Sign In

Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

01:11 30/03/2023
Sáng ngày 29/3, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị.

Sáng ngày 29/3, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Dương Huỳnh Khải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Dương Thu Hiền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; đại diện lãnh đạo các huyện có rừng U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị

Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đổi mới và đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, với phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân thực hiện đề án trồng mới một tỷ cây xanh; nhiều giải pháp, biện pháp kiên quyết bảo vệ và phát triển rừng được tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp được thực hiện quyết liệt hơn; chủ động đầu tư nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, với phương châm phòng cháy là chính, chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương có hiệu quả; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép từng bước được ngăn chặn, trên địa bàn tỉnh không xảy ra điểm nóng về phá rừng, không xảy ra cháy rừng lớn; việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Thực hiện tốt công tác trồng rừng mới đối với những khu vực còn đất trống trong quy hoạch đất lâm nghiệp, trồng lại rừng sau khai thác vào vụ trồng rừng kế tiếp đúng quy định. Diện tích trồng rừng mới giai đoạn năm 2017 - 2022 bình quân 300 ha/năm, trồng lại rừng sau khai thác bình quân 3.500 ha/năm. Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng được đổi mới, chuyển từ trồng rừng quảng canh truyền thống sang lên liếp trồng rừng thâm canh; năng suất, chất lượng rừng tăng lên rõ rệt, nâng cao giá trị rừng. Diện tích rừng lên liếp thâm canh tại khu vực U Minh Hạ năm 2022 khoảng 23.200 ha/30.000 ha rừng sản xuất (keo lai khoảng 9.800 ha; tràm 13.200 ha). Tỷ lệ cây gỗ lớn trong khai thác rừng keo lai ngày càng tăng, sản phẩm gỗ có đường kính lớn (trên 20 cm) chiếm trên 30% sản phẩm gỗ khai thác rừng. Đối với rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, được thực hiện thông qua các chương trình, dự án, nguồn vốn khác nhau, góp phần hạn chế sạt lở đất ven sông, ven biển.

Thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đối với khu vực bãi bồi ven biển, nơi có đủ điều kiện thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, tạo điều kiện ổn định bãi, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành rừng. Kết quả giai đoạn 2017 - 2022, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng đặc dụng 540 ha (khoanh nuôi mới), bình quân 90 ha/năm.

Tăng cường thực hiện chính sách đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư cho ngành lâm nghiệp, như: Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025; Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 và Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi thực hiện các dự án đầu tư được rà soát, kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định. Các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng từ năm 2017 - 2022 là 25 dự án, với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng 216,47 ha (rừng tự nhiên 5,72 ha; rừng trồng 210,75 ha).

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đang áp dụng thí điểm cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng với sự hỗ trợ của dự án quốc tế Bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải (thông qua Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 22/01/2016 của UBND tỉnh). Đến nay, đã có trên 4.200 hộ được chứng nhận rừng - tôm bền vững, với diện tích trên 19.000 ha (doanh nghiệp chế biến thủy sản chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với mức bình quân 500.000 đồng/ha/năm khi mua tôm nuôi từ diện tích rừng này).

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm sâu sát; các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng được xây dựng sát với thực tế và triển khai thực hiện quyết liệt; các chủ rừng và địa phương chủ động xây dựng, triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm đúng theo quy định và đạt hiệu quả cao; phương châm “4 tại chỗ” được quán triệt và tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, công tác kiểm tra được tổ chức thường xuyên; công tác phối hợp giữa các lượng kiểm lâm, công an, quân đội, chính quyền địa phương, chủ rừng rất chặt chẽ và thường xuyên. Từ năm 2017 - 2022, xảy ra 08 vụ vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, nhưng mức độ thiệt hại thấp (cháy 1,93 ha rừng).

Tỉnh đã tập trung xây dựng các khu tái định cư để tổ chức di dời, tái định cư các hộ dân trên lâm phần rừng phòng hộ ven biển Tây và biển Đông. Giai đoạn từ năm 2013 - 2020, tổng số hộ bố trí vào các khu tái định cư làm nhà ở ổn định 1.679 hộ (đa số các hộ dân đang cư trú trên lâm phần rừng phòng hộ biển Tây và các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định: Tình trạng sạt lở đất ven biển gây mất rừng còn diễn biến phức tạp, kết cấu hạ tầng vùng rừng tuy được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng; hiệu quả sản xuất, kinh doanh rừng chưa bền vững.  

Giai đoạn năm 2015 - 2022 sạt lở mất rừng ven biển 2.794 ha, trong đó sạt lở rừng phòng hộ ven biển Đông có chiều hướng gia tăng, nhiều đoạn sạt lở sâu (khoảng 40m/năm), một số vị trí sạt lở hết dải rừng phòng hộ tập trung ven biển; sóng biển ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích rừng và đất rừng đã khoán cho hộ dân để sản xuất kết hợp trồng rừng, nhiều hộ bị sạt lở từ hàng chục đến hàng trăm mét, đe dọa trực tiếp đến an toàn sản xuất, tài sản của các hộ nhận khoán; phía ven biển Tây, hiện tượng sạt lở mất rừng ven biển tăng mạnh, có những đoạn sạt lở hết rừng, biển tiến sát đến chân đê.

Dân cư trú ven biển, trong vùng rừng phòng hộ chưa được bố trí tái định cư còn nhiều, gây áp lực lên rừng; ý thức chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của một bộ phận người dân chưa cao.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số nơi chưa chặt chẽ, công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương còn có sai sót, tiến độ chậm, việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả còn chậm.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung liên quan đến những khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, như: Người dân còn xây nhà trái phép trong khu vực rừng phòng hộ; vướng mắc trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; công tác quy hoạch còn bất cập; chính sách giao khoán đất rừng chưa cụ thể; khó khăn trong quản lý đất quốc phòng, an ninh; tạo việc làm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư các nơi sạt lở rừng… đồng thời đề ra các giải pháp để nâng cao, phát triển giá trị kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu để nghiên cứu, bổ sung vào báo cáo, tham luận của tỉnh đảm bảo đúng thực tế của tỉnh và tiến độ báo cáo theo quy định; trong đó đề nghị hoàn chỉnh dự thảo báo cáo, biên tập gọn lại đồng thời bổ sung những nội dung liên quan đến thực trạng khó khăn hiện nay của tỉnh, nhất là những khó khăn, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Cần có những ý kiến đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh ngày càng tốt hơn, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.

Ảnh: Đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu bế mạc Hội nghị

BAN BIÊN TẬPCg

 

Tag:

File đính kèm