng tháng.
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 25, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, quy định mức trợ cấp nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tham gia học trung cấp, cao đẳng, đại học nhân với hệ số 4,0 (tương đương 2 triệu đồng), đã thực hiện hỗ trợ cho 5 đối tượng tham gia học trung cấp, cao đẳng, đại học (2 cao đẳng, 3 đại học). Tuy nhiên, theo tình hình thực tế hiện nay, sau khi tốt nghiệp THPT, các em tham gia học trung cấp, cao đẳng, đại học thì phải trang trải rất nhiều chi phí (thuê phòng trọ, phương tiện đi lại và các chi phí khác…), do đó rất cần sự hỗ trợ để các em hoàn thành việc học tập hoặc học nghề nghiệp để có việc làm ổn định và nuôi sống bản thân, vì vậy đề xuất nâng lên 8,0 (tương đương 4 triệu đồng)
Về việc hỗ trợ xây mới vỏ mộ; sửa chữa, nâng cấp mộ liệt sĩ an táng tại phần đất gia đình bị hư hỏng, xuống cấp, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, trên địa bàn tỉnh có 12.050 hài cốt liệt được quy tập, trong đó mộ liệt sĩ đang an táng trong nghĩa trang liệt sĩ 8.324 mộ và 3.726 mộ liệt sĩ đang an táng tại gia đình, đối với mộ liệt sĩ đang an táng tại gia đình đã được quy tập cách đây hơn 60 năm. Trong tổng số 3.726 mộ do gia đình quản lý có 3.184 mộ hiện trạng bình thường, tốt; 81 mộ hư hỏng gia đình đã tự bỏ kinh phí ra để sửa chữa; 461 mộ hư hỏng, xuống cấp, trong đó, có 12 mộ đất có nguy cơ ngập và mất; 449 mộ bị hư hỏng, xuống cấp, cần hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa khẩn cấp, nhưng thân nhân, thân tộc, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh rất khó khăn không có khả năng sửa chữa. Vì vậy, cần phải có nguồn lực để hỗ trợ xây mới vỏ mộ; sửa chữa, nâng cấp đảm bảo khang trang.
“Các thành viên UBND tỉnh thống nhất nâng định mức hỗ trợ xây mới vỏ mộ là 20 triệu đồng/mộ; sửa chữa, nâng cấp mộ liệt sĩ an táng tại phần đất gia đình bị hư hỏng, xuống cấp là 15 triệu đồng/mộ. Nguồn hỗ trợ này ước khoảng 6,9 tỷ đồng. Được HĐND tỉnh thông qua, đây được xem là nghĩa cử, đạo lý mà chúng ta đền ơn, đáp nghĩa những hy sinh của các thế hệ cho hoà bình của đất nước”, ông Nguyễn Quốc Thanh xúc động chia sẻ.
Việc quy định mức hỗ trợ để các em đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội tham gia học trung cấp, cao đẳng và đại học để có việc làm ổn định và nuôi sống bản thân là việc làm nhân văn vì sự phát triển toàn diện của xã hội. (Trong ảnh: Các em tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, trình diễn văn nghệ nhân khai giảng lớp kỹ thuật làm nước rửa chén ngày 13/8/2024).
Ngành y tế thuyết trình mức hỗ trợ hằng tháng cho Nhân viên y tế ấp, khóm trên địa bàn tỉnh; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý; ngành thông tin và truyền thông thuyết trình quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng giai đoạn 2025-2027; ngành văn hoá thuyết trình mức chi hỗ trợ kinh phí xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư…
Tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5-7%
Đối với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau năm 2025, ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5-7%; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.300 triệu USD; thu ngân sách đạt 5.986 tỷ đồng; chi ngân sách đạt 16.593 tỷ đồng…
“Tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư toàn xã hội; thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, phát triển văn hoá, thể thao; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước và chuyển đổi số. Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại”, ông Nguyễn Đức Thánh nêu mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cũng tại phiên thuyết trình này, các ban HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra, cho ý kiến về các nội dung mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Trần Nguyên