Sign In

Hơn 70 tỷ đồng chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

19:28 15/02/2024
Chiều 15/2, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt; Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại chủ trì cuộc họp giao ban đánh giá tình hình tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Cuộc họp giao ban đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra với không khí nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả.

Tỉnh Cà Mau đã tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Thực hiện tốt việc tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam...

Các doanh nghiệp, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, chợ nông sản, chợ truyền thống cung ứng hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tổng giá trị hàng hoá dự trữ đạt gần 1.013 tỷ đồng, giá cả tương đối ổn định.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá, nâng giá tuỳ tiện; không phát hiện diễn biến bất thường về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại…

Các chế độ, chính sách đối với gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội… được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đến nay, chưa phát hiện tình trạng thất thoát, sai sót hay phản ánh của đối tượng về công tác cấp, phát quà Tết. Tổng kinh phí thực hiện các chính sách trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh khoảng trên 70,4 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 38,6 tỷ đồng và nguồn xã hội hoá 24,9 tỷ đồng.

Công tác chăm lo Tết Giáp Thìn 2024 cho Nhân dân được Cà Mau đặc biệt quan tâm (Ảnh: Bà Dương Thu Hiền, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, tặng quà Tết đến các gia đình chính sách tại Khu căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân).

Theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp, mức tiền thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 200 triệu đồng, mức tiền thưởng thấp nhất 200.000 đồng. Việc chi trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội và cấp phát quà Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng theo quy định; không xảy ra khiếu nại về tiền lương hoặc tình trạng tập trung đông người do phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ lao động.

Giao thông đi lại và thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt. Tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông tại bến xe, bến tàu, bến phà ổn định; việc vận chuyển hành khách và hàng hoá được đảm bảo an toàn, kịp thời, không xảy ra tình trạng ứ đọng... 

Các ngành chức năng cấp tỉnh và các huyện, thành phố tích cực triển khai tổ chức thực hiện trang hoàng đường phố, bố trí các điểm bán hoa kiểng, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu vui Xuân, đón Tết của Nhân dân. Tổ chức Chương trình nghệ thuật đón giao thừa mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 đảm bảo ý nghĩa và tổ chức bắn pháo hoa, đảm bảo an toàn đúng quy định, thu hút hơn 60.000 lượt người. Hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí tại các điểm du lịch, di tích diễn ra sôi nổi, tạo sinh khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, doanh thu du lịch đạt hơn 130 tỷ đồng. (Ảnh: Du xuân tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Cà Mau)

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước tổ chức đón Tết trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm; chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi Tết. Trong vui Xuân, đón Tết, các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị, nhất là sản xuất, kinh doanh...

Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định; chủ quyền an ninh biên giới vùng biển được giữ vững. Công tác tấn công trấn áp tội phạm; phòng, chống cháy, nổ… được các ngành, đơn vị chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phân công lực lượng trực Tết, đảm bảo lực lượng ứng trực theo yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định; đến nay, chưa phát hiện cơ quan, đơn vị vi phạm công tác ứng trực theo quy định.

Sau thời gian nghỉ Tết, sáng 15/2 (mùng 6 Tết), tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã trở lại làm việc bình thường với tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc.

Cũng tại cuộc họp, nội dung về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao trong vùng ngọt hoá tỉnh Cà Mau cũng được báo cáo, thảo luận, cho ý kiến và đề xuất giải pháp.

Theo đó, tình hình hạn hán mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh diễn biến gay gắt, dẫn đến hạn hán, đặc biệt Tiểu vùng III- Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời, mực nước trên các hệ thống kênh mương bị sụt giảm khô cạn. Tổng số có 36 tuyến kênh tại huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở, với tổng chiều dài 3.361m, gồm 107 điểm. Trong đó, sụt lún, sạt lở ảnh hưởng lộ bê tông 31 tuyến, với 78 điểm, chiều dài 2.325m; sụt lún, sạt lở đất đen 5 tuyến, với 29 điểm, chiều dài 1.036 m.

Qua theo dõi và khảo sát thực tế nhận thấy hiện nay chưa xuất hiện dấu hiệu nứt nẻ trên mặt ruộng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, có thể nhận định mực nước lòng kênh hạ thấp và hiện tượng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông nông thôn do các nguyên nhân như trong quá trình cải tạo, bồi trúc làm bờ bao, đường giao thông nông thôn và người dân lấy đất sử dụng đã đào lòng kênh quá sâu, quá gần với mép bờ kênh, độ dốc mái kênh lớn, dẫn đến mất ổn định, sạt lở bờ kênh kéo theo sụp lún mặt đường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử báo cáo về tình hình hạn mặn tại vùng ngọt hoá.

“Cùng với đó, người dân trữ nước ở trên ao hồ, mặt ruộng (đặc biệt với gần 60 ha người dân tự ý làm vụ 3) làm cho nước lòng kênh hạ thấp, nước từ mặt ruộng, ao đìa thẩm thấu, rò rỉ xuống lòng kênh gây ra sạt trượt đường. Ngoài ra, người dân sử dụng nước chưa hiệu quả, chưa tiết kiệm. Cụ thể: tại thời điểm xuống giống lúa vụ 2, phải bơm nước ra kênh làm cho lượng nước ngoài kênh lớn, dẫn đến phải mở cống xả bỏ nước ngọt ra biển Tây”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử thông tin thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo: "Các giải pháp cho vùng ngọt hoá ứng phó với hạn mặn phải phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là không phá vỡ quy hoạch của tỉnh".

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Công tác tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn là đạt yêu cầu, tuy nhiên vẫn cần rút kinh nghiệm ở một số vấn đề: Rà soát chặt các quy định, có những giải pháp hữu hiệu để kiểm soát và sử dụng an toàn pháo hoa dịp Tết; tính toán để có hỗ trợ thiết thực hơn, ý nghĩa hơn về quà Tết cho người dân, nhất là các hộ khó khăn; phải tạo ra các hoạt động, sân chơi phong phú hơn, đa dạng hơn cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên”.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các ngành chức năng phải kiên quyết, xử lý triệt để và nghiêm minh với các đối tượng coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật liên quan đến tình trạng tranh chấp ngư trường trên biển. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát thật chặt các mặt chuẩn bị cho công tác tuyển quân, đưa quân, đảm bảo đúng quy định, số lượng và chất lượng tân binh theo chỉ tiêu được giao.

Về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt hoá, đồng chí Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các địa phương: U Minh, Trần Văn Thời chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện và chủ động về giải pháp để phòng, chống hạn mặn, tình trạng sụt lún trên địa bàn. Riêng tuyến huyết mạch Tắc Thủ - Đá Bạc, các ngành, địa phương liên quan phải tiến hành sắp xếp, phân luồng giao thông phù hợp; tổ chức các bến bãi tập kết nông sản thuận lợi cho nông dân và an toàn cho tuyến giao thông.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: "Các cấp, ngành phải có giải pháp rốt ráo để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Tuyệt đối không để tuyến huyết mạch Tắc Thủ - Đá Bạc xảy ra tình trạng sụt lún".

“Tuyệt đối không sử dụng giải pháp đưa nước mặn vào nội đồng để ngăn tình trạng sụt lún. UBND tỉnh và các ngành liên quan phải làm sớm, làm tốt công tác dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để báo cáo và có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả”, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo.

Quốc Rin

Tag:

File đính kèm