Tranh: Minh Tấn
Phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trên không gian mạng
Ðấu tranh bằng lý luận, tư tưởng:
Phải kết hợp giữa đấu tranh lý luận với đấu tranh tư tưởng đối với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Cần có các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, những cây đại thụ của ngành lý luận, tư tưởng nước ta để viết bài, chia sẻ những nội dung nghiên cứu, bình luận đánh giá có chiều sâu và các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đấu tranh phản bác trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các bài viết, thông tin chia sẻ cần tập trung vào luận chứng cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm khẳng định và bảo vệ tính đúng đắn, bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng tự miễn dịch, trách nhiệm đấu tranh phản bác đối với các quan điểm sai trái, thù địch cho người dân.
Ðấu tranh bằng chính trị, pháp lý:
Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh dựa trên cơ sở chính trị với đấu tranh dựa trên cơ sở pháp lý để ngăn chặn những thông tin xấu độc, sai lệch, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội. Một mặt, cần nắm chắc và dựa trên quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thông tin sai lệch của các thế lực phản động trên không gian mạng. Mặt khác, nắm chắc và dựa trên luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam về hoạt động trên không gian mạng, các quy chuẩn của các nhà mạng để phát hiện kịp thời những quan điểm sai trái, thù địch, từ đó triển khai các giải pháp đấu tranh trên phương diện pháp lý. Kiên quyết, kiên trì, tranh thủ, tận dụng tối đa các diễn đàn và dư luận quốc tế nhưng phải dựa trên căn cứ pháp lý của luật pháp quốc tế và Việt Nam để đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch được phát tán bởi các tổ chức, cá nhân phản động thù địch trên không gian mạng.
Ðấu tranh bằng thông tin truyền thông và các trang mạng xã hội:
Chủ động triển khai các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua các diễn đàn hội thảo, toạ đàm khoa học quốc tế; hoạt động ngoại giao chính trị; viết bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế; xuất bản các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nước ngoài... chỉ đạo cho phép phương tiện truyền thông đại chúng trong nước mở các trang, chuyên mục, diễn đàn, cuộc thi... về các chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tổ chức, phối hợp với lực lượng giảng viên lý luận chính trị, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, trí thức, văn nghệ sĩ tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Thông qua đó, mở các hội, nhóm, diễn đàn lập các tài khoản mạng xã hội công khai nhằm đấu tranh trực diện chống các quan điểm sai trái, thù địch, từ đó chủ động chia sẻ, lan toả thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội với công chúng. Trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng cần phải đảm bảo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, “xây” đi đôi với “chống”, “chống” nhằm mục đích “xây” đảm bảo môi trường thông tin trong sạch, đảm bảo xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho các tầng lớp Nhân dân trên không gian mạng.
Ðấu tranh bằng phương tiện kỹ thuật, công nghệ
Tăng cường sử dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để phát hiện sớm, ngăn chặn tận gốc nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn các trang mạng chứa, chuyển tải các nội dung thông tin độc hại. Ðồng thời, đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng cung cấp thông tin dữ liệu phục vụ nhiệm vụ bảo vệ và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Thiết lập, triển khai các hệ thống theo dõi, giám sát, phân tích xu hướng dư luận dự báo diễn biến tình hình trên không gian mạng. Ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong giám sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch; bóc gỡ, vô hiệu hoá các tài khoản, trang mạng xã hội, kênh thông tin xấu độc. Tổ chức xây dựng đồng bộ các kênh truyền thông trên nhiều nền tảng mạng xã hội để lan toả thông tin tích cực. Ðồng thời, sử dụng kỹ thuật, công nghệ để thống kê tần suất xuất hiện, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các thông tin xấu độc, đo đếm số người like, share, comment thông tin tích cực để đánh giá tác dụng, hiệu quả của các phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng bằng các giải pháp phương tiện kỹ thuật, công nghệ.
Trách nhiệm của người làm công tác tư tưởng của Ðảng
Không ngừng nâng cao nhận thức lý luận về nền tảng tư tưởng của Ðảng. Phải nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, xem đây là vấn đề hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay. Trên cơ sở đó tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những giá trị to lớn và bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Ðảng; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên con đường đổi mới, hội nhập.
Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tiếp tục khẳng định những nguyên lý cơ bản, những giá trị bền vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển. Tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh; chỉ rõ những vấn đề Hồ Chí Minh đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam phát trên không gian mạng để không ngừng lan toả.
Không ngừng nâng cao trình độ lý luận, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”; học phải đi đôi với hành, thực hành để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng và cuộc sống đặt ra. Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức lý luận chính trị là trọng trách của người cán bộ ngành tuyên giáo.
Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII. Cán bộ, đảng viên cần cụ thể hoá việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua học tập, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của Nhân dân ta trên con đường hội nhập.
Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” nhằm nâng cao khả năng tự phòng, chống cho cán bộ, đảng viên. Phải tham mưu đúng quy trình trong công tác “xây” dựng lực lượng cán bộ chuyên trách và nội dung trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, nhất là trên không gian mạng.
Tận dụng tối đa Internet, các trang mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo... vào quá trình hoạt động tác nghiệp, biến những ưu thế kỹ thuật, công nghệ tương lai trở thành lợi thế, hành trang nội tại, không thể thiếu trong “nghề” tuyên giáo.
Trong “xây” dựng lực lượng và nội dung đấu tranh phải đảm bảo các nguyên tắc 4 chữ “phải”: “phải tiếp tục làm sáng tỏ, làm giàu thêm và khẳng định bản chất, cách mạng, khoa học vốn có của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới”; “phải đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “phải kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, những quan điểm nhân danh phát triển để chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin để chống phá Ðảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”; “phải trên cơ sở tổng kết một cách khoa học, thực tiễn của sự nghiệp đổi mới đất nước, khu vực, thế giới, đặc biệt là xu thế vận động của thời đại ngày nay”./.
Trương Tuấn Linh