Hành trình về nam chiến đấu
Lực lượng quân sự khi tập kết ra Bắc, một số được đi học văn hoá, đào tạo cán bộ ở các trường trong và ngoài quân đội, số còn lại tập trung huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy, lao động sản xuất... góp phần cùng miền Bắc xây dựng hậu phương vững mạnh.
Với ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị thành lập binh đoàn mở đường Trường Sơn (Ðoàn 559) để chi viện cho chiến trường miền Nam. Ðoàn có nhiệm vụ mở con đường mòn gùi thồ, hành quân bộ (về sau phát triển thêm đường cơ giới), đó chính là con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường giao thông huyết mạch góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Bộ đội vượt Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Cuối năm 1959, khi đường Trường Sơn được khai thông, Ðảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng bắt đầu chỉ đạo thành lập và đưa các đoàn cán bộ quân sự là con em miền Nam tập kết ra Bắc về tăng cường cho cách mạng miền Nam. Ban đầu là những đoàn nhỏ, số lượng vài chục đến vài trăm người. Ngày 7/5/1961, đoàn cán bộ quân sự có số lượng lớn đầu tiên với gần 600 người mang tên Ðoàn Phương Ðông đã lên đường về Nam chiến đấu.
Ðoàn Phương Ðông lên đường vào Nam được biên chế thành khung của các cơ quan quân sự Miền; khung các đơn vị binh chủng pháo binh, đặc công, công binh, thông tin...; khung các Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Quân khu 9 và khung các trung đoàn chủ lực Miền. Từ đó góp phần xây dựng lực lượng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại và ngày càng lớn mạnh, lập nên nhiều chiến công lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu cùng với lý tưởng cách mạng và tiếng gọi quê hương, những người lính tập kết trở về đã chịu đựng biết bao gian khổ, hiểm nguy. Kết thúc chiến tranh, trong số cán bộ quân sự Ðoàn Phương Ðông ngày nào, có 57 người hy sinh; 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 11 người mang hàm cấp tướng, đảm nhận các chức vụ từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến các Tư lệnh phó Tư lệnh Quân khu 8 và Quân khu 9; hàng trăm người cấp tá, cấp uý, hàng chục người trở thành cán bộ chủ chốt trong các cơ quan dân chính đảng ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long.
Và câu chuyện tình yêu người lính Phương Đông
Qua giới thiệu, một ngày tháng 9, tôi đến ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, gặp bà Trần Thị Hoà, đầu mối chính của bài viết.
Trước mặt tôi là 2 quyển sách có tên: “Những kỷ niệm sâu sắc của Ðoàn Phương Ðông miền Trung và Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và “Những truyện ngắn thông tin liên lạc Quân khu 9 - 30 năm kháng chiến” của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Thông tin Quân khu 9. Kẹp trong quyển sách là lá thư của Ðại tá Nguyễn Thông (Ba Kế), Phó ban Liên lạc Ðoàn Phương Ðông miền Tây Nam Bộ. Thư ghi: “Kính gửi đồng chí Ba Hoà (vợ đồng chí Ba Danh)” kèm theo địa chỉ. Lá thư được đánh máy, nội dung thư, nhân dịp xuất bản quyển sách “Những kỷ niệm sâu sắc của Ðoàn Phương Ðông miền Trung và Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, Ban Liên lạc Ðoàn Phương Ðông tổ chức buổi họp mặt (năm 2005), có mời tất cả cựu chiến binh của đoàn và gia đình các đồng chí trong đoàn đã hy sinh về dự. Nhưng tiếc là không thấy có mặt bà Hoà, nên gửi thư thăm hỏi, kèm theo gửi biếu quyển sách. Cuối thư, còn có phần tái bút với chữ viết tay: “Ðược thơ, chị Ba cho biết tình hình gia đình. Lâu quá không được tin chị và các cháu”.
Bà Trần Thị Hoà bồi hồi kể câu chuyện tình yêu của mình với người chồng là cán bộ tập kết Ðoàn Phương Ðông. |
Bà Trần Thị Hoà (Ba Hoà) năm nay đã ở tuổi 86, người mảnh khảnh, sức khoẻ còn tốt, giọng từ tốn, đặc biệt đầu óc bà còn rất minh mẫn. Bà cho biết, chồng bà là ông Trần Danh, quê Sóc Trăng, nhập ngũ năm 1948 ở Tiểu đoàn 308; là bộ đội tập kết, tham gia trong Ðoàn Phương Ðông về Nam năm 1961. Ông được phân công công tác ở Ban Thông tin Quân khu 9, chức vụ Ðại đội trưởng, hoạt động địa bàn từ U Minh Thượng (Kiên Giang) đến Sông Trẹm, Cái Tàu...
Ông và bà quen nhau năm 1962, khi đó bà là Bí thư Chi bộ Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch (nay gồm Biển Bạch Ðông, Biển Bạch, Tân Bằng). Năm 1963, hai người thành hôn.
“Anh bận làm nhiệm vụ suốt, lâu lâu trên đường đi công tác thì ghé ngang thăm nhà. Có khi ở được 1-2 bữa, có khi chiều ghé ngủ rồi sáng lại đi. Sau khi sinh con đầu lòng, tôi là Xã uỷ viên, công tác nhiều hơn trước, có khi chồng về cũng không gặp”, bà nhắc về chồng bằng tình cảm yêu thương, trìu mến. Cũng giọng đầy xúc động, bà kể tiếp: “Anh hiền lắm, thiệt tình lắm, đối với gia đình, bạn bè rất tốt, vui vẻ, hoà đồng. Toàn bộ gia đình bên tôi, ai cũng thương ảnh. Anh cũng quan tâm, lo cho tôi dữ lắm. Chuyện công tác của tôi, anh bảo cứ làm được gì thì làm, tuỳ tôi, chứ không hề can ngăn, hay khuyên nghỉ, mặc dù có nhiều lần anh về, tôi bận công tác, vợ chồng chẳng gặp được nhau...”.
Chồng lo công tác, một mình bà vừa nuôi con vừa làm nhiệm vụ cơ sở rất vất vả, nhưng đó là do bà lựa chọn nên luôn cố gắng khắc phục để vượt qua. Bà kể, lúc ấy Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Hải Tùng có làm bài thơ về bà đăng trên báo, giờ bà còn nhớ được mấy câu:
“Hình ảnh Ba Hoà Xã uỷ viên
Cũng là người mẹ dịu hiền...
...
Bồng con đi họp lội ngang cánh đồng”.
Lấy nhau 4 năm, gặp nhau, sống cùng nhau cộng lại không được mấy tháng thì năm 1967, chồng bà hy sinh.
Lúc đó con gái lớn 3 tuổi, con trai nhỏ mới sinh 4 tháng, nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn lao nhưng bà vẫn kiên cường không quỵ ngã. Một mình vừa tham gia công tác cách mạng, vừa nuôi con, lại gánh nỗi đau lớn trong đời, bà tự nhủ lòng phải mạnh mẽ gấp đôi.
“Lúc đó ở xứ này có biết bao gia đình bị giặc giết, có gia đình 2-3 người, có gia đình 4-5 người. Như gia đình ông Nguyễn Phúc Ánh cùng xóm này, bị giặc giết 5 người con, chôn 5 ngôi mộ song song. Về sau ông bị thần kinh rồi mất. Gia đình tôi, ba công tác ở Quân khu 9, mẹ làm trong Tổ Ðảng, đã hy sinh; 4 chị em gái đều lấy chồng bộ đội, 3 người có chồng hy sinh. Lúc đó căm thù thì ai cũng căm thù. Không đi làm cách mạng cũng chưa hẳn sống, mình đi có chết nhưng cũng góp công sức để giải phóng quê hương”, bà giãi bày.
Ðất nước độc lập là niềm vui lớn, nhưng bên cạnh đó, cuộc sống vẫn lắm bộn bề gian khó. Bà lại tiếp tục vừa công tác vừa nuôi con. Năm 1980, bà là Bí thư Ðảng uỷ xã Biển Bạch. Năm 1991, bà nghỉ hưu.
“Hồi đó Chủ tịch, Bí thư xã không có lương. Vừa tham gia công tác vừa làm ruộng, chăn nuôi để có tiền lo cho gia đình. Vất vả vô cùng. Ði công tác vận động sản xuất, vận động bảo vệ Tổ quốc... phải lội bộ đến từng nhà. Những lúc hội nghị ở huyện mấy ngày, khuya là dậy cho heo ăn, 5 giờ chèo xuồng ra tới huyện dự họp; chiều chèo về, hôm sau lại đi... Thời khó khăn đó, một số đảng viên nam, nữ không cầm cự nổi đã nghỉ, tôi thì vẫn đeo đuổi. Tôi nghĩ, thời chiến tranh giặc giã, khó khăn cỡ nào còn trụ được, giờ phải kiên trì... Phải nối tiếp truyền thống cách mạng gia đình”, bà tâm tình.
Trải qua thời chiến tranh, với bao đạn bom, bao đau thương lấp đầy tuổi trẻ, tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 64 năm tuổi Ðảng, con cái cũng được học hành, chữ nghĩa đàng hoàng, với bà như vậy cũng thấy bằng lòng. Và cái giá lớn nhất là được hưởng cuộc sống thanh bình, không còn đạn lạc, bom rơi.
Ông Ba Kế và rất nhiều người lính Ðoàn Phương Ðông ngày nào, bây giờ đã về với đất. Và dĩ nhiên còn rất nhiều câu chuyện tình yêu, chuyện gia đình của những người lính Ðoàn Phương Ðông chưa được kể. Câu chuyện của ông bà Hoà nghe qua cũng bình thường, nhưng đằng sau đó, đọng lại những điều thật ý nghĩa về tình yêu và sự trở về quê hương chiến đấu của người lính; về nghị lực phi thường của người mẹ, người vợ trong nỗi mất mát đau thương bởi bom đạn chiến tranh. Ở đó còn có cái nghĩa vợ chồng thuỷ chung son sắt, có niềm tin vào ngày mai tươi sáng, có tình đồng chí, đồng đội một thời luôn ấm áp, yêu thương./.
Huyền Anh