Sign In

Những nỗ lực đấu tranh trên không gian mạng

08:34 26/11/2024
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong toàn quốc nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã tích cực triển khai đồng bộ biện pháp tấn công chính trị, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, bước đầu phát huy hiệu quả.

Báo Cà Mau điện tử chủ động mở chuyên mục

Báo Cà Mau điện tử chủ động mở chuyên mục "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng" sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35. Ảnh: PBT

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, từ khi thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đã phát hiện 363 trường hợp vi phạm trên không gian mạng (39 trường hợp đăng thông tin chống Ðảng, Nhà nước); xử lý vi phạm hành chính 146 trường hợp, tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; khởi tố 3 vụ, 4 bị can (2 bị can về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và 1 vụ án/2 bị can về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân”); đã tác động, yêu cầu các chủ tài khoản Facebook gỡ bỏ 1.209 bài viết, video, bình luận có nội dung xấu; tổ chức gọi hỏi, răn đe 165 trường hợp thực hiện hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, cam kết không tái phạm; duy trì kết nối với lực lượng Ban Chỉ đạo 35 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tấn công, báo xấu, gỡ bỏ hơn 300 tài khoản đăng tải bài viết có nội dung xấu, độc.

Các đối tượng chống đối chính trị trong nước gia tăng móc mối với các thế lực thù địch, phản động bên ngoài để tìm kiếm sự hậu thuẫn cho hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối. Trước tình hình nhiều đối tượng chống đối trong nước bị cơ quan chức năng đấu tranh vô hiệu hoá, chắc chắn các đối tượng khác sẽ nâng cao cảnh giác và nỗ lực tìm kiếm sự hậu thuẫn về tài chính, kỹ thuật, tinh thần từ bên ngoài và các tổ chức phản động lưu vong để gia tăng hoạt động chống đối.

Một số tổ chức phi chính phủ tiếp tục cung cấp tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, hậu thuẫn về tinh thần thông qua các giải thưởng hoặc gây sức ép đối với chính quyền Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, tự do Internet.

Hai yếu tố trên sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ trong - ngoài giữa các đối tượng, khiến cho công tác đấu tranh với hoạt động của các đối tượng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Công tác quản lý Nhà nước về các dịch vụ mạng, nhất là mạng xã hội tuy đã được cải thiện nhưng chưa triệt để do nhiều yếu tố khách quan. Do đó, các thế lực thù địch, chống đối trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá qua không gian mạng. Tính bảo mật ngày càng cao của các dịch vụ trên không gian mạng, mạng xã hội là xu hướng tất yếu để bảo vệ quyền lợi khách hàng, củng cố uy tín của thương hiệu, bảo vệ các quyền riêng tư của công dân sẽ khiến công tác đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hoá của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Tuyên truyền, giáo dục, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng Internet tuân thủ mọi quy định của pháp luật, nhận thức rõ đúng sai, từ đó chủ động đấu tranh, phê phán, bác bỏ những luồng thông tin không chính thống, những thông tin độc hại trên không gian mạng của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác chưa cao, các bài viết phản bác chỉ mới dừng lại ở việc đăng tải ở một số báo, tạp chí, trang tin; chưa được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt chưa lan toả mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.

Các hoạt động, âm mưu sử dụng Internet chống Ðảng, Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng đa dạng, phức tạp về tính chất, hành vi. Do đó, để góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong việc ngăn chặn, hạn chế tác động ảnh hưởng tiêu cực của các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, thời gian tới cần tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các hoạt động tuyên truyền thông tin xấu, kích động chống phá trên không gian mạng và nhất là thông tin trên mạng xã hội có ý nghĩa quan trọng để người sử dụng Internet có sức đề kháng đối với những luận điệu xuyên tạc, kích động, đồng thời huy động được tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc đấu tranh này. Trong đó, Quân đội, Công an cần tập trung tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; tham mưu các cấp lãnh đạo, hướng dẫn các cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tăng cường phổ biến kiến thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ tính chất và tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động sử dụng mạng xã hội tuyên truyền chống phá, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên.

Hai là, nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực viễn thông, Internet. Trong đó, tổ chức hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với Internet nói chung và các dịch vụ mạng xã hội nói riêng bằng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh. Chú ý tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng, Nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đầu tư trang thiết bị, lực lượng để nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên trách đấu tranh trên không gian mạng.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá Ðảng, Nhà nước. Tăng cường công tác nắm tình hình, giám sát thường xuyên, liên tục thông tin trên mạng xã hội để kịp thời thu thập, phân tích, đánh giá và nhận định các thông tin liên quan, kết hợp nhuần nhuyễn nắm tình hình công khai trên mạng xã hội với nhiều biện pháp khác để thu thập các thông tin cần thiết cho phương án đấu tranh, vô hiệu hoá âm mưu tuyên truyền chống phá. Kiên quyết xử lý trước pháp luật những đối tượng trong nước có hành vi lôi kéo, kích động biểu tình, số đối tượng tuyên truyền chống phá cực đoan, tạo sự răn đe và tăng tính nghiêm minh của pháp luật.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại; thành lập Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Công an tỉnh Cà Mau theo quy định.

Năm là, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, mức độ “độc hại” của những quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện trên Internet. Nội dung công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải toàn diện, đồng thời sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, gần gũi với thực tế cuộc sống, thực tiễn công tác; tận dụng triệt để tốc độ lan truyền nhanh của Internet để cung cấp thường xuyên, cập nhật kịp thời các thông tin chính thống, quan điểm đúng đắn của Ðảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị./.

 

Trần Ngọc Nguyễn

 

Tag:

File đính kèm