Bìa quyển sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Cuốn sách là kết tinh trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong 60 năm hoạt động cách mạng tận tuỵ, tận hiến; hệ thống hoá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng ta đối với sự nghiệp xây dựng một nền văn hoá mới trong thời đại Hồ Chí Minh - nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Tác phẩm này đã thực sự khẳng định được tầm vóc, bản lĩnh và nhân cách của một con người văn hoá của Ðảng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự tiến bộ xã hội.
Nội dung cuốn sách gồm 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc”; Phần thứ hai: “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hoá thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững"; Phần thứ ba: “Từ luận điểm văn hoá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống". Cuốn sách cũng đã tuyển chọn hơn 90 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh các hoạt động của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời.
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa, tiếp tục khẳng định vai trò của văn hoá: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn”. Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng gọi nền văn hoá trải qua hơn 4 ngàn năm của dân tộc với niềm tự hào khôn xiết: “Tổ quốc ta, dân tộc ta mãi mãi rạng danh là một Quốc gia văn hiến, một Dân tộc văn hoá”. Nhắc lại lời dạy của Bác, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định đó là chân lý bất biến: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.
Khiêm tốn, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng kiến giải quan niệm của mình về văn hoá: “Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hoá, một gia đình có văn hoá, một dân tộc có văn hoá; lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá, cách ứng xử có văn hoá...). Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hoá, phi văn hoá, phản văn hoá”.
Từ tư duy lý luận sắc bén, thực tiễn phong phú, sâu sắc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một vấn đề đáng quan ngại: “Hạn chế, yếu kém nổi bật đã được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước” và “Văn hoá chưa được đặt đúng vị trí như nó vốn có trong sự phát triển”.
Bởi sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, không gì khác như lời của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đúc rút: “Chúng ta xây dựng, phát triển kinh tế, cuối cùng cũng vì sự phát triển bền vững của xã hội, vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của con người. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt lõi trong đường lối của Ðảng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Ðại hội XIII của Ðảng xác định rõ: “Phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Nhắc đi, nhắc lại, nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Ðảng ta về vai trò của văn hoá, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”; “Văn hoá phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội”.
Một trong những đóng góp quan trọng của cuốn sách chính là việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ một cách đầy đủ, dễ hiểu về công việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp cách mạng của đất nước trong mọi giai đoạn, nhất là bối cảnh mới hiện nay; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và hành động để thực hiện công việc ấy.
Thế nào là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cô đọng: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.
Ðồng chí Nguyễn Phú Trọng bằng kiến thức uyên bác, kiến giải khoa học để làm sáng rõ những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của nền văn hoá Việt Nam, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh. Tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm lý luận của Ðảng ta về việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh mới. Ðó là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hệ giá trị quốc gia: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hoá: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
“Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hoá, góp phần quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tâm đắc.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan điểm: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hoá, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”.
Trong tác phẩm này, độc giả không chỉ nhìn thấy tư tưởng, bản lĩnh, tầm vóc của người đứng đầu Ðảng; mà còn bắt gặp hình ảnh, tâm hồn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng gần gũi, dung dị từ những mạch nguồn văn hoá truyền thống của dân tộc qua ca dao, tục ngữ, quan họ Kinh Bắc, ca trù, đờn ca tài tử; một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế bằng những rung động với thơ ca, với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến; khi là người “chiến sĩ” am hiểu, xông pha trên mặt trận tư tưởng - văn hoá với các lĩnh vực văn học - nghệ thuật, báo chí, khoa giáo, xuất bản; là khoảnh khắc riêng tư với tấm lòng của người học trò với trường xưa, thầy cô giáo cũ... Người đọc tác phẩm sẽ thấy, sẽ cảm nhận từ tác phẩm những dẫn chứng sinh động, thuyết phục và chân thành về một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thông qua những trang sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Tỉnh Cà Mau đã tổ chức các hoạt động triển lãm, giới thiệu, lan toả giá trị các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Trong ảnh: Cuộc triển lãm, hoạt động ngoại khoá giới thiệu tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” tại huyện U Minh).
Gởi gắm, nêu ra những công việc cần phải làm để chấn hưng, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, cố Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hoá phải trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách”. Mà mục tiêu là đào tạo được “con người có văn hoá”, sống đúng, sống đẹp và sống hữu ích. Với thế hệ tương lai, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tha thiết nhắc nhở: “Cha ông đã để lại cho chúng ta một đất nước Việt Nam giang sơn vô cùng tươi đẹp. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là phải làm cho non sông nước Việt ngày càng giàu đẹp, hùng cường”. Và công việc đó cần phải được làm bằng nhận thức, bằng giải pháp, bằng quyết tâm hành động và cả khát vọng lớn lao của từng cá nhân, của toàn Ðảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; khẳng định bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Ðảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình - như lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm./.
Phạm Quốc Rin